Kỳ vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng tích cực

Tính đến thời điểm hiện tại, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt hơn 4,9 triệu tấn, tương đương khoảng 2,65 tỷ USD, tăng hơn 32% về kim ngạch. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gạo là mặt hàng mang lại nhiều kỳ vọng về xuất khẩu trong bối cảnh lạm phát tăng cao đặt ra nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu.

Thu hoạch lúa Hè Thu tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TL

Thu hoạch lúa Hè Thu tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TL

Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu

Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, thời gian qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng mạnh và các thương nhân xuất khẩu gạo đã đạt mục tiêu đề ra khi tiêu thụ lúa gạo cho người dân với giá cả tốt và bình ổn được thị trường trong nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Hiện chất lượng gạo của Việt Nam đáp ứng được tất cả các thị trường thế giới. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho mục tiêu xuất khẩu mặt hàng gạo.

Hiện giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 618 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua, thấp hơn Thái Lan 7 USD/tấn. Gạo 25% tấm có giá 598 USD/tấn.

So với thời điểm Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến thời điểm này, cả nước đã thu hoạch 24,2 triệu tấn thóc, gồm vụ Đông Xuân khoảng 20 triệu tấn, vụ Hè Thu khoảng 4,2 triệu tấn thóc. Hiện các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ Thu Đông năm 2023 và thu hoạch vụ Hè Thu năm 2023. Cục Trồng trọt đã chỉ đạo thống nhất với các địa phương sẽ tăng diện tích trồng lúa vụ Thu Đông lên 50.000 ha so với năm trước, để đạt diện tích gieo trồng 700.000 ha vụ Thu Đông, nhằm tăng lượng gạo phục vụ xuất khẩu.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi, nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ... trên diện rộng, có thể nói năm 2023 chúng ta sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi.

Dự kiến năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha lúa (cộng dồn các vụ), sản lượng đạt 43,2 - 43,4 triệu tấn, tăng 1,8-2% so với năm 2022. Từ nay đến cuối năm 2023, còn khoảng 18-19 triệu tấn thóc chờ thu hoạch.

Theo dự báo về cung – cầu an ninh lương thực tại chỗ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi tháng, bình quân một người Việt tiêu thụ 7,5 kg gạo. Mỗi năm, 1 người Việt tiêu thụ 90 kg gạo. Số lượng giống cũng được dự đoán khá chính xác là khoảng 1 triệu tấn và 15,7 triệu tấn thóc làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay ở đồng bằng sông Hồng mỗi năm dư khoảng 3 triệu tấn thóc; vùng trung du miền núi phía Bắc dư 1,2 triệu tấn; khu vực Bắc Trung Bộ dư 2,2 triệu tấn; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ 1,75 triệu tấn; khu vực Tây Nguyên 0,3 triệu tấn; riêng khu vực Đông Nam Bộ thì các vùng khác phải cung cấp thêm 0,56 triệu tấn.

Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tính toán phương án cung cầu gạo ở mức cao để chủ động trong cảnh báo sớm, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Do vậy, con số dự báo có 15 triệu tấn thóc để phục vụ xuất khẩu còn có thể chênh lệch tăng thêm lên 17 triệu tấn, tương đương trên 7,5 – 8,5 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Chúng ta hoàn toàn yên tâm là có thể đảm bảo an ninh lương thực ở mức cao nhất, bởi đã có dự trù tính toán để chủ động triển khai giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an ninh lương thực và cân đối xuất khẩu, kể cả trong tình huống dịch bệnh, thiên tai xảy ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhiều đơn vị sẽ tăng cường tìm nguồn hàng từ nông dân để tích trữ và nhanh chóng kết nối với các đơn hàng mới. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp cần thận trọng khi ký kết hợp đồng, hướng tới sự phát triển bền vững cho cả ngành hàng này.

Tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm

Thông tin từ Bộ Công thương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Theo đó, Bộ Công thương vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để theo dõi sát tình hình thị trường, kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo nhằm phối hợp đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm.

Cùng với đó, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước, báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo quy định hiện hành.

Bốc xếp, xuất khẩu gạo tại TP. Cần Thơ Ảnh: CTV

Bốc xếp, xuất khẩu gạo tại TP. Cần Thơ Ảnh: CTV

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với các thương nhân chủ động bám sát tình hình thị thường thương mại toàn cầu để tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.

Mới đây, nhằm cân đối cung cầu, bình ổn giá, bảo đảm an ninh lương thực trong nước, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương thực hiện trách nhiệm đã quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Theo đó, các địa phương chỉ đạo sở công thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm; chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.

Bộ Công thương cũng cho biết, đang tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 8 triệu tấn - con số kỷ lục từ trước đến nay. Thời điểm này, gạo Việt đang có lợi thế xuất khẩu để tăng được cả sản lượng lẫn giá xuất khẩu do hiệu ứng nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn bị hạn chế, nhưng lợi thế này sẽ không kéo dài.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ky-vong-xuat-khau-gao-cua-viet-nam-tiep-tuc-da-tang-truong-tich-cuc-135148.html