Kỳ XIII: Nợ tăng vọt, Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan
Trong thời gian gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đã và đang có sự suy giảm đáng báo động, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến vấn đề về nợ.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng nợ của Trung Quốc - bao gồm cả nợ của các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước - đã tăng lên gần 300% GDP vào năm 2022, mức cao nhất trong số các thị trường mới nổi và cũng cao hơn hầu hết các nền kinh tế lớn và hiện đang tiếp tục tăng lên. Trong đó, nợ chính quyền địa phương được ước tính chiếm hơn 70% GDP của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào tình trạng ảm đạm kể từ tháng 4/2023. Người tiêu dùng ngại chi tiêu, xuất khẩu và giá cả sụt giảm, tỉ lệ thất nghiệp giới trẻ tăng chóng mặt. Không những thế, thị trường bất động sản Trung Quốc lao đao khi Country Garden – tập đoàn bất động sản tư nhân lớn nhất nước này đang có nguy cơ vỡ nợ. Bên cạnh đó, Quỹ đầu tư Zhongzhi cũng đang khủng hoảng vì chậm trễ thanh toán. Ngoài ra, tập đoàn Soho China công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm nay cho thấy lợi nhuận giảm mạnh 93%, tỷ lệ nợ đã gần bằng một nửa tổng giá trị tài sản công ty, có thể dẫn đến "vỡ nợ chéo" đối với một số khoản vay.
Ông Bert Hoffman, người đứng đầu Viện nghiên cứu Đông Á trực thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết tỷ suất sinh lời trên tài sản của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã giảm xuống, trong khi đó lực lượng lao động của Trung Quốc đang bị thu hẹp và năng suất giảm dần. Rất nhiều địa phương của Trung Quốc giải quyết bài toán tăng trưởng chậm bằng cách tiếp tục vay mượn và xây dựng, thậm chí còn chuyển sang những khoản vay ngoại bảng. Theo IMF, những khoản vay như vậy có thể lên tới 9.000 tỷ USD trong năm nay.
Theo các chuyên gia, mối quan tâm lớn nhất của Trung Quốc là nợ công tăng vọt, phần lớn là do doanh thu bán đất giảm mạnh do giá bất động sản sụt giảm mạnh, cũng như tác động kéo dài của các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19. Ba năm hạn chế nghiêm ngặt do COVID-19 và suy thoái bất động sản đã làm cạn kiệt nguồn ngân sách của các chính quyền địa phương, khiến kinh tế Trung Quốc trì trệ kéo dài.
Theo Goldman Sachs, tổng khối nợ công trong nền kinh tế Trung Quốc ước tính khoảng 23.000 tỷ USD, bao gồm cả trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và các khoản vay. Nợ công được vay trên khả năng đóng thuế của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng giảm phát, do đó nhiều địa phương không thể duy trì tốc độ tăng trưởng để có thể trả nợ và chi tiêu thường xuyên. Căng thẳng tài chính nghiêm trọng này gây rủi ro lớn cho các ngân hàng Trung Quốc, đồng thời hạn chế khả năng tăng trưởng và mở rộng các dịch vụ công. Theo các chuyên gia, khả năng vỡ nợ là rất thấp, nhưng mối lo ngại lớn là chính quyền địa phương sẽ phải cắt giảm mạnh chi tiêu hoặc rút tiền ra khỏi các dự án để trả nợ.
Cho đến nay, Bắc Kinh đã công bố một loạt biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất và các động thái khác để hỗ trợ thị trường bất động sản và doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, Trung Quốc được cho là đang kiềm chế và không thay đổi đáng kể. Các chuyên gia đang kỳ vọng vào một gói hỗ trợ lớn hơn. Bà Garcia-Herrero, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng đầu tư Natixis, nhận định: "Đến thời điểm này, không có kích thích tài chính nào được công bố, điều này dường như cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn cảnh giác về sự gia tăng quá nhanh của nợ công".
Bên cạnh đó, Tao Wang – nhà kinh tế học tại UBS - cho biết: “Mặc dù chính phủ hiện đã phát tín hiệu bình thường hóa các quy định và cam kết hỗ trợ khu vực tư nhân và các công ty internet, nhưng niềm tin kinh doanh có thể cần thời gian và các biện pháp trấn an cụ thể để phục hồi.”
Nhiều chuyên gia đã kêu gọi Trung Quốc thực hiện các biện pháp gây dựng niềm tin. Cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Cai Fang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận các đề xuất với nội dung này. Ông Tập Cận Bình thường xuyên nhắc giới chức Trung Quốc rằng không nên hy sinh môi trường, an ninh quốc gia và khả năng dự phòng rủi ro để có tăng trưởng. "Cách tốt nhất để hỗ trợ tiêu dùng là thông qua hỗ trợ việc làm, tức là hỗ trợ lĩnh vực doanh nghiệp thông qua giảm thuế", ông Tao Wang – nhà kinh tế học tại UBS khuyến nghị.
Ông Zhu Ning, Giáo sư tại Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải, hiện là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc dự báo Trung Quốc sẽ tung thêm biện pháp hỗ trợ mạnh tay hơn. "Vấn đề là họ có sẵn sàng hy sinh thâm hụt tài khóa hay không. Hiện tại, họ còn đang lưỡng lự", ông Zhu Ning nhận định.
Các nhà kinh tế học cho rằng Trung Quốc đã không còn đủ sức bơm nhiều tiền vào nền kinh tế như cách đây 15 năm. Hơn nữa, ông Julian Evans-Pritchard, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định: “Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng cách làm đó sẽ khiến mức nợ tăng hơn nữa, gây phản tác dụng trong tương lai. Trung Quốc đang ở tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong việc vực dậy nền kinh tế.