Kỳ XI: Kiếm sống trên sông
Từ xưa đến nay, sông Vàm Cỏ Đông luôn chứa đựng nguồn thủy sản dồi dào. Nhiều ngư dân địa phương nhờ vào nguồn lợi thủy sản này nuôi sống gia đình.
“Xóm cào” cầu Gò Dầu
Hàng chục năm nay, ở khu chợ Gò Dầu (thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu) có hơn 10 gia đình dân tộc Chăm tập trung làm nghề đánh bắt cá trên sông. Các hộ dân này sinh sống trên các con thuyền nhỏ, neo đậu dưới chân cầu Gò Dầu. Người dân địa phương gọi nơi những ngư dân này tập trung sinh sống bằng cái tên “xóm cào”.
Người Chăm ở "xóm cào" này đều họ hàng bà con với nhau. Họ từ An Giang ngược lên con sông Vàm này và làm nghề đánh bắt đã hơn 20 năm. Tất cả đều sử dụng cách đánh bắt xa xưa là chài quăng hay chài rà. Họ “cai quản” cả một vùng sông nước từ Trảng Bàng đến Gò Dầu và đôi khi hành nghề lên tới huyện biên giới Châu Thành.
Hằng ngày, khoảng 6 giờ sáng, xóm cào người Chăm ở chợ Gò Dầu lại rộn ràng sửa sang lưới bọng, chuẩn bị ra sông Vàm Cỏ Đông đánh bắt. Vợ chồng A Sịt, một trong 13 gia đình sinh sống ở xóm cào, tất bật chuẩn bị vài món đồ cho một ngày bủa lưới tung chài.
Vừa điều khiển chiếc thuyền dọc theo dòng sông, A Sịt vừa chú ý quan sát mặt nước để dò tìm dấu vết đàn cá. Khi nhận thấy trên mặt sông có nổi những bong bóng nước, A Sịt liền dừng thuyền, lấy chài ra tung những mẻ chài đầu tiên. Kết quả, không may, trong chài chỉ dính dăm ba con cá dảnh.
Ngư dân này kiên nhẫn quăng thêm vài lượt chài nữa nhưng kết quả cũng chẳng khấm khá hơn. A Sịt giải thích: “Giờ là đang đầu mùa mưa, nước trên sông còn bị ô nhiễm nhiều nên các đàn cá đang vào mé sông hay các con rạch nhỏ. Vì vậy việc đánh bắt cá trên sông vào mùa này thu hoạch rất kém”.
Phương thức đánh bắt cá của các ngư dân người Chăm là thả chài xuống tận đáy sông và chèo ghe rà quét một đoạn sông. Đây là cách đánh bắt mà bà con người Kinh trên bờ gọi là “cào Chàm”. Cách đánh bắt này bắt được những loài cá lớn trên sông như các kết, cá lăng, cá leo.
Vào mùa cá, một mẻ cào rà có thể kéo được 5 - 7 kg cá, có khi cả chục ký và có thể có được những con cá kết, cá lăng nặng 4 - 5 kg. Giá bán của các loài cá giá trị này lên đến hai, ba trăm ngàn đồng mỗi ký. Do có kinh nghiệm theo dấu đàn cá trên sông, vào khoảng gần tết nguyên đán, mỗi ngày họ đánh bắt cỡ 40 - 50 kg cá, kiếm vài triệu đồng.
Hôm nay là một ngày kém may mắn, A Sịt vội kêu vợ lái ghe đi vào rạch Nho- một con rạch nhỏ ở thị trấn Gò Dầu, để chuyển sang mò cua bắt ốc. Trên đường rẽ vào rạch Nho, vợ chồng A Sịt gặp một lão ngư là chú họ của vợ. Ông lão một mình đánh cá trên một chiếc vỏ lãi và đã thu hoạch được mớ cá ngựa, cá dảnh, cá chốt. Thấy vậy, A Sịt cho dừng thuyền lại và tung những đường chài trên rạch. Hôm nay là ngày kém may mắn của vợ chồng ngư dân này, bởi liên tiếp những mẻ chài được tung ra và thu về chỉ có vài chú cá nhỏ.
Việc đánh cá coi như thất bại, ngư dân chuyển sang lặn xuống rạch để mò ốc, hến. Chiếc máy bơm khí trên thuyền được nổ máy, A Sịt ngậm vòi hơi nhảy ùm xuống rạch, lặn sâu xuống đáy. Người trên ghe chỉ còn thấy những bọt khí từng cụm ùn lên trên mặt nước.
Tranh thủ lúc cha lặn hụp mò ốc bắt hến, cô con gái của anh cũng mặc áo phao nhảy xuống rạch tắm mát. Cô bé lội như rái cá. Một lát sau, một anh bạn đồng hương của cô ở ghe lặn kề bên bơi qua cùng tắm. Chúng vui vẻ bơi lội cười đùa cùng nhau dưới làn nước trong xanh.
