Kỳ vọng với thiết bị y tế sản xuất trong nước
Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành y tế gia đình và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Techmart 2019 chuyên ngành y tế) là sự kiện nằm trong Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN TPHCM giai đoạn 2016-2020 vừa được Sở KH-CN TPHCM tổ chức. Qua đó cho thấy cơ hội chuyển giao công nghệ cũng như kỳ vọng sản phẩn công nghệ y tế sản xuất trong nước có tiềm năng rất lớn.
Nhiều sản phẩm thiết thực
Tại Techmart 2019, hàng loạt sản phẩm thiết thực với cuộc sống được giới thiệu, như máy đo đường huyết Gmate Smart, sản phẩm tiện lợi cho nhu cầu kiểm tra sức khỏe dù ở bất cứ đâu, có độ chính xác và độ tin cậy cao, giúp người bệnh kiểm soát chế độ ăn tốt hơn. Hay ứng dụng di động eDoctor có mặt trên các nền tảng phổ biến như Android và iOS. Sau khi cài đặt, người dùng có thể đặt câu hỏi thắc mắc về tình trạng bệnh của bản thân hay bất kỳ ai, đồng thời tham gia vào cộng đồng, bao gồm các câu hỏi và trả lời của những người dùng khác.
Bên cạnh những chức năng chính như hỏi - đáp miễn phí với bác sĩ mọi lúc mọi nơi hoặc đăng ký các gói chăm sóc sức khỏe, eDoctor còn hỗ trợ tra cứu thông tin về loại thuốc đang/sắp sử dụng, tìm kiếm nhà thuốc hoặc cơ sở y tế gần nhất dựa theo vị trí của người dùng (định vị smartphone)…
Không chỉ thiết bị có tính “cá nhân” mà thiết bị có tính “hệ thống” cũng không thiếu tại Techmart 2019 chuyên ngành y tế. AutoMACS Pro là hệ thống tách tế bào hoàn toàn tự động sử dụng công nghệ hạt từ MACS Microbead Technology, được sử dụng để tách tế bào máu trực tiếp từ máu tổng số hoặc từ tủy xương. Trong đó, hạt từ liên hợp với kháng thể đặc hiệu nhắm vào kháng nguyên trên bề mặt tế bào. Công nghệ này rất lý tưởng ứng dụng phân loại tế bào và dòng chảy tế bào nhỏ vì kích thước nhỏ của mỗi vi sinh vật sẽ không bảo hòa với kháng nguyên trên bề mặt tế bào. AutoMACS pro có khả năng xử lý hầu hết mọi loại tế bào bất kỳ cũng như xử lý mẫu tự động một cách linh hoạt, nhanh, nhẹ nhàng, an toàn với tốc độ lên hơn 10 triệu ô mỗi giây…
Còn hệ thống quan trắc nước thải bệnh viện SmartpH-06M với vai trò là bộ cảm biến đo đa chỉ tiêu. Đây là bộ hiển thị và điều khiển thông minh có khả năng đo mở rộng đến 8 chỉ tiêu cùng lúc, gồm COD/BOD/pH/oC/Cond./TSS/Color/Flow bằng bộ vi xử lý. SmartpH-06M sở hữu màn hình LCD cảm ứng 7 inch có thể hiển thị cùng lúc các giá trị đo, hỗ trợ cài đặt thời gian lấy mẫu, password đăng nhập, xem lịch sử giá trị đo theo từng chỉ tiêu…
Cơ hội chuyển giao cao
Techmart chuyên ngành y tế năm nay thu hút 41 đơn vị tham gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ, giới thiệu chào bán gần 100 công nghệ, thiết bị, giải pháp trong và ngoài nước, sẵn sàng cung cấp chuyển giao. Trong đó có các giải pháp hội chẩn trực tuyến; triển khai bệnh án điện tử; giải pháp quản lý tổng thể bệnh viện; ứng dụng công nghệ điều trị không xâm lấn (laser, từ trường, hồng ngoại…) và các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe gia đình (đo nhịp tim, đường huyết, giải pháp theo dõi đánh giá tình trạng sức khỏe, hỗ trợ điều trị…).
Để đạt kết quả tốt nhất có thể, ban tổ chức đã triển khai khảo sát nhu cầu doanh nghiệp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, sắp xếp lịch và mời các chuyên gia nhiều kinh nghiệm tham gia công tác tư vấn, giải đáp công nghệ cho các doanh nghiệp và cá nhân khi tham dự sự kiện. Hơn nữa, đây là hoạt động thường niên do Sở KH-CN TPHCM tổ chức, Trung tâm Thông tin và thống kê khoa học và công nghệ (CESTI) phối hợp với Hội Thiết bị y tế TPHCM triển khai thực hiện, nhằm giới thiệu công nghệ Việt đến với các đơn vị y tế trong nước.
Theo bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, với lĩnh vực y tế, ký kết chuyển giao công nghệ đòi hỏi mất rất nhiều thời gian vì là lĩnh vực đặc thù, cần tìm hiểu kỹ, kiểm tra công nghệ và thậm chí chạy thử để thích ứng… nên chưa thể có kết quả của việc chuyển giao công nghệ ngay sau khi kết thúc Techmart 2019. Nhưng qua hoạt động của Techmart kỳ này, rất nhiều đơn vị y tế đã tìm hiểu, tham gia tư vấn các giải pháp liên quan đến hệ thống. Điều này cho thấy Techmart 2019 chuyên ngành y tế gia đình và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhận được sự quan tâm cũng như mong muốn ứng dụng công nghệ Việt tại các cơ sở y tế.
“Chúng tôi rất mong muốn các đơn vị y tế trong nước dùng các công nghệ của chính các viện, trường hay các doanh nghiệp Việt phát triển, CESTI sẵn sàng kết nối với các đơn vị có nhu cầu”, bà Thanh Bằng cho biết.
Techmart 2019 được tổ chức nhằm kết nối giữa các nhà nghiên cứu ở trường đại học, viện, bệnh viện với doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ đưa sản phẩm từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có điều kiện tiếp cận những thành tựu KH-CN; qua đó thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ky-vong-voi-thiet-bi-y-te-san-xuat-trong-nuoc-622371.html