La Gi - thị xã năng động với tuổi mười lăm!
Những ngày tháng tư này, cách đây tròn 45 năm khó mà quên muôn vàn cảm xúc lẫn lộn, khi La Gi là một phần đất sau cùng của tỉnh Bình Tuy và Bình Thuận, cũng là tỉnh thứ 21 được giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (23/4/1975). Nhưng dấu ấn mang ý nghĩa của một sứ mệnh mới trong chặng đường xây dựng và phát triển, đó là bước chuyển động của thị xã La Gi từ cuối năm 2005.
La Gi - thị xã năng động với tuổ
Một vài con số tiêu biểu về tiềm năng kinh tế của La Gi ở điểm khởi đầu, từ một huyện chỉ dựa vào nông nghiệp và thế mạnh về thủy sản để thấy những khác biệt đáng mừng. Đặc biệt từ sự tác động mạnh mẽ hơn của Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã La Gi lần thứ X (2015 - 2020) đã xác định mục tiêu cụ thể: “Tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét môi trường đầu tư, kinh doanh để phát triển thị xã thành đô thị thương mại - dịch vụ - du lịch phía Nam của tỉnh, phát triển mạnh công nghiệp chế biến thủy sản; huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư hoàn thành đạt tiêu chí đô thị loại III…”.
Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế vẫn coi thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng phải phát triển toàn diện cả khai thác, chế biến, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi theo hướng công nghiệp, nâng cao hiệu quả. Năm 2006 năng lực tàu thuyền chỉ có 1.735 chiếc với công suất 125.516 CV và sản lượng trong năm đạt 48.018 tấn các loại. Nhưng đến nay đã có trên 2.068 chiếc, sản lượng khai thác gần 63.000 tấn và số tàu thuyền có công suất 90 CV trở lên 1.111 chiếc.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sớm có giải pháp thích ứng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi cho phù hợp. Từ diện tích gieo trồng 3.996 ha và sản lượng lương thực 14.662 tấn của năm 2005, nay dù đô thị hóa nhưng vẫn ổn định được 3.716 ha và 10.512 tấn. Song song với sản xuất lương thực đã phát triển chương trình sản xuất diện tích thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP gần 150 ha và rau sạch an toàn 2 ha ở phường Bình Tân và xã Tân Bình. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp. Các xã Tân Tiến, Tân Hải, Tân Phước và Tân Bình giữ chuẩn và đạt chuẩn các tiêu chí.
Về sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thị xã La Gi duy trì được bước chuyển biến tích cực. Kết quả ghi nhận đến cuối năm 2019 đạt giá trị sản xuất 1.501,3 tỷ đồng, vượt kế hoạch trên 15%. Một trong những mục tiêu có tính đòn bẩy cho yêu cầu thúc đẩy phát triển đô thị, đó là sự đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Tân Bình 1 và Tân Bình 2 phục vụ cho hoạt động sản xuất, chế biến hải sản nhưng gặp không ít trì trệ từ phía nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Thị xã tranh thủ các nguồn lực để hoàn thiện nhiều công trình, hệ thống giao thông nội thị, cống thoát nước và các khu dân cư.
Tiềm năng về phát triển du lịch ở La Gi được đánh giá có nhiều thuận lợi. Với lợi thế 28 km bờ biển, có đường quốc lộ 55 nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và liên thông tuyến quốc lộ 1A đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực. Qua nhiều năm tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 39 dự án du lịch biển nhưng do nhiều nguyên nhân từ yếu tố khách quan, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, các nhà đầu tư không vượt qua được cho nên đến nay chỉ có 8 dự án đã ổn định hoạt động kinh doanh.Tuy nhiên với môi trường du lịch, nghỉ dưỡng ở địa phương cũng tạo nên sức thu hút một số lượng khách khá lớn qua lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím, từ các danh thắng Ngảnh Tam Tân, Đồi Dương, biển Cam Bình… Các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng của tư nhân đã đạt mức cao, ước tính hàng năm có khoảng 315.000 lượt người đến La Gi.