Hơn một giờ lặn hụp, A Sịt mang lên cho vợ hơn một ký ốc, hến. A Sịt bảo, mùa ít cá thì chuyển qua lặn mò ốc hến để đắp đổi qua ngày. Trung bình, mỗi buổi anh lặn khoảng 5 - 6 hơi, mỗi hơi dài khoảng một giờ rưỡi đến hai giờ. Sau mỗi chuyến, anh kiếm cũng được khoảng mười ký ốc, hến; vợ đem ra chợ Gò Dầu bán được vài trăm ngàn đồng. “Loại ốc gạo và hến này chỉ có nhiều ở rạch Nho và đặc biệt chỉ có vào mùa hè, khoảng tháng tư tháng năm âm lịch”- A Sịt chia sẻ kinh nghiệm.
Đến trưa, người vợ của A Sịt là Ma Si bắt bếp nấu cơm. Một bữa ăn đơn giản cho cả một ngày lao động mệt nhọc. Chiếc ghe là phương tiện mưu sinh mà cũng là mái ấm gia đình qua bao mùa mưa nắng. Trên một diện tích không đầy hai mét vuông quanh năm bồng bềnh này mà năm đứa con của họ lần lượt ra đời, bốn đứa đã lớn và lên bờ đi làm, đi học, giờ chỉ còn đứa nhỏ; sắp tới họ sẽ đón thêm đứa thứ sáu.
Tuy làm nghề đánh cá trên sông với nhiều bất tiện nhưng A Sịt vẫn không quên thực hành tất cả các nghi thức tôn giáo của mình. Tới giờ cầu nguyện, A Sịt tắm rửa cẩn thận và mặc áo lễ, trải thảm, thực hiện nghi thức. Những ngư dân người Chăm gốc An Giang như A Sịt quanh năm có mặt trên con sông Vàm và chỉ về quê vào những dịp lễ lớn của đạo Hồi, rồi nhanh chóng quay trở lại với con sông.
“Xóm chài” cầu Hiệp Hòa
Ngoài những hộ người Chăm kiếm sống bằng nghề chài lưới nêu trên, còn có nhiều ngư dân khác cũng dựa vào nguồn thủy sản sông Vàm để nuôi sống gia đình. Họ không sống lênh đênh trên những chiếc ghe mà định cư ở bờ sông, bờ rạch. Từ hàng chục năm nay, trên bờ rạch Tây Ninh (địa bàn ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành), có nhiều hộ dân tập trung sinh sống bằng nghề chài lưới, lâu dần nơi này hình thành nên “xóm chài”.
Hầu hết ngư dân xóm chài này có quê ở tỉnh Hải Dương. Trước năm 1975, những di dân này vào Tây Ninh lập nghiệp. Ban đầu, họ sống tập trung ở gần chùa Vĩnh Xuân (phường 1, thị xã Tây Ninh cũ), kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá dưới rạch Tây Ninh.
Sau ngày Tây Ninh giải phóng, Thị xã có chủ trương đưa cả xóm đi vùng kinh tế mới ở xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, nhưng vì những hộ dân này chỉ biết có nghề chài lưới, sợ lên vùng đất mới không sống được nên họ xin ra bờ rạch Tây Ninh sinh sống.
Thời gian đầu, xóm chài chỉ có khoảng 10 hộ, nhưng hiện nay con số này đã tăng lên 30 hộ, trung bình mỗi hộ có từ 3- 4 người. Cư dân xóm chài không có ruộng vườn, nghề nghiệp chính của cả xóm là giăng câu, giăng lưới, kéo lưới và chài lưới trên sông, rạch. Bắt được tôm cua, cá tép họ đem lên đầu cầu Thái Hòa bán cho bạn hàng, lấy tiền mua gạo.
Nhà của người dân xóm Chài hầu hết là nhà sàn, ọp ẹp, nhỏ hẹp. Mùa nắng, đường vào xóm khô ráo có thể chạy xe mô tô vô xóm. Mùa mưa, nước ngập lênh láng cả xóm, mọi việc đi lại đều bằng phương tiện thủy. Những năm gần đây, người dân xóm Chài làm kinh tế thêm bằng cách nuôi cá lóc trên bè hoặc trong ao, nhưng số lượng nhỏ, trung bình khoảng 2.000 con/hộ và không có lãi nhiều.
Tương tự, ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, đoạn ngang địa bàn huyện Châu Thành cũng có nhiều người dân kiếm sống bằng nghề chài lưới. Cuộc sống của họ lặng thầm, cơ cực và lênh đênh như những khóm lục bình trên sông.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-xi-kiem-song-tren-song-a175586.html