'Lá cờ tiên phong' trong xây dựng nông thôn mới
c công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của Thủ đô vào năm 2015, cho đến nay, huyện Đan Phượng tiếp tục giữ vững vị thế 'lá cờ tiên phong' và tiếp tục bắt tay ngay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Đến nay toàn huyện có 13/15 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phát huy kết quả ấy, Đan Phượng đang nỗ lực phấn đấu 15/15 xã đạt chuẩn và để trở thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2020.
Là huyện đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới, đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KHKT vào sản xuất, đi đầu trong việc đưa một huyện thuần nông từng bước tiến lên đô thị, sau hơn 10 năm triển khai, Đan Phượng đã gặt hái được những thành tựu rất đáng tự hào.
Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển các ngành nghề, tạo mặt bằng sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Xác định thế mạnh của huyện ven đô, với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, huyện tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sản xuất hoa lan hồ điệp, rau hữu cơ, nấm với tổng diện tích là 52ha, diện tích nhà màng lưới 60ha. Đồng thời thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được 575,7ha; diện tích trồng cây ăn quả 666ha, trong đó chủ yếu là bưởi diện tích 500ha, thu nhập bình quân từ 500-650 triệu đồng/ha/năm; phát triển chăn nuôi xa khu dân cư tại xã Phương Đình, Trung Châu, diện tích 35ha.
Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, huyện triển khai đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đến nay, huyện đã bố trí kinh phí từ ngân sách huyện để thực hiện kế hoạch năm 2020 có 107 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành thành phố…, đặc biệt là sự đồng thuận của toàn thể nhân dân trong huyện, 5 năm qua, Đan Phượng đã giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9,63%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - thương mại - dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 61,2 triệu đồng/người, gấp 2,1 lần năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,17%. Chất lượng y tế, giáo dục ngày càng được nâng lên, môi trường được bảo vệ, nhân dân đồng thuận, đoàn kết, tích cực thi đua lao động, sản xuất, đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Trong năm qua, tình hình sản xuất nông nghiệp phát triển, sản xuất đảm bảo trong khung thời vụ tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đạt năng suất, chất lượng cao. Đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 126,15ha; đã đấu giá đất được 30ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiếp tục thu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tình hình dịch tả lợn châu Phi hơn 8 tháng không có dịch phát sinh trở lại; công tác tái đàn lợn được đẩy mạnh và kiểm soát chặt chẽ; không có dịch bệnh gia súc, gia cầm khác xảy ra. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 771 tỷ đồng, đạt 80,4% kế hoạch, tăng 4,19% so với cùng kỳ.
Chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được nâng lên, các tuyến đường được trải nhựa asphalt, trường học được quan tâm đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia, hệ thống cung cấp nước sạch được triển khai mở rộng. Đến nay, 3 xã Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Liên Hồng, đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 2 xã Thọ An, Thọ Xuân đạt và cơ bản đạt 18 tiêu chí, xã Hồng Hà đạt và cơ bản đạt 17 tiêu chí. Xã Đan Phượng cơ bản đạt 5/7 nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, được thành phố lựa chọn điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô.
Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, huyện thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo, người có công. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến nay trên địa bàn huyện không có ca dương tính với Covid-19, các điểm vui chơi giải trí được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đan Phượng xác định xây dựng nông thôn mới vẫn là mục tiêu trọng tâm, là tiền đề để phát triển, xây dựng huyện Đan Phượng trở thành quận, vì vậy trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô gắn với các tiêu chí đô thị. Trong đó, huyện đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch của huyện phù hợp với tiêu chí đô thị và các quy hoạch của thành phố để làm căn cứ triển khai thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, không dừng lại với kết quả đạt được về xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển thành quận.
Tập trung xây dựng các mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường như mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, khai thác tối đa tiềm năng diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đáy. Rà soát, bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề đã có, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, làng nghề cùng với hoàn thiện hệ thống hệ thống tiêu thoát và xử lý nước thải, rác thải. Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm. Khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, phát triển các loại hình thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại như hệ thống máy bán hàng tự động. Đa dạng hóa các loại hình du lịch, xây dựng các điểm đến du lịch kết hợp quảng bá các sản phẩm địa phương. Thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm. Chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo phát triển kinh tế gắn với nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bão, lũ. Phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất của một số ngành chủ yếu bình quân hàng năm đạt trên 12%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp còn 4%. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt trên 90%; lao động qua đào tạo đạt 75% trở lên. Phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 95 triệu đồng/người/năm. Tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành chỉ tiêu tự cân đối thu chi ngân sách huyện.
Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Khuyến khích phát triển phong trào luyện tập thể dục, thể thao, đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở. Phấn đấu 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 99% thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa; trên 60% tuyến phố văn minh đô thị. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo.
Xây dựng nông thôn mới tại xã Đan Phượng đạt được cả 7 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu về tất cả các lĩnh vực: sản xuất, văn hóa, giáo dục, du lịch, môi trường, an ninh trật tự, y tế nhằm làm nền tảng để xây dựng nông thôn mới Thủ đô bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, có kinh tế - xã hội phát triển, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, môi trường sinh thái trong lành, bản sắc văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/la-co-tien-phong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-post111668.html