Kỳ vọng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại San Francisco
Theo kế hoạch Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào ngày 15/11 bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại San Francisco, Mỹ. Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ trở lại quỹ đạo ổn định và góp phần thúc đẩy một khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển và thịnh vượng.
Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ 2 giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau cuộc gặp tại Bali, Indonesia vào tháng 11/2022. Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, mục tiêu của ông trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nối lại liên lạc bình thường giữa hai nước, bao gồm cả các đường dây liên lạc quân sự.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden sẽ cuộc trao đổi sâu sắc về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, tổng thể và cơ bản trong việc định hình quan hệ Trung- Mỹ, cũng như các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và phát triển thế giới.
Đánh giá về cuộc gặp, chuyên gia Robert Lawrence - Chủ tịch Quỹ Kuhn có trụ sở tại Mỹ nhận định, chuyến đi đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ kể từ năm 2017 cho thấy sự coi trọng của Nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Theo ông Robert Lawrence: “Việc Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ và tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới rằng APEC cực kỳ quan trọng, các vấn đề mà APEC giải quyết cũng vô cùng quan trọng và Trung Quốc sẵn sàng đóng góp lớn cho từng hạng mục cốt lõi".
Trong khi đó, Phó giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ tiền tệ quốc tế Gita Gopinath nhấn mạnh ý nghĩa toàn cầu của mối quan hệ Trung - Mỹ: “Điều cực kỳ quan trọng đối với cả Trung Quốc và Mỹ, cũng như đối với nền kinh tế toàn cầu, là hai nước phải có mối quan hệ chặt chẽ và có thể làm việc với nhau. Tôi không nghĩ rằng chỉ sau một đêm chúng ta sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề. Nhưng phải có cách để cả hai nước có thể làm việc cùng nhau. Điều rất quan trọng là không kết thúc bằng việc phá hủy tất cả những lợi ích mà thế giới đạt được từ thương mại quốc tế chặt chẽ hơn và đây là điều mà IMF đang nỗ lực đạt được".
Châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang nổi lên như một động lực của tăng trưởng và phát triển bền vững bất chấp bối cảnh ảm đạm và đầy thách thức đối với nền kinh tế thế giới. Theo các nhà phân tích, bằng cách quy tụ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc, và các nền kinh tế khác, APEC có thể tận dụng lợi thế sự sự khác biệt của những nền kinh tế khác nhau để tăng cường hợp tác thiết thực và hiệu quả hơn nữa.