Tính đến nay, toàn thị xã có 7.789 hộ kinh doanh với tổng vốn đăng ký 1.280,62 tỷ đồng. Trong đó có 89 doanh nghiệp thành lập mới nâng tổng số doanh nghiệp lên 527 cơ sở với tổng vốn 3.220,7 tỷ đồng. Trong những công trình có quy mô phục vụ cho hoạt động thương mại - dịch vụ là dự án chợ La Gi (trung tâm của các phường Phước Hội, Phước Lộc, Bình Tân) đã hoàn thành 80% khối lượng với khu B. Khu A đang cơ bản khung tầng trệt, đạt 35%… với tiến độ này sẽ hoàn thành cuối quý I/2020. Như vậy, các xã, phường Tân Hải, Tân Tiến, Tân An, Tân Bình, Tân Thiện, Tân Phước đều có chợ đã đưa vào sử dụng… Mối quan tâm lớn và cũng không ít khó khăn là công tác tổng thu ngân sách nhà nước, từ mốc năm 2006 với 81,77 tỷ đồng thì đến năm 2019 đạt khoảng gần 248 tỷ đồng và tổng chi ngân sách chiếm khoảng 383,2 tỷ đồng, mỗi năm đều đạt.
Năm 2018, thị xã La Gi được Bộ Xây dựng công nhận là Đô thị loại III (2018), là động lực hướng tới mục tiêu của đô thị thương mại - dịch vụ - du lịch phía Nam của tỉnh. Trong đó phải chú ý đến công tác xây dựng đồ án quy hoạch với quy mô bền vững đến năm 2035, điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu, khu vực Đông Tân Thiện (khoảng 48 ha) và Tây Tân Thiện (khoảng 48,3 ha), cùng lúc với đồ án của một số xã, phường cho phù hợp. Đây là giai đoạn La Gi có sức thu hút mạnh các dự án ngoài ngân sách với 30 dự án đăng ký đầu tư diện tích trên 1.847 ha với tổng vốn 6.361,37 tỷ đồng. Bộ mặt mới của đô thị dễ nhận ra qua tốc độ xây dựng các công trình công cộng, nhà ở dân dụng… Riêng trong năm 2019 đã có 636 hồ sơ xây dựng, trên 75.000 m2 diện tích sử dụng. Cũng từ nhu cầu đó càng đòi hỏi công tác quản lý, trật tự đô thị, xử lý vi phạm các công trình hạ tầng dân cư tự phát phải triển khai đồng bộ, kịp thời. Lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường cũng đặt ra nhiều vấn đề trong chỉ đạo quyết liệt qua công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sâu rộng đến người dân.
Trong quá trình xây dựng và phát triển thị xã không những chú trọng đến lĩnh vực kinh tế mà Đảng bộ và UBND thị xã còn có nhiều giải pháp, tập trung đầu tư cho hoạt động văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội của địa phương… Ngành giáo dục - đào tạo không ngừng nâng cao chất lượng và các phương tiện cho trường lớp, dạy và học. Với cơ sở y tế, từ một bệnh viện thị xã được nâng lên Bệnh viện đa khoa khu vực của tỉnh, đạt chuẩn bệnh viện tuyến II của tỉnh để có thêm trang thiết bị về kỹ thuật, nâng cao hiệu quả điều trị và phục vụ người bệnh. Hiện nay duy trì được 9/9 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đời sống tinh thần của nhân dân địa phương ngày càng được tiếp cận, hưởng thụ nhiều giá trị văn hóa lành mạnh. Một trong những công tác tạo ấn tượng tốt cho đời sống xã hội đó là việc quan tâm đến đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo… Giải quyết việc làm, đào tạo nghề 2.586 lao động và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1.024 hộ của năm 2006 (4,57%) xuống còn 0,42%.
Nhìn lại chặng đường 15 năm thành lập thị xã La Gi, tuy trải qua không ít khó khăn và thách thức nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, đồng bộ và sức mạnh đoàn kết được phát huy, đáp ứng cho sự nghiệp phát triển theo định hướng của Đảng bộ qua từng nhiệm kỳ đại hội đã đặt ra. Trong đó, với những kết quả của những năm gần đây đã mang lại sự chuyển biến mới trên nhiều lĩnh vực, hứa hẹn vươn tới một diện mạo đô thị loại II của La Gi.