Là hoa thì mãi xanh tươi

Cô đi đến đâu, đám trẻ chạy theo đến đó, đứa nắm tay, đứa hỏi han đủ điều. Mấy đứa nhỏ thì gọi là bà Út, đứa lớn hơn thì gọi là cô Út.

Dẫu gọi như thế nào thì cô vẫn như một người cô “ruột” (theo cách nghĩ về bà con thân tộc) của cả một xóm, và hơn nữa là một xã. Tôi nhìn theo bước chân cô, những bước chân chậm. Vòng quay của bánh xe đạp cũng chậm rãi lăn theo từng nhịp chân. Hình như cô dắt nhiều hơn là chạy xe, chiếc xe đạp Tiệp Khắc cô mua từ những năm bao cấp.

Ở Mỹ Luông, một thị trấn ven sông của huyện cù lao Chợ Mới (An Giang), hỏi cô Út Trinh thì ai nấy cũng đều biết. Nhưng ngoài những người làm công tác “giấy tờ”, ít ai biết cô tên thật là Nguyễn Thị Tuyết Trinh, bí danh hồi kháng chiến là Hoàng Kiều Oanh, thương binh hạng 3/4 và cũng là một trong những nữ cán bộ chủ chốt của huyện Chợ Mới trong những ngày đầu sau giải phóng. Người dân, đám trẻ quê và những “đứa con ruột” tật nguyền của cô không mấy biết nhiều về chức vụ của người phụ nữ gầy gò thân thuộc. Họ chỉ biết rằng, cô là một bà mẹ hiền của cả xóm. Bởi ở tuổi ngoài 70, cô vẫn đi vận động quần áo, sách vở và có khi chút bánh kẹo làm niềm vui cho những đứa trẻ quê mình. Cô đến thăm và động viên những trẻ em khuyết tật bằng tất cả lòng yêu thương của một người từng “vào sinh ra tử”. Lâu lâu lại thấy cô đi ngang nhà, hỏi với vào “Thằng nhỏ sốt đêm qua giờ bớt chưa con Tư” hay “Có trái bầu này, con coi nấu canh để ông nội ăn cho mát”…

Minh họa: Lê Hải.

Minh họa: Lê Hải.

Và dẫu chiếc xe đạp cũ kỹ của cô có buộc quanh cổ xe những bọc sách vở, bánh kẹo, gạo mì hay không thì đám trẻ vẫn hồ hởi đón cô từ đầu xóm. Chúng sẽ hỏi cô đủ điều về cơn mưa hôm qua, những ngọn sét có làm cô giật mình hay không? Những đứa trẻ tuyệt nhiên không biết rằng, hồi lâu, rất lâu khi mảnh đất này vẫn còn bóng giặc, cô bỏ dở những năm tháng ước mơ thành cô giáo để đi làm cách mạng; rồi cô bị địch bắt tù đày, tra khảo “chết đi sống lại”. Đám trẻ không biết rằng trộn một lít nước muối và xà phòng, đổ hết vào họng một con người rồi dùng hai cực điện âm dương kẹp vào hai ngón tay là sẽ gây rối loạn cả hệ thống ion trong cơ thể. Chúng chỉ biết rằng những cơn sét vô tình phía lưng trời không tiếng súng, cũng có thể làm một “bà tiên tóc bạc như bông” lăn ra co giật và giãy giụa, bất chấp đám trẻ sợ xanh cả mặt.

Và cũng như đám trẻ, những người dân xứ quê của cô Út cũng không biết nhiều về những tấm huân chương của cô. Họ chỉ biết sau những tấm huân chương đó là một mối tình dang dở khi cô bị địch bắt tù đày xa cách suốt rất nhiều năm; nhà tù không thể đè bẹp ý chí của một cô gái gầy gò. Nhà tù có thể lấy mất của cô khả năng làm vợ, làm mẹ… nhưng không thể nào đè bẹp được thiên chức một người mẹ và tấm lòng bao dung của một người phụ nữ miền Tây, dẫu trong lam lũ vẫn rộng lòng bao la.

Có lần nhìn những bước chân chậm chạp của cô bước vào phòng họp, bàn tay lần từng cái bàn để đôi chân vững hơn... tôi thấy lòng mình chợt thắt lại. Cô nói, cô vẫn sẽ đi làm cho đến khi cô không còn có thể. Cô giữ trọn lời thề của một người đảng viên. Và với chức vụ Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi của xã, không một ngày nào cô không đến chiếc bàn nho nhỏ thân quen ở UBND xã. Không một buổi họp chi bộ nào thiếu vắng cô, dẫu cho trời có mưa…

Cô không nói nhiều về những dấu lặng của đời mình, nhưng người dân xứ này không thể nào quên, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cô sống độc thân trong một căn phòng tập thể sau lưng trụ sở cơ quan. Hừng đông một ngày mùa thu, ai đó đã đặt một đứa bé trai khoảng 5 tháng tuổi trước cửa Ủy ban quân quản. Không ai nhận nuôi, ngoài người phụ nữ sống đơn độc và nghèo. Cô không biết ai đã đặt đứa trẻ, nhưng cô chẳng quan tâm tới điều đó. Trước mắt, cô muốn nuôi nó đã, rồi tìm lại gia đình cho đứa trẻ sau. Thời kỳ ấy, những cuộc chia ly và hội ngộ diễn ra khắp nơi. Những đứa trẻ bị bỏ lại vẫn thường xảy ra đâu đó. Cô nuôi giữ đứa trẻ, thức đêm bồng nó đi cả cây số để gửi cho bú thép. Mỗi sáng đi làm, cô phải gửi đứa nhỏ cho một bà má ở xóm trên. Trưa về lại nấu lấy nước cơm pha đường cho bé uống. Cô quần quật giữa bộn bề công việc mới tiếp thu và đứa con thơ dại. Nhưng đó lại là niềm vui, như cái cây khô vừa được mùa ra hoa trở lại.

Người ta truyền nhau những thông tin nửa tin nửa ngờ, rằng đó là đứa con rơi ở trong sở Mỹ. Cha nó đã bỏ đi, mẹ nó vì không thể mang con về quê được nên để đứa nhỏ ở cổng Ủy quan quân quản. Có tin lại nói rằng, cha mẹ đứa nhỏ lên tàu bỏ đi, nhưng vì căn cớ chi đó mà đứa trẻ bị lạc lại… Nhưng dù là thông tin thế nào, cô vẫn thương đứa trẻ. Nó là mầm non của một xã hội mới, một xã hội yêu thương và không còn tiếng bom đạn.

Có những ngày thơ ấu, đứa trẻ đi chơi trong xóm chạy về lay tay hỏi cô: "Mẹ ơi, người ta nói con là con của Mỹ, nếu mai mốt ba Mỹ về nhận, mẹ có cho con đi Mỹ không?". Trẻ thơ hỏi những điều vu vơ nhưng cũng làm cô đắn đo suy nghĩ nhiều ngày. Cô vẫn yêu thương đứa trẻ hết lòng, nó là niềm vui cuộc sống của cô sau bao bộn bề công việc. Nó đi rồi có thể cô sẽ buồn. Nhưng cô vẫn tin, nếu đứa trẻ có một cuộc sống tươi đẹp hơn, cô vẫn để nó đi để nó được nhiều điều hạnh phúc. Nhưng rồi không một ai quay lại tìm đứa trẻ, cô Út vẫn là người mẹ duy nhất, nuôi dạy thằng bé lớn khôn…

Bây giờ trong căn nhà tình nghĩa ấy, dẫu chỉ hai mẹ con sống với nhau, nhưng không bao giờ vắng niềm hạnh phúc. Tôi có dịp ăn cơm cùng cô Út, cô bày trên mâm sáu cái chén cơm khác, gọi là chén vọng. Cứ mỗi bữa cơm, cô lại mời sáu đồng đội của mình về cùng ăn. Bữa cơm đạm bạc canh rau nhưng chưa bao giờ thiếu vắng những người xưa. Hình như, những người ngã xuống cho cuộc sống hôm nay vẫn vẹn nguyên trong cô một màu nguyên thủy. Cô nói với tôi rằng, mỗi khi ăn cơm, cô đều nhớ đến đồng đội. Mỗi dịp lễ, mẹ con cô lại lặn lội đi thăm mộ các anh, các chú. Và những lúc nhìn gió chướng trở ngọn, buồn thương chợt vương trên đôi mắt đã kéo mây vì tuổi già và những di chứng chiến tranh.

Những năm tháng về hưu, cô vẫn chưa bao giờ ngơi tay để nghỉ. Cô cần mẫn như "con tằm đến thác vẫn còn nhả tơ” cho đời, cho xã hội. Đến từng ngõ ngách của xóm nghèo, chở cọc cạch trước cổ xe những bọc gạo, muối, có khi có thêm mấy con cá khô mà cô tự tay làm hoặc trái bí trái bầu trồng ở vườn nhà. Với những gì có thể làm được, cô đã cho đứa trẻ mồ côi, những người neo đơn hay những người nghèo khó có được một bữa cơm no. Rồi ngày mai những giàn bầu dây mướp sau vườn lại ra hoa kết trái. Những điều giản đơn thôi nhưng làm cho cô vui trong những ngày tháng hưu trí của mình. Chúng làm cô nhớ lại sự đùm bọc của bà con quê mình với cách mạng, với cô trong những ngày khốn khó. Chúng nhắc nhớ cho cô những ngày “cơm vắt muối vừng” nhưng lại rất no lòng.

Những ngày đầu mùa mưa ở miền Tây, tôi lại nhớ đến cô Út Trinh. Tôi nhớ từng bước chân cô trải dài trên con đường vào xóm nhỏ. Và không hiểu sao, dẫu biết quy luật sinh lão của đời người, nhưng tôi vẫn cứ tin rằng cô Út vẫn khỏe, cô vẫn mãi là người mẹ hiền của những đứa trẻ xóm nghèo quê tôi.

Tùy bút của LINH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/la-hoa-thi-mai-xanh-tuoi-619459