'Lá bài' chứng chỉ tiền gửi của SSI

Nắm giữ hơn 15.000 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi (tính đến ngày 30/6/2023), SSI không chỉ tối ưu vốn nhàn rỗi mà còn có thể đem repo, lấy nguồn cho vay margin. Nhưng tới đây, mọi chuyện có thể sẽ phức tạp hơn…

Nhiều năm qua, VPS, SSI và VNDirect đã hình thành nên cuộc đua ‘tam mã’ thị phần môi giới trên sàn HOSE, kể cả khi thị trường chứng khoán thăng hoa lẫn lúc thoái trào.

Thường xuyên góp mặt trong tốp đầu về thị phần môi giới, song nghiệp vụ môi giới chứng khoán không phải lúc nào cũng có đóng góp đáng kể trong kết quả kinh doanh chung của CTCP Chứng khoán SSI (SSI).

Đơn cử, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, SSI ghi nhận doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán ở mức 592,5 tỉ đồng, nhỉnh hơn 4,8% so với chi phí bỏ ra trong kỳ cho hoạt động này. Cùng kỳ năm ngoái, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán của SSI đạt 1.048,8 tỉ đồng, trong khi chi phí cho nghiệp vụ này chỉ chiếm 68,7% nguồn thu, ở mức 720,6 tỉ đồng.

Trong bối cảnh đó, mảng tự doanh trở thành ‘điểm sáng’ trong kết quả kinh doanh bán niên của SSI, với việc ghi nhận khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ở mức 1.395,3 tỉ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Ở hướng ngược lại, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL trong kỳ được SSI ghi nhận ở mức 108,9 tỉ đồng (trong khi, cùng kỳ năm ngoái lên tới 598,6 tỉ đồng).

Khá thú vị nếu biết rằng, quy mô danh mục tự doanh của SSI ở thời điểm ngày 30/6 giảm so với đầu năm 2023. Cụ thể, giá gốc tài sản tài chính FVTPL được công ty chứng khoán này ghi nhận ở thời điểm cuối quý 2/2023 đạt 26.513 tỉ đồng, giảm hơn 4.000 tỉ đồng so với đầu năm. Ở cả 2 thời điểm, giá trị hợp lý danh mục tự doanh của SSI đều không chênh nhiều so với giá gốc.

Danh mục các tài sản tài chính của SSI tại ngày 30/6/2023 (Nguồn: BCTC hợp nhất giữa niên độ năm 2023 của SSI)

‘Lá bài’ chứng chỉ tiền gửi

Tính đến ngày 30/6/2023, SSI nắm giữ tới 15.559,4 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi (CCTG), chiếm 57% danh mục tự doanh và tương ứng với 31% tổng tài sản. Đây cũng là công ty chứng khoán nắm giữ nhiều CCTG bậc nhất trên thị trường.

Trong hoạt động kinh doanh nguồn vốn, khi diễn biến thị trường không thuận lợi cho việc tự doanh và cho vay ký quỹ (margin), công ty chứng khoán có thể vay ngắn hạn ngân hàng, rồi mua vào CCTG hay các loại giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng phát hành, nhằm hưởng chênh lãi suất (có thể là mua thứ cấp).

Dù việc hưởng chênh lãi suất không đóng góp nhiều trong tổng lợi nhuận, song, thông qua nghiệp vụ này, công ty chứng khoán sẽ tiết kiệm được khoản chi phí vốn đáng kể.

Bên cạnh đó, CCTG cũng có thể được cầm cố ở các nhà băng (repo), giúp các công ty chứng khoán huy động nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, cho vay margin. Hoạt động này giúp công ty chứng khoán có thể linh hoạt và cung ứng nguồn vốn margin nhiều hơn, phục vụ cho nhu cầu của khách hàng.

'Hy sinh' lợi nhuận từ hoạt động môi giới để giành lấy thị phần, việc chủ động được nguồn margin dồi dào giúp SSI ‘ghi điểm’ với khách hàng, qua đó gia cố vị thế trong bối cảnh kinh doanh đầy cạnh tranh.

Trên website chính thức của SSI, công ty chứng khoán này ‘niêm yết’ mức lãi suất 13,5%/năm cho các giao dịch ký quỹ (cho vay margin). Trong khi đó, đến cuối quý 2/2023, SSI vay thấu chi 5.312,7 tỉ đồng, với lãi suất dưới 9,3%/năm, và vay ngắn hạn 19.458,2 tỉ đồng tại các ngân hàng, với lãi suất dưới 8,3%/năm.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, SSI đã sử dụng lượng CCTG có giá trị mệnh giá là 10.725 tỉ đồng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng. Mà nguồn vốn vay ngắn hạn, nên biết, chiếm tới 49,4% tổng nguồn vốn của SSI (tính đến ngày 30/6/2023), với dự nợ lên tới 24.770,9 tỉ đồng, vượt xa quy mô vốn chủ sở hữu.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trên các diễn đàn có xu hướng lo ngại quy định tại khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06/2023 của NHNN có phạm vi bao gồm cả CCTG, qua đó sẽ ảnh hưởng đến sự chủ động của các công ty chứng khoán trong việc thu xếp nguồn vốn.

Một số tài khoản còn dẫn nguồn tin chưa kiểm chứng, cho là NHNN đang dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện thông tư này, trong đó có việc cấm các ngân hàng thương mại cho các tổ chức - gồm cả công ty chứng khoán - vay tiền để mua CCTG, kể cả là mua thứ cấp. Những đồn đoán như vậy - dù thiếu căn cứ - vẫn ít nhiều tác động tới tâm lý thị trường và các nhà đầu tư.

Việc khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06/2023 có nhiều cách hiểu, các công ty chứng khoán, trong đó có SSI, nhiều khả năng sẽ phải tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn trong việc vay vốn ngân hàng, từ đó ảnh hưởng tới nguồn vốn cho vay margin để phục vụ cho các nhà đầu tư trên thị trường.

Nhắc lại rằng, bên cạnh việc chấp nhận hi sinh lợi nhuận từ hoạt động môi giới để giành lấy thị phần, việc chủ động được nguồn margin dồi dào cũng giúp SSI ‘ghi điểm’ đối với khách hàng, trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh./.

Phạm Duy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/la-bai-chung-chi-tien-gui-cua-ssi-post170495.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat