Kỹ xảo điện ảnh Việt: Tiềm năng lớn, khó khăn nhiều

Các tác phẩm điện ảnh Việt hiện nay từ thể loại giật gân, kinh dị, tình cảm gia đình… đều có sử dụng kỹ xảo để cảnh quay hấp dẫn khán giả

Vừa qua, Hiệp hội Kỹ xảo điện ảnh và hoạt hình Việt Nam (VAVA) phối hợp Đại sứ quán Pháp và Viện Pháp đã tổ chức "Hội nghị kỹ xảo Việt Nam - Pháp 2024". Sự kiện giúp kết nối các công ty kỹ xảo Việt - Pháp chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, cùng khai thác tiềm năng to lớn của thị trường kỹ xảo.

Đối mặt khó khăn

Tại sự kiện, hình ảnh gấu Mật khổng lồ trong phim điện ảnh "Móng vuốt" được đưa ra giới thiệu. "Móng vuốt", do đạo diễn Lê Thanh Sơn thực hiện, được đầu tư mạnh về kỹ xảo và cũng là phim điện ảnh Việt đầu tiên tạo ra quái thú bằng kỹ xảo điện ảnh. Phim nhận được nhiều lời khen cho phần kỹ xảo điện ảnh. Đáng tiếc, phim không thành công về mặt doanh thu bởi không có một câu chuyện đủ sức chinh phục khán giả.

Trước đó, phim "Người mặt trời" của đạo diễn Timothy Linh Bùi cũng đầu tư mạnh về kỹ xảo do khai thác đề tài về ma cà rồng ở bối cảnh Việt Nam. Phim cũng thất bại phòng vé với nguyên nhân do vấn đề kịch bản. Điều đó cho thấy thách thức lớn hiện nay của ngành kỹ xảo điện ảnh Việt đó là phim phải có kịch bản tốt, tác phẩm có nội dung hay mới có cơ hội thắng doanh thu.

"Tôi thấy mừng vì ngày càng nhiều phim Việt sử dụng kỹ xảo. Đây là tín hiệu khả quan cho thị trường nhưng một phim đầu tư về kỹ xảo có doanh thu khả quan hay không còn phụ thuộc nội dung phim" - ông Lê Anh Dy - nhà sáng lập, Giám đốc điều hành blankNegatives, Chủ tịch VAVA - nhìn nhận.

Những người trong cuộc cho biết hiện rất ít phim Việt có nội dung thu hút được công chúng. Đầu tư lớn vào kỹ xảo nhưng nội dung không chinh phục được khán giả thì không có doanh thu cao, thậm chí thua lỗ nặng nề. Một số thách thức khác của ngành kỹ xảo điện ảnh Việt là nguồn nhân lực trẻ và thiếu kinh nghiệm. Kỹ xảo đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm nhưng các bạn trẻ lại thích trải nghiệm nhiều công ty khác nhau, khi chưa đủ giỏi thì đã chuyển sang công ty khác.

Thêm vào đó, các công ty kỹ xảo thuần Việt đa phần là nhỏ, nhân lực từ 70 người trở xuống. Hiện công ty chuyên về kỹ xảo của nước ngoài vào Việt Nam khá nhiều và số nhân sự thường không dưới 100 người mỗi công ty. Họ thu hút nhiều nhân sự Việt Nam vào làm, cạnh tranh với công ty Việt Nam. Ngoài ra, các nước như Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc… có quỹ hỗ trợ kỹ xảo, hỗ trợ điện ảnh, chính sách hoàn thuế. Nhà sản xuất nếu làm kỹ xảo tại Pháp, chi tiêu tối thiểu 250.000 euro sẽ được hoàn thuế 30%, chi tiêu trên 2 triệu euro được hoàn thuế 40%.

Thị trường phim Việt chưa có chính sách này, những khó khăn, cạnh tranh khiến cho kỹ xảo điện ảnh Việt gặp khó.

Gấu Mật trong phim “Móng vuốt” được tạo ra từ kỹ xảo điện ảnh. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Gấu Mật trong phim “Móng vuốt” được tạo ra từ kỹ xảo điện ảnh. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Nỗ lực khai phá tiềm năng

Nhiều bất lợi nhưng kỹ xảo điện ảnh Việt cũng có những lợi thế riêng như đội ngũ người trẻ đông đảo, nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật mới, công nghệ mới. Đặc biệt, việc làm kỹ xảo tại ngay thị trường Việt Nam chi phí thấp hơn nhiều so với những nước khác. Về mặt chất lượng, tùy theo thời gian và kinh phí, ngành kỹ xảo điện ảnh Việt hiện nay không thua kém nước ngoài.

"Dĩ nhiên kỹ xảo cao cấp sẽ không đơn giản và cần nhiều chi phí hơn. Nếu kịch bản phim tốt, cốt truyện tốt thì kỹ xảo sẽ góp phần giúp phim trở nên hay hơn. Ngược lại, nếu kịch bản phim không tốt thì kỹ xảo dù thế nào cũng không để lại ấn tượng cho người xem" - ông Thierry Nguyễn - đồng sáng lập Badclay Studio, Giám đốc điều hành AIOI Studios - cho biết tại tọa đàm "Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu", thuộc khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế TP HCM lần 1 - 2024.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn thông tin: "Việc thực hiện kỹ xảo trong phim làm tại Việt Nam rẻ hơn khi ra nước ngoài. Những phim kinh dị mà tôi đạo diễn từ "Tết ở làng Địa Ngục", "Kẻ ăn hồn", "Con Cám"... đều thực hiện kỹ xảo tại Việt Nam. Tôi không chỉ hài lòng mà còn ngạc nhiên trước trình độ của đội ngũ thực hiện đang ngày càng nâng cao".

"Chúng tôi mong muốn kết hợp nhiều đối tác nước ngoài, có thêm được khách hàng. Khi trình độ làm kỹ xảo tăng lên, lại thêm cơ hội phối hợp với nhiều công ty trong nước mở rộng ra thị trường nước ngoài" - ông Lê Anh Dy kỳ vọng.

Việc các nhà làm phim Việt có niềm tin vào đội ngũ kỹ xảo nước nhà cho thấy tiềm lực to lớn của ngành này trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, để vượt qua những khó khăn, thử thách, ngành kỹ xảo Việt Nam phải mở rộng hơn ra quốc tế, tìm kiếm nguồn hợp tác với nước ngoài.

MINH KHUÊ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-xao-dien-anh-viet-tiem-nang-lon-kho-khan-nhieu-196240626212247522.htm