Lạ kỳ lễ hội linh thiêng 12 năm một lần ở Ấn Độ

Được tổ chức 12 năm một lần, Mahakumbh Mela là một sự kiện đặc biệt đại diện cho nền văn hóa sôi động và thế giới tâm linh sâu sắc của Ấn Độ. Tâm điểm của lễ hội là nghi lễ tẩy trần tại Triveni Sangam, nơi hợp lưu thiêng liêng của ba dòng sông Ganga, Yamuna và Saraswati, được cho là giúp thanh tẩy linh hồn, gột rửa tội lỗi và đạt giác ngộ.

Lễ hội Mahakumbh Mela diễn ra 12 năm một lần. Ảnh: Getty.

Lễ hội Mahakumbh Mela diễn ra 12 năm một lần. Ảnh: Getty.

Nhịp điệu tuần hoàn của các vì sao và hành tinh

Theo thông báo chính thức từ Chính phủ Ấn Độ, Lễ hội Mahakumbh Mela 2025, sự kiện tâm linh, văn hóa và xã hội lớn nhất thế giới, diễn ra từ ngày 13/1- 26/2/2025 tại thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, sự kiện trọng đại này dự kiến sẽ thu hút hơn 350 triệu người tham gia trong suốt một tháng rưỡi.

Cảnh sát bang Uttar Pradesh đã triển khai hệ thống an ninh 7 cấp, cử 10.000 nhân viên cảnh sát tham gia; xây dựng thêm 13 đồn cảnh sát và 23 trạm kiểm soát tạm thời ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn. Bên cạnh đó, an ninh đã được tăng cường đáng kể tại các ngôi đền và những địa điểm quan trọng với sự hỗ trợ từ các camera sử dụng AI, máy bay không người lái, hệ thống chống máy bay không người lái…

Các sadhu tẩy trần trong dòng nước của sông Hằng linh thiêng trong ngày tắm tốt lành Makar Sankranti của Mahakumbh Mela ở Allahabad ngày 14/1/2013. Ảnh: Getty.

Các sadhu tẩy trần trong dòng nước của sông Hằng linh thiêng trong ngày tắm tốt lành Makar Sankranti của Mahakumbh Mela ở Allahabad ngày 14/1/2013. Ảnh: Getty.

Mahakumbh Mela là sự kiện đặc biệt, thể hiện rõ bức tranh văn hóa và tâm linh của Ấn Độ, được cho là khởi xướng bởi triết gia và thánh Hindu thế kỷ thứ 8 Adi Shankara, như một phần trong nỗ lực của ông nhằm bắt đầu các cuộc tụ họp lớn của người Hindu để thảo luận và tranh luận triết học cùng với các tu viện Hindu trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ. Tuy nhiên, đến nay, không có bằng chứng văn học, lịch sử nào về những cuộc hành hương lớn được gọi là Mahakumbha Mela trước thế kỷ 19.

Song lại có rất nhiều bằng chứng trong các bản thảo lịch sử và các dòng chữ khắc về một Magha Mela hàng năm trong Ấn Độ giáo, với các cuộc tụ họp lớn hơn, theo định kỳ sau 6 hoặc 12 năm. Đây là nơi những người hành hương tụ tập với số lượng lớn và một trong những nghi lễ chính là tắm mình trong một con sông hoặc bể nước thiêng. Những diễn biến chính trị xã hội trong thời kỳ thuộc địa và phản ứng với chủ nghĩa phương Đông đã dẫn đến việc đổi tên và tổ chức lại Magha Mela cổ đại thành Mahakumbh Mela thời hiện đại, đặc biệt là sau cuộc nổi loạn của người Ấn Độ năm 1857.

Mahakumbh Mela là lễ hội tôn giáo và vô cùng linh thiêng, có ý nghĩa đặc