Kỳ vọng vào những đạo luật mang tính 'mở đường'
Hơn 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000ha đang gặp khó khăn, là con số được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 5/5/2025.

Ảnh minh họa
Đã qua thời kỳ “khát vốn” mà có khi phải đi “xin” dự án. Đây là thời kỳ ngoài vốn trong nước, còn là vốn nước ngoài dồi dào. Cũng theo báo cáo của Thủ tướng, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 25,4 tỷ USD. Nhưng quá trình đầu tư, giải ngân, gặp một số vướng mắc.
Chính vì nhiệm vụ tăng trưởng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đến tháo gỡ khó khăn. Về phía Chính phủ, trong năm 2024, đã tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; trình Quốc hội xem xét, thông qua khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ với 28 luật, 24 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu với 19 dự án luật, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Thủ tục hành chính (TTHC) được cắt giảm, đơn giản hóa, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, DN.
Đất nước đã có những bước tiến dài trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược. Dễ nhận ra là những phát triển về hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và viễn thông; tạo không gian và cơ hội phát triển mới, tăng cường liên kết, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và DN. Chưa bao giờ thương mại điện tử phát triển như thời gian vừa qua.
Để đất nước vươn mình phải đột phá thể chế và pháp luật. Đấy cũng là tư tưởng thể hiện trong bài viết gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm. Phải thẳng thắn nhìn nhận, một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý. Bên cạnh đó là chất lượng pháp luật một số lúc một số nơi chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Còn có một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư; Việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; TTHC còn rườm rà, "nhiều khúc quanh"; chi phí tuân thủ pháp luật còn cao.
Đặc biệt, việc tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Chậm nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Vì thế, kỳ họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội số lượng luật, nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp (44 dự án luật, nghị quyết); trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có tính "mở đường". Đây là lúc phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách TTHC mạnh mẽ.