Là cha mẹ nhất định phải tránh những lời nói gây sát thương cho con như thế này

Khi trẻ nhận được tín hiệu la mắng từ cha mẹ, trẻ không ghét cha mẹ, trẻ ghét bản thân và mang vết thương lòng đến khi trưởng thành.

"Khi nào lớn con sẽ biết"

Cha mẹ nào cũng muốn con thông minh, giàu sức sáng tạo. Những đứa trẻ thông minh là những đứa trẻ hiếu kì, thích quan sát, thích tìm tòi những điều chưa biết. Vì thế, nếu muốn trẻ lớn lên cầu tiến và thông minh, cha mẹ cần có sự kiên trì giải thích tỉ mỉ cho trẻ hiểu khi chúng đặt ra câu hỏi tại sao.

Những câu hỏi của trẻ đôi lúc rất kỳ quặc thường khiến bố mẹ rơi vào hoàn cảnh lúng túng, ví dụ "tại sao nước biển lại mặn, tại sao nước mắt cũng mặn". Vì không biết đáp án chính xác là gì, ngại tìm hiểu, lại có tâm lý con còn nhỏ, nên thường các cha mẹ sẽ trả lời quanh co "đợi khi nào con lớn thì con sẽ biết", hay cũng có thể mắng chúng "học thì không chịu học, hỏi nhiều như vậy làm gì".

Điều này vô tình đã bóp nghẹt đi trí tò mò ở con trẻ. Thật không ngờ rằng, chính câu nói vô thưởng vô phạt này đã khiến cha mẹ chúng ta đánh mất đi trí thông minh và óc sáng tạo của con mình trong tương lai.

Khi trẻ đặt câu hỏi về một vấn đề chúng ta cũng "mù tịt", cha mẹ hãy nhẹ nhàng nói với con "bố mẹ cũng không biết, giờ chúng ta sẽ cùng ngồi đọc xem trong sách nói như thế nào nhé."

Khi cùng con đọc sách, tìm câu trả lời, một mặt khiến cho cha mẹ-con cái gần gũi hơn, mặt khác quan trọng hơn, giúp trẻ nhận thức được rằng "không biết" hoàn toàn không có gì đáng xấu hổ cả, không biết mà giả vờ biết thì mới là sai lầm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

"Bố mẹ xấu hổ vì con"

Dù con có làm sai điều gì nhưng câu nói này sẽ khiến trẻ tự ái và buồn bã khá nhiều. Đây có thể giống như một lời tuyên bố "ghét bỏ" từ bố mẹ và sẽ khiến trẻ thấy tủi thân.

Các chuyên gia tâm lý từng phân tích, trong trường hợp xấu nhất, con trẻ sẽ có những suy nghĩ tiêu cực, nguy cơ dễ dàng mắc chứng bệnh trầm cảm và chậm trưởng thành.

"Con quá hư so với bạn bè"

Thay vì nói "Con quá hư so với bạn bè" thì nên cân nhắc sử dụng câu "Cha (mẹ) không hài lòng với cách ứng xử của con". Hãy chỉ ra việc cụ thể mà bạn cần con cái sửa đổi, những sai phạm không bao giờ được lặp lại. Tránh bớt việc đưa bạn bè của con để so sánh sẽ khiến trẻ cảm thấy tự ái và thiếu đi sự tự tin sau này.

Sử dụng câu nói nhẹ nhàng, đưa ra lời khuyên sẽ giúp trẻ nhận thức dễ dàng hơn trong việc sửa đổi hành vi hành động hiện tại. Bên cạnh đó, khuyến khích và gợi ý một số hành động, hành vi tốt hơn sẽ động viên con rất nhiều trong việc sửa đổi suy nghĩ, tạo nên ý thức tốt hơn trong cuộc sống thường ngày.

"Biết con hư thế này, mẹ đã chẳng sinh ra con"

Biết con hư thế này, mẹ đã chẳng sinh ra con" hoặc nặng hơn "Mày không phải con tao, con tao không có ngữ nào ngu dốt như mày. Bé sẽ tin rằng, bạn không muốn làm mẹ của bé thực sự. Rất nhiều bé sẽ bị ám ảnh và không bao giờ quên được câu nói này của bạn.

