Tăng hơn 800 tỉ đồng cho dự án cải tạo kênh dài nhất TP.HCM

TP.HCM tăng vốn thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên thêm hơn 800 tỉ đồng, điều chỉnh chủ trương đầu tư công năm 2024, nguồn vốn ngân sách địa phương để bố trí vốn, thực hiện các dự án.

Sáng 14-11, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề). Kỳ họp đã thông qua tám dự thảo nghị quyết, trong đó có sáu nghị quyết liên quan lĩnh vực kinh tế ngân sách, đầu tư công, hai nghị quyết về nhân sự.

Tăng vốn hơn 800 tỉ đồng dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Đáng chú ý, HĐND đã thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

Cụ thể, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.200 tỉ lên hơn 9.030 tỉ đồng, tức tăng hơn 800 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án cũng được điều chỉnh từ giai đoạn 2021-2025 thành giai đoạn 2021-2026.

HĐND thống nhất bổ sung công tác di dời, tái lập bảy vị trí trụ điện cao thế 110 kV, 220 kV nằm trong phạm vi hạ tầng bờ kênh của dự án, cải tạo nâng cao trình hai vị trí tuyến đường dây 500 kV; tăng quy mô sử dụng đất thêm 3.592 m2 vào ranh dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư; bổ sung xây dựng bốn đoạn đường giao thông tại khu vực các dự án cống kiểm soát triều Vàm Thuật, Nước Lên, với tổng chiều dài 640 m, bề rộng xe chạy 12 m; bổ sung 75 vị trí thuộc hệ thống bến lấy nước PCCC thuộc bảy quận, huyện gồm các quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh…

Riêng với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giải thích thêm lẽ ra sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp 30-4-2025 nhưng trong quá trình triển khai, có những nội dung được tính toán chưa đủ hoặc phát sinh nên cần điều chỉnh để hoàn thành đúng tiến độ.

 Đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Mãi cho biết giai đoạn đầu của dự án có kéo dài song từ khi HĐND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 3-2021 thì đến tháng 4-2022 đã phê duyệt dự án và khởi công vào cuối năm 2022.

Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá với một dự án lớn như kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, tiến độ này không phải là chậm mà có sự tập trung lớn từ chủ đầu tư, sở, ngành, quận, huyện; có sự giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TP.HCM.

“UBND TP.HCM cam kết với HĐND TP sẽ tập trung điều hành để dự án cơ bản hoàn thành, đảm bảo khối lượng, chất lượng, tiến độ như nghị quyết HĐND TP” - người đứng đầu UBND TP khẳng định.

HĐND TP.HCM cũng thông qua dự thảo nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương. HĐND thống nhất tăng số vốn hơn 7.900 tỉ đồng để UBND TP bố trí vốn, thực hiện các dự án chuyển tiếp, khởi công mới đã được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

HĐND TP cũng thông qua nghị quyết quy định về tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới trong phạm vi Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn TP.

Nghị quyết sẽ áp dụng cho các giải pháp công nghệ liên quan đến phương tiện bay không người lái, xe tự hành.

Vị trí thử nghiệm phương tiện bay không người lái tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Vị trí thử nghiệm xe tự hành tại khu Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao TP.HCM. Các chính sách mới liên quan đến thử nghiệm có kiểm soát tại TP.HCM sẽ có hiệu lực từ ngày 24-11. Dự kiến TP.HCM sẽ chi khoảng 5,76 tỉ đồng để thực hiện các chính sách về hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới.

Phương tiện bay không người lái và xe tự hành được hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát để ứng dụng trong năm lĩnh vực an ninh, trật tự; cứu nạn, cứu hộ, PCCC; logistics, vận tải hành khách; nông nghiệp công nghệ cao; môi trường; nghệ thuật.

Thời gian tới, TP.HCM cũng sẽ đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu ở các trường ĐH, doanh nghiệp.

“Nếu chúng ta không đi trước, có quyết sách đầu tư về khoa học, công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực mới; nếu chúng ta không mạnh dạn trong thí điểm các cơ chế có kiểm soát thì chúng ta có thể sẽ chậm” - Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin và khẳng định UBND TP.HCM sẽ có nghiên cứu kỹ lưỡng, có đề án, quy trình về vấn đề này.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá các nghị quyết thông qua tại kỳ họp là cơ sở để UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức, triển khai nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024.

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng yêu cầu tiếp tục tập trung triển khai Chỉ thị 27 của Thành ủy TP.HCM, cụ thể hóa Nghị quyết 18 của HĐND TP.HCM về thực hiện Nghị quyết 98, gắn với Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng đề nghị UBND TP.HCM tăng tốc, quyết liệt, thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 và bốn chương trình đột phá, trọng điểm về phát triển TP.HCM. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp, đánh giá việc thực hiện cam kết của các đơn vị, cá nhân trong việc tập trung tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, phấn đấu đến cuối năm 2024, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP đạt được mục tiêu đề ra là 95%.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP.HCM cần giám sát chặt chẽ công tác triển khai, thực hiện các nghị quyết đã ban hành, nhằm đảm bảo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm 2024.

UBND TP khẩn trương chỉ đạo các sở, ban ngành tập trung các nội dung trình HĐND TP.HCM trong phiên họp thường lệ cuối năm vào tháng 12. Nhất là các tờ trình về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; kết quả thực hiện chủ đề năm 2024; dự toán thu chi ngân sách năm 2025…

Trong đó, chú ý các nội dung liên quan đến quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, các nội dung còn lại tại Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị định 84 của Chính phủ; các chương trình, công trình chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh làm ủy viên UBND TP.HCM

Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND TP cũng thống nhất miễn nhiệm chức danh ủy viên UBND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Huỳnh Văn Hạnh, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đã nghỉ hưu từ ngày 1-10-2024.

Đồng thời, bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, làm ủy viên UBND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

LÊ THOA - THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tang-hon-800-ti-dong-cho-du-an-cai-tao-kenh-dai-nhat-tphcm-post819868.html