Kỳ vọng xuất khẩu da giày 2019 vượt mốc 22 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2019 về xuất khẩu giày dép đạt 10,36 tỷ USD, tăng 12,9%...
Nhiều triển vọng xuất khẩu da giày năm 2019 vượt mốc 22 tỷ USD. Kỳ vọng này xuất phát từ đà tăng lên trong thời gian qua, kết quả trong 7 tháng và các yếu tố tác động trong thời gian còn lại của năm 2019.
Xuất khẩu da giày bao gồm 2 nhóm mặt hàng chủ yếu là giày dép và túi xách, ví, va li, mũ, ô dù... Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2019 về xuất khẩu giày dép đạt 10,36 tỷ USD, tăng 12,9%; về túi xách, ví, va li... đạt 2,14 tỷ USD, tăng 10,6%; như vây, cộng cả da và giày đạt 12,51 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ này cao gấp rưỡi tốc độ tăng tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước (7,8%).
Từ kết quả của năm 2018 và tốc độ tăng của 7 tháng 2019 (12,9%), có thể dự báo cả năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giày dép có thể đạt 18,3 tỷ USD; và kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù có thể đạt 3,75 tỷ USD. Cộng cả hai mặt hàng là 22,1 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước.
Nếu dự báo trên là đúng thì tốc độ tăng xuất khẩu da giày có thể cao gấp rưỡi tốc độ tăng tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và cao gấp rưỡi tốc độ tăng của năm trước.
Tăng trưởng trong 7 tháng và dự báo cả năm 2019 của xuất khẩu ngành da giày được coi là ngoạn mục so với kế hoạch chung và kế hoạch xuất khẩu da giày nói riêng. Đây là kết quả tích cực và rất có ý nghĩa.
Kết quả này có liên quan trực tiếp đến hơn 2.000 doanh nghiệp da giày và rất nhiều hợp tác xã, tổ sản xuất da giày xuất khẩu, tận dụng được số lao động đông đảo (với hơn 1,5 triệu lao động), đưa da giày của Việt Nam đứng thứ hạng cao trên thế giới (thứ 3 về sản xuất với trên 1 tỷ đôi giày...; thứ 2 về xuất khẩu.
Đây cũng là ngành có tỷ lệ nội địa hóa cao (60%) so với nhiều ngành công nghiệp khác (40% đối với dệt may, 10-20% đối với sản xuất, lắp ráp ôtô dưới 9 chỗ ngồi, 15% đối với điện tử, tin học viễn thông, 5% đối với điện tử chuyên dụng và công nghệ cao, riêng Sam Sung nay đã đạt 30%).
Trong 7 tháng đã có 49 thị trường đạt trên 1 triệu USD; trong đó có 44 thị trường đạt trên 10 triệu USD, 15 thị trường đạt trên 100 triệu USD, 1 thị trường đạt trên 200 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước có nhiều thị trường tăng hàng chục, hàng trăm triệu USD (như Mỹ, Trung Quốc, Bỉ, Nhật Bản, Ấn Độ, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Canada, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Australia, Pháp).
Tăng trưởng xuất khẩu da giày năm nay có thuận lợi về 2 mặt. Một là, vốn đầu tư nước ngoài có sự chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam để giảm bớt khó khăn khi bị Mỹ áp thuế cao, để tận dụng ưu đãi khi Việt Nam có các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hai là, có một thị phần của Trung Quốc trên thị trường Mỹ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thời cơ trám vào thị phần này.
Để đạt được kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2019 trên 22 tỷ USD, có nhiều vấn đề cần quan tâm.
Vấn đề quan trọng là nguồn nguyên liệu vừa hạn chế việc nhập khẩu phát triển công nghiệp hỗ trợ, nội địa hóa, bảo đảm xuất xứ. Đúng ra Việt Nam phải là cường quốc về nguồn nguyên liệu của ngành da giày, nhưng kim ngạch nhập khẩu lớn (nguyên phụ liệu dệt may da giày 7 tháng nhập khẩu tới 3,46 tỷ USD). Điều đó chứng tỏ việc thu mua và thuộc da của Việt Nam còn yếu kém.
Vấn đề đặc biệt cần quan tâm là năng suất lao động trong ngành da giày. Năng suất lao động của công nhân sản xuất giày của Việt Nam còn thấp, thấp xa so với Trung Quốc (1 ngày 1 công nhân Việt Nam chỉ sản xuất được 3-4 đôi giày, còn Trung Quốc cao gấp đôi đạt 7-8 đôi). Với năng suất lao động thấp thì sức cạnh tranh thấp.
Giá trị gia tăng và thực thu ngoại tệ của ngành da giày thấp. Phần do doanh nghiệp trong nước sản xuất giày dép còn thấp, chỉ chiếm 20%, còn 80% do doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do năng suất lao động thấp, phần nguyên phụ liệu nhập khẩu lớn, nên trong tổng giá trị giày dép xuất khẩu chỉ có khoảng 10% giá trị 1 đôi giày là "ở lại" Việt Nam, còn tới 90% là "ra khỏi" Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu của ngành da giày cần được đa dạng hơn. Còn hơn 2/3 tổng số thị trường mà hàng da giày Việt Nam chưa có mặt; một số thị trường xuất khẩu có kim ngạch rất thấp (Bồ Đào Nha, Hungary, Lucxambua, Phần Lan, Ukraine...).