Lạ kỳ hàng loạt công trình khu dân cư ở Cà Mau hoàn thành bị bỏ hoang phế
Nhiều hạng mục như đèn chiếu sáng, khu cấp nước sinh hoạt, nhà y tế cộng đồng... đã hoàn thành gần 10 năm nay nhưng vẫn… chưa một lần hoạt động.
Xây dựng bề thế rồi… bỏ hoang phế
Đó là thực trạng đang tồn tại ở khu dân cư Kinh Tư (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án này có quy mô thiết kế với diện tích 13,4 ha, tạo nơi ở cho trên 280 hộ dân.
Công trình được khởi công xây dựng vào khoảng năm 2012, do Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư và huyện Trần Văn Thời là đơn vị quản lý, sử dụng.
Đón tiếp chúng tôi, ông Đào Văn Bắc, hộ dân ở khu dân cư Kinh Tư (ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải) nhìn về phía mấy công trình công cộng đối diện nhà mà thốt thán: “Dân nghèo thì khó khăn tìm không ra nhà ở, trong khi nhà nước xây dựng hàng loạt công trình ở khu dân cư này rồi bỏ đó. Quá xót xa!”.
“
Mục đích xây dựng khu dân cư Kinh Tư là nhằm đảm bảo an cư cho những hộ dân nghèo sống bám trụ ở khu vực rừng phòng hộ ven biển Tây làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ trước đây ở xã Khánh Hải. Đây là một trong những công trình, dự án bề thế mang tính nhân văn sâu sắc, từng làm nức lòng biết bao bà con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
”
Nếu chỉ nghe những lời chua chát của nhiều hộ dân ở khu dân cư Kinh Tư mà chưa có dịp tận mắt chứng kiến những “hoang cảnh” mà họ miêu tả thì khó ai có thể tin được. Họ xót xa và ví von khu dân cư này là “xứ U Minh sậy”.
Bởi nơi đây quanh năm bao phủ bởi cỏ sậy um tùm. Thậm chí, nhiều người còn ví đây là vùng “nước nổi”. Vì theo họ, khu dân cư này từ nhiều năm qua luôn chịu cảnh ngập úng vào mùa mưa, đến khi mùa hạn đường đi mới khô ráo.
Nhìn quanh, những con đường bê tông nơi đây cũng không còn giữ được mặt đường bằng phẳng, thay vào đó là lởm chởm những cái hố trông rất nham nhở, mất mỹ quan. Chỗ nào bê tông vỡ lớn thì tạo điều kiện cho lau sậy đâm chồi...
Cảnh tượng ấy xuất hiện khi người dân đến nhận nền và xây dựng nhà ở tại dự án. Ông Lê Văn Thành, người dân địa phương than: “Nước không có, đường thì ngập lõm bõm, cỏ sậy mọc um tùm mần không xuể”.
Nói về sậy, hầu hết bà con ở khu vực trên cho biết, cỏ sậy mọc thuộc đất nhà nào thì người đó tự phát hoang cho thông thoáng. Nhưng do nền nhiều, lượng người vào ở còn ít nên ở các nền trống, sậy đua nhau mọc, sức người làm quanh năm không xuể.
Ông Thành kể: “Có lúc địa phương đưa xe cuốc vào chạy càn cho sậy nằm bẹp xuống nhưng qua rồi vẫn mọc lên um tùm”.
Câu chuyện vào khu tái định cư mà không có nước sạch hợp vệ sinh để sử dụng, thoạt nghe rất khó tin nhưng hiện đang tồn tại ở khu dân cư Kinh Tư này.
Thật trớ trêu, nghịch lý bởi trước mắt là công trình cấp nước bề thế được xây dựng trong khuôn viên rộng khoảng 1.000m2, được bao quanh bởi hệ thống hàng rào bê tông cốt thép và khu vực này được trang bị bằng 2 cánh cổng sắt với 2 lối ra vào nhưng bị cỏ sậy phủ quanh.
Cạnh đó là cụm những công trình được thiết kế xây dựng gồm 2 căn nhà với đầy đủ nội thất bên trong với hệ thống cửa nhôm kính khang trang.
Mỗi căn nhà được ngăn thành 2 phòng riêng biệt bằng vách nhôm và có khu nhà vệ sinh riêng. Một căn được in dòng chữ “Tổ Y tế cộng đồng” và căn còn lại là dòng chữ “Tổ tự quản”.
