Lá đơn 'nặng ký' xin giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí

Phiên tòa ngày 25/3/2024 xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 đồng phạm tiếp tục phần tranh tụng. Trước khi nêu quan điểm tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí đã trình Hội đồng xét xử (HĐXX) đơn của ông Nguyễn Đắc Tâm (Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường Đại học Văn Lang) và chữ ký của hơn 2.200 cán bộ, nhân viên, giảng viên các trường học trong Hệ thống giáo dục Văn Lang xin xem xét giảm nhẹ mức án cho ông Trí.

Vi phạm pháp luật khi giao dịch giữa hai doanh nhân

Trong phần xét hỏi trước đó, bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang - gọi tắt là Công ty Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) đã xác định hành vi phạm tội của mình đúng như cáo trạng quy kết. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng do hoàn cảnh của bà Trương Mỹ Lan khi đó và muốn tránh rủi ro cho hệ thống giáo dục của mình nên thực hiện hành vi vi phạm, định trả lại tiền cho bà Lan sau chứ không có ý chiếm đoạt.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2017 - 2020, bị cáo Trương Mỹ Lan thỏa thuận mua cổ phần một số dự án của bị cáo Nguyễn Cao Trí tại Công ty cổ phần Cao su công nghiệp Đồng Nai, Công ty Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh và thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án tại H.Hải Hà (Quảng Ninh).

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Cao Trí sở hữu 5.464.300 cổ phần (tương ứng 31,22% vốn điều lệ) của Công ty Cao su công nghiệp Đồng Nai. Cuối năm 2017, ông Trí thỏa thuận chuyển nhượng số vốn điều lệ công ty này cho bà Trương Mỹ Lan với giá 45 triệu USD. Bà Lan đã chuyển cho ông Trí 3 lần với tổng số tiền là 21,25 triệu USD. Sau đó, hai bên thống nhất chuyển số tiền 21,25 triệu USD đã thanh toán để mua 31,22% vốn điều lệ công ty trên thành mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí còn thỏa thuận bán cho bị cáo Trương Mỹ Lan 100% vốn điều lệ Công ty Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh với giá 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc cho ông Trí 1 triệu USD và 127 tỷ đồng. Hai bên đã thống nhất chuyển số tiền đặt cọc 1 triệu USD và 127 tỷ đồng sang thanh toán mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.

Ngoài ra, để tham gia đầu tư vào dự án tại H.Hải Hà (Quảng Ninh), bà Lan đã 2 lần chuyển tiền cho ông Trí, tổng cộng là 9,5 triệu USD. Sau đó, bà Lan không tiếp tục tham gia dự án và thống nhất với ông Trí chuyển số tiền 9,5 triệu USD để thanh toán mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang. Do nhận nhiều khoản tiền từ bà Lan, nhưng không có giấy tờ biên nhận nên đến tháng 01/2021, ông Trí gặp bà Lan thống nhất "chốt" các khoản tiền bà này đã chuyển tổng cộng là 1.000 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại tòa

Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại tòa

Sau khi vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh phát bị khởi tố, bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Nguyễn Cao Trí chỉ đạo cấp dưới soạn văn bản điều chỉnh giá và thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ của Công ty Văn Lang, đồng thời thanh lý các hợp đồng đã ký với bà Lan. Bà Lan đã có đơn yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ, xử lý hành vi của ông Trí chiếm đoạt tài sản của mình và thu hồi số tiền 1.000 tỷ đồng.

Trong phần luận tội và đề nghị mức án, phía Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Nguyễn Cao Trí có hành vi chiếm đoạt 1.000 tỷ của bà Trương Mỹ Lan, nhưng đã thành khẩn khai báo, ăn năn, khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhân thân tốt, từng được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt. Do đó, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 10 - 11 năm tù.

Ngày 25/3/2024, tại phần tranh tụng, bị cáo Nguyễn Cao Trí cho rằng bản thân không liên quan đến hành vi phạm tội của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hay dàn lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Giao dịch giữa bị cáo Trí và bị cáo Trương Mỹ Lan là giữa các doanh nhân với nhau. Số tiền và tài sản của bị cáo Trí đủ để khắc phục hậu quả 100%. Do đó, bị cáo Trí đề nghị HĐXX cho hưởng mức án thấp hơn, vì mức án phía Viện kiểm sát đề nghị là quá nghiêm khắc.

"Tôi thừa nhận mình đã phạm sai lầm. Đúng - sai tôi xin nhận hết. Khi chị Lan và hệ thống của chị bị khởi tố khiến tôi bối rối và lo lắng vì sợ rằng hệ thống của tôi có liên quan đến hệ thống của chị Lan. Bối cảnh thời điểm đó khiến tôi đắn đo, do dự, chần chừ, mong nhận được thông tin gì đó từ chị Lan để biết tôi phải làm gì nhằm bảo vệ quyền lợi của chị, với tư cách là đối tác của tôi" - Bị cáo Nguyễn Cao Trí trình bày tại tòa. Bị cáo Nguyễn Cao Trí xin HĐXX xem xét miễn hình phạt cho mình để được trở về với công việc tại Hệ thống giáo dục Văn Lang.

