Kỳ vọng vụ đông xuân bội thu

Bắt đầu từ giữa tháng 12/2021 đến ngày 5/1/2022, nông dân các địa phương tập trung xuống giống vụ đông xuân. Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, để vụ đông xuân bội thu, các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn để sản xuất đạt hiệu quả cao nhất…

Kỳ vọng vụ đông xuân bội thu

Nông dân Hàm Thuận Bắc chăm sóc lúa đông xuân sớm.

Nông dân Hàm Thuận Bắc chăm sóc lúa đông xuân sớm.

Tháng cuối năm, nông dân các địa phương lại tất bật vào vụ sản xuất lúa đông xuân. Đây là thời điểm chuyển giao giữa mùa mưa và mùa khô, hầu hết các hồ chứa đã tích đầy nước, tạo thuận lợi cho cây trồng phát triển. Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, theo kế hoạch, vụ đông xuân năm nay có tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 47.640 ha. Trong đó cây lương thực 40.045 ha (lúa 36.720 ha, bắp 3.325 ha), sản lượng lương thực 266.653 tấn.

Để đạt được kết quả đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sản xuất mỗi vùng nên bố trí 2 – 4 giống chủ lực, mỗi giống chiếm từ 20 - 25% tổng diện tích gieo trồng. Tùy theo điều kiện thực tế các giống đang canh tác tại các địa phương, khả năng cung ứng giống, điều kiện đất đai, khí tượng thủy văn của từng tiểu vùng mà xác định các giống lúa thích hợp. Trong đó, các địa phương cần lưu ý, trên cơ sở khung thời vụ, tùy theo tình hình thực tế của địa phương để xây dựng cụ thể lịch thời vụ gieo trồng phù hợp. Đồng thời, phải bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa, tối thiểu là 3 tuần.Tùy theo điều kiện nguồn nước, dự báo rầy nâu di trú của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để triển khai xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy cho từng khu vực, từng cánh đồng.

Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, đối với sản xuất lúa và cây hàng năm khác, các địa phương cần tập trung rà soát, bố trí thời vụ xuống giống và cơ cấu giống lúa phù hợp với tình hình từng thời điểm, từng địa bàn. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng từ 90 – 105 ngày. Lượng giống lúa gieo phải đảm bảo mật độ khuyến cáo là từ 120 – 150 kg/ha, không gieo dày trên 150 kg/ha để dễ quản lý sâu bệnh hại và bón phân cân đối, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ. Bám sát đồng ruộng, theo dõi, dự tính dự báo để chỉ đạo sản xuất…

Một yếu tố quan trọng để góp phần đảm bảo thắng lợi vụ đông xuân là nguồn nước tưới. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, cải tạo, nâng cấp thủy lợi nội đồng để chủ động tích trữ nước khi vào mùa khô hạn. Mặt khác, tiếp nhận thông tin và dự báo đến nông dân những diễn biến của tình hình khí tượng, thủy văn ảnh hưởng đến sản xuất. Song song, thực hiện xây dựng cánh đồng lớn cả về diện tích, số lượng, hình thức hợp tác để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm.

Đối với sản xuất cây lâu năm, các địa phương cần rà soát, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo không phát triển thêm diện tích trồng mới mà tập trung vào thâm canh, chăm sóc cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với đó, thực hiện tái canh, thâm canh điều bằng giống mới được công nhận và phù hợp với địa phương. Riêng đối với cây thanh long, nông dân không nên phát triển thêm diện tích, mà cần bố trí rải vụ một cách hợp lý, gắn với thị trường. Tập trung thâm canh, sản xuất theo hướng an toàn và vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối và kiểm soát sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đốm nâu trên thanh long.

Với nguồn nước tưới đầy đủ, thời tiết thuận lợi, cộng thêm những biện pháp sản xuất linh hoạt, hiêu quả, hy vọng toàn tỉnh sẽ có một vụ đông xuân bội thu.

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/ky-vong-vu-dong-xuan-boi-thu-144033.html