Đã có rất nhiều bố mẹ chỉ vì con đứng nhì lớp, chỉ sau một bạn mà tất cả những câu chửi cay độc có thể tuôn ra, đòn roi bầm dập trên người, cơm không lành canh không ngọt tận mấy tuần lễ. Người lớn có vẻ càng ngày càng yêu cầu quá cao ở trẻ con.

Có những câu nói sẽ làm tổn thương tâm hồn con người cả đời, có trôi qua cả đời cũng sẽ không bao giờ quên được. Ám ảnh và sợ hãi đó là những gì lời nói gây ra, vết thương đòn roi rồi cũng mau chóng hết, nhưng vết thương tâm hồn cứ âm ỉ mãi chẳng bao giờ lành.

Gợi ý dành cho bạn: Nếu bạn có thói quen phàn nàn những câu tương tự khi tức giận bé, tốt nhất, bạn nên nhanh chóng ra ngoài, đợi đến khi bình tĩnh trở lại, bạn có thể trao đổi với bé về những điều bạn chưa hài lòng sau.

"Dốt quá, dễ vậy mà con cũng không biết à?

Đây là một trong những cách tệ nhất khi dạy con học, có thể khiến bé xấu hổ, mất tự tin và hoang mang. Tệ hơn bé sẽ thấy sợ hãi, hình thành thói quen "giấu dốt" không dám hỏi thêm bạn điều gì.

Trong trường hợp đó, bạn nên bình tĩnh chỉ dẫn bé làm lại từ đầu. Khuyến khích để bé tập trung hoàn thành từng phần việc nhỏ một, từ việc dễ đến việc khó, từ những việc đơn giản đến những phần việc phức tạp hơn. Không nên cười chê, chế nhạo nếu chẳng may bé không tự mình làm được. Thay vào đó, bạn nên tạo không khí vui vẻ để bé không bị căng thẳng khi bạn hướng dẫn bé làm một việc nào đó.

"Bố/ mẹ rất thất vọng về con"

Câu nói này có thể khiến trẻ cảm thấy không đáp ứng được yêu cầu của bố mẹ và khiến chúng tự thất vọng, xấu hổ về bản thân. Nguyên tắc dạy con là hạn chế sử dụng cụm từ tiêu cực "thất vọng", thay vào đó hãy giải thích hành động của con khiến bạn thấy như thế nào. Câu nói thay thế: "Hành động của con làm bố/ mẹ buồn vì..." bố mẹ có thể sử dụng.

Một người cha thường chê trách con rằng: "Bố không hiểu nuôi con ăn học bao lâu nay rồi con làm cái trò gì ở trường mà điểm số dốt nát thế này. Ngày xưa bằng tuổi con, bố vừa phải học vừa phải làm bao nhiêu là việc, có sung sướng như con bây giờ đâu mà bố vẫn có ý thức học hành tốt". Câu nói này chỉ truyền tải được duy nhất một thông điệp đến đứa trẻ là: "Vì sao con bất tài dốt nát thế?"

Theo WHO, cứ mỗi 4 trẻ em trong độ tuổi 2-4, có đến gần 3 trẻ đã trải qua và chịu đựng việc bị bạo hành hoặc ngược đãi về thể chất hoặc tinh thần, với các mức độ từ nhẹ đến nặng.

Bạo hành và ngược đãi trẻ em là một vấn nạn nghiêm trọng xảy ra ở khắp mọi nơi. Trẻ có thể bị hành hạ về thể xác, bị bỏ rơi và không được đáp ứng các nhu cầu sinh tồn căn bản nhất, bị lạm dụng tình dục… Trong tất cả các hình thức ngược đãi trẻ em, vấn đề bạo hành tinh thần trẻ là khó được nhận biết nhất, mà hậu quả để lại thường nặng nề, kéo dài và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của cá nhân đó khi trưởng thành.

Phương Nghi (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/la-cha-me-nhat-dinh-phai-tranh-nhung-loi-noi-gay-sat-thuong-cho-con-nhu-the-nay-20210610111313677.htm