Kỳ vọng Xanh
Được xem là sự kiện quan trọng trong nỗ lực toàn cầu đối phó với biến đổi khí hậu, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại thành phố Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 đến 22/11 tới không chỉ là nơi các nhà lãnh đạo thảo luận về giải pháp tài chính khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, mà còn là cơ hội quý báu kết nối cả thế giới đồng lòng vì một tương lai xanh.
Ngay trước thềm hội nghị, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã công bố báo cáo cảnh báo Trái Đất đang trong thời điểm nóng lên ở cấp độ chưa từng có tiền lệ, với 2024 gần như chắc chắn sẽ trở thành năm nắng nóng nhất trong lịch sử, vượt mốc ghi nhận vào năm 2023. Năm ngoái đã được nhận định là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua, đưa Trái Đất từ thời kỳ “ấm lên” sang thời kỳ “nung nóng”.
Hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu vẫn hiện hữu mỗi ngày, ở khắp nơi. Chỉ trong vòng 2 ngày, cơn bão Yagi (bão số 3 ở Việt Nam) đã nhanh chóng chuyển thành siêu bão và trở thành cơn bão mạnh nhất trong năm 2024 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, các đại dương nóng lên do biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão mạnh lên nhanh hơn. Hậu quả là bão Yagi hồi đầu tháng 9 quét qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia, bao gồm Philippines, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan, Việt Nam, khiến hơn 80 người thiệt mạng và tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn kỷ lục và lũ quét ở Tây Ban Nha hồi cuối tháng 10 đã khiến hơn 210 người thiệt mạng tại Valencia, tới nay gần 90 người vẫn mất tích. Nhật Bản đã trải qua mùa Hè nóng nhất trong lịch sử: nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 cao hơn 1,76 °C so với mức bình thường. Đầu tháng 10, nhiệt độ ở 74 thành phố của nước này đã đạt và vượt quá 30 °C. Ngày 31/10, Hiệp hội địa lý LB Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev, vùng lãnh thổ băng giá có diện tích 53 ha ở Bắc Cực đã hoàn toàn biến mất do tình trạng ấm lên ở vùng cực khiến các sông băng tan chảy và mực nước biển dâng cao. Điều đó cho thấy thách thức về biến đổi khí hậu là rất lớn và thế giới đứng trước hai nhiệm vụ cùng lúc: nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời phải chủ động gia tăng khả năng chống chịu và thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Tại các hội nghị gần đây, cộng đồng quốc tế đều đạt những bước tiến tích cực trong nỗ lực phối hợp ngăn Trái Đất nóng lên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả nổi bật của COP27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập là thỏa thuận bước ngoặt về việc các quốc gia phát thải nhiều trong quá khứ đền bù tổn thất cho các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Tại COP28 ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), các bên đã lần đầu tiên nhất trí chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030. Bởi vậy COP29 được kỳ vọng sẽ tạo thêm "cú hích" cho những hành động chung tiếp theo để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris hồi năm 2015.
Một trong những nội dung chính của hội nghị năm nay là thống nhất một cơ chế tài chính khí hậu mới – "Mục tiêu định lượng tập thể mới" (NCQG), để thay thế cam kết trước đó về khoản hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm từ các quốc gia phát triển cho các nước đang phát triển. Điểm nhấn quan trọng của chương trình là Quỹ tổn thất và thiệt hại, ra đời từ COP27. Mặc dù đã có những cam kết tài chính ban đầu, nhưng COP29 sẽ tiếp tục thúc đẩy các quốc gia tăng cường đóng góp tài chính và triển khai quỹ này. Tuy nhiên, thách thức lớn là làm sao có được sự đóng góp mạnh mẽ từ cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân, khi các quốc gia phát triển vẫn đang cân nhắc phương thức tham gia.
Một vấn đề nữa là chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch theo thỏa thuận của COP28 vẫn là "bài toán khó” với toàn cầu, nhất là vấn đề kinh phí và phương án thực hiện. Muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo cần đầu tư nguồn kinh phí lớn để phát triển công nghệ mới, đồng thời hỗ trợ xã hội và doanh nghiệp chuyển đổi. Tuy nhiên, theo phân tích mới của The ONE Campaign, một nhóm vận động phi lợi nhuận, các nước giàu đã chi 2.700 tỷ USD vào các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trong nước từ năm 2010-2022 – nhiều gấp 6 lần so với 437 tỷ USD mà các nước này đã cam kết cho tài chính khí hậu quốc tế.
Các quy định về thị trường carbon và tín chỉ carbon cũng sẽ là vấn đề trọng tâm tại hội nghị năm nay. Các quốc gia và doanh nghiệp đều mong muốn có những tiêu chuẩn rõ ràng để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của các dự án tín chỉ carbon, khuyến khích các nỗ lực bảo vệ rừng và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
COP29 không chỉ là nơi thảo luận về các cam kết tài chính và chính sách, mà còn là dịp để các quốc gia, cộng đồng, và doanh nghiệp chia sẻ những ý tưởng sáng tạo, các giải pháp cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế. Năm nay, nước chủ nhà Azerbaijan chọn chủ đề: “Đoàn kết vì một thế giới Xanh”. Sắc xanh lục, xanh lam cũng bao trùm cả thành phố Baku, đặc biệt tại khu vực diễn ra hội nghị. Thông điệp của hội nghị thể hiện sự kỳ vọng rằng tại COP29, các nhà lãnh đạo sẽ một lần nữa thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị để hợp tác chặt chẽ, cùng kết nối những hành động thiết thực, cụ thể ứng phó với thách thức toàn cầu.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ky-vong-xanh-20241111192824602.htm