Đóng góp của ông Nguyễn Cao Trí cho giáo dục

Trong phần tranh tụng, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí cho biết hơn 2.200 cán bộ, giảng viên Hệ thống giáo dục Văn Lang đã ký đơn xin giảm án cho ông Nguyễn Cao Trí. Trong đó, có thư viết tay từ bệnh viện của Tiến sĩ Nguyễn Đắc Tâm (Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường Đại học Văn Lang), trình bày về những đóng góp của ông Nguyễn Cao Trí góp phần thay đổi chất lượng của trường theo hướng phát triển lâu dài, xứng tầm quốc tế.

Luật sư Trần Minh Hải bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí cho rằng sở dĩ thân chủ của mình bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vì hành vi thanh lý 2 giao dịch đã ký với bà Trương Mỹ Lan, gồm: thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang và thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su công nghiệp Đồng Nai (Hợp đồng ủy thác số 18).

Quang cảnh phiên tòa

Quang cảnh phiên tòa

Theo luật sư Trần Minh Hải, bị cáo Nguyễn Cao Trí không có ý định chiếm đoạt tiền của bà Trương Mỹ Lan. Đối với hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang, thực chất là việc kết chuyển từ 3 giao dịch của bà Lan để thanh toán việc thực hiện thỏa thuận trên. Cụ thể là thỏa thuận mua bán cổ phần Công ty Cao su công nghiệp Đồng Nai, thỏa thuận mua bán cổ phần Công ty Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh, thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án tại H.Hải Hà (Quảng Ninh).

Hồ sơ vụ án cũng thể hiện do nhận nhiều khoản tiền từ bà Trương Mỹ Lan nên ông Nguyễn Cao Trí gặp bà Lan và thống nhất "chốt" các khoản bà này đã chuyển cho mình, tổng cộng là 1.000 tỷ đồng và hợp thức hóa bằng hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang. Luật sư Hải cho rằng lỗi là do các bên không rành mạch trong giao dịch, đồng thời bà Trương Mỹ Lan cũng đã chấp nhận, nên đề nghị HĐXX thận trọng khi xem xét mức độ hành vi vi phạm của ông Trí.

Xin HĐXX khoan hồng

Các bị cáo Nguyễn Văn Dũng (nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TPHCM), Võ Văn Thuần, Nguyễn Thị Phi Loan, Phan Tấn Trung (cùng là Phó Chánh thanh tra giám sát, NHHH - Chi nhánh TPHCM), Nguyễn Tín (Tổ trưởng Tổ giám sát) đã tham gia phần tranh luận. Theo hồ sơ vụ án, hành vi của các bị cáo này liên quan đến 4 tổ giám sát Ngân hàng SCB giai đoạn 2016 - 2022, việc thẩm định kế hoạch tái cơ cấu Ngân hàng SCB giai đoạn 2015 - 2019 và đoàn thanh tra ngân hàng này vào năm 2022.

Theo hồ sơ vụ án, 5 bị cáo trên với vai trò là lãnh đạo Cục II, lãnh đạo NHNN - Chi nhánh TPHCM, lãnh đạo thanh tra giám sát NHNN - Chi nhánh TPHCM, Tổ trưởng Tổ giám sát đã ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực các hành vi sai phạm cũng như thực trạng tài chính rất xấu của Ngân hàng SCB lên NHNN. Các bị cáo cũng không kiến nghị NHNN đưa Ngân hàng SCB vào diện kiểm soát toàn diện; không kiến nghị Cơ quan thanh tra giám sát NHNN thanh tra pháp nhân Ngân hàng SCB để kịp thời xử lý các sai phạm... Quá trình thực hiện giám sát, các cá nhân trên đã nhận tiền, quà biếu của Ngân hàng SCB vào các dịp lễ, Tết. Theo đó, Nguyễn Văn Dũng nhận 400 triệu đồng và 15.000 USD, Nguyễn Văn Thuần nhận 1,8 tỷ đồng, Phan Tấn Trung nhận 1,1 tỷ đồng, Nguyễn Thị Phi Loan nhận 470 triệu đồng, Nguyễn Tín nhận 500 triệu đồng.

Theo cáo trạng, những sai phạm trên của bị cáo Nguyễn Văn Dũng và đồng phạm đã để nhóm Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi trái pháp luật khiến Ngân hàng SCB mất thanh khoản hoàn toàn 677.286 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Văn Dũng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại là 606.460 tỷ đồng (nợ gốc là 452.415 tỷ đồng, lãi là 154.044 tỷ đồng). Những người còn lại trong nhóm này bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB từ 216.225 tỷ đến 605.356 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Dũng bị Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 11 - 12 năm tù. Tại phần tranh tụng ngày 25/3/2024, luật sư bào chữa và bản thân bị cáo này đều thừa nhận hành vi của bị cáo do cáo trạng truy tố. Bị cáo Nguyễn Văn Dũng cho rằng do khối lượng công việc quá lớn, áp lực rất nhiều nên xảy ra lỗi sai sót chứ không cố ý làm sai, mong HĐXX lượng hình khi tuyên án.

Văn Toàn - Bích Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/la-don-nang-ky-xin-giam-an-cho-bi-cao-nguyen-cao-tri_160362.html