Giữa 2 căn nhà có 1 đài nước cao hàng chục mét. Xung quanh được bảo vệ bởi hàng rào bê tông, sân cũng được lót bằng loại đan bê tông. “Vậy đó, xây xong rồi bỏ cả chục năm nay, nhìn mà xót ruột”, giọng ông Bắc đầy nuối tiếc.
Chính quyền địa phương nói gì?
Khi nghe chúng tôi hỏi đường đi vào khu vực 2 căn nhà và đài nước, ông Bắc phải dẫn đường đi ra ngoài mé lộ, rồi ông hì hụi vén lớp lau sậy chỉ hướng đi. Nơi đó hiện ra hàng rào sắt đã bị hoen gỉ theo thời gian và bị bong rộp lớp sơn.
“
Nhắc tới chuyện nước sinh hoạt, ai cũng ngán ngẩm với đài nước có theo kiểu “tượng trưng”. “Hầu như nhà nào cũng tự khoan cây nước (giếng nước ngầm). Chi phí mỗi giếng tầm 5 triệu đồng để sử dụng khi vào định cư. Chứ đài nước chỉ xây để vậy chứ không ai xài được”, bà Lê Thị Liên, hộ dân bám trụ tại khu tái định cư Kinh Tư hơn 5 năm cho biết.
”
“Ở khu này giờ "một thằng trốn, bốn thằng tìm" đố ai kiếm được tôi khen. Đó là còn chưa kể đến mỗi mùa mưa, nước không thoát được tràn ngập lộ, ngập tận nền nhà.
Phía đường trong khu dân cư dù có mắc hệ thống đèn chiếu sáng nhưng chưa một lần sáng đèn vào ban đêm”, ông Bắc bức xúc mỗi khi nhắc về khu hoang phế trước cửa nhà mình.
Cách nhà ông Bắc khoảng 10 trụ điện là khu nhà lồng chợ Kinh Tư. Khu chợ rộng khoảng vài trăm mét vuông được đổ sàn bê tông, mái lợp tôn, trụ khung bằng sắt.
Sau 10 năm xây dựng cái chợ vẫn “nằm ỳ” chưa một lần diễn ra cảnh mua bán, mặc phơi mưa nắng giờ mái lợp và khung nhà đã rỉ sét sậm màu. Dân cư trong khu vực nhìn những công trình bạc tỷ bỏ phế tàn mà ai cũng xót xa cùng cực.
Khi được hỏi về chuyện tương lai, một khi đã an cư, lạc nghiệp rồi thì bà con chung tay xây dựng đời sống văn minh, đổi mới như bao khu vực, địa phương khác không? Người dân ở Kinh Tư đều lắc đầu ngao ngán!
Đừng để hình ảnh xấu cứ mãi tồn tại để nỗi bức xúc của người dân càng dồn nén mỗi khi nhắc đến, nhìn thấy.
Bài học 10 năm, từ một công trình đầy tính nhân văn nhưng chỉ vì những sự quản lý bê trễ, thiếu trách nhiệm không những gây lãng phí mà còn để lại dấu ấn không mấy tốt đẹp trong lòng người dân.
Ông Phạm Thành Được, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, thừa nhận rằng công trình khu dân cư Kinh Tư trên địa bàn xã có nhiều hạng mục xây dựng nhưng không sử dụng đã gây lãng phí.
Ông Được cũng cho biết: “Tình trạng khu dân cư Kinh Tư xuống cấp địa phương đã nắm và có báo cáo về trên. Cấp trên cũng xuống khảo sát và ghi nhận hết rồi.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, xã cũng có kiến nghị nhưng đến nay quanh khu vực này vẫn vậy, nguyên nhân là chưa có nguồn vốn để nâng cấp, đầu tư.
Dự án do Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, tham gia dự án có trên 200 hộ dân được thụ hưởng nhưng hiện có hơn 100 hộ đủ điều kiện được xét cấp nền xây dựng nhà ở.
Số nền còn lại hiện chưa xét được, xã đã đề nghị rồi nhưng cấp có thẩm quyền chưa chấp thuận do văn bản hướng dẫn thay đổi nên đối tượng lựa chọn chưa phù hợp.
Trước đây chỉ đầu tư xây dựng các hạng mục thôi, đã hết thời gian bảo hành lâu rồi nên không khắc phục sửa chữa. Địa phương cũng đã kiến nghị nhiều lần lắm rồi”.
Để làm rõ những bức xúc của người dân về dự án trên, PV đã liên lạc qua điện thoại với ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, nhưng ông này không nghe máy. Và khi nhắn tin thì chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: “Đang chỉ đạo kiểm tra, khi có kết quả sẽ thông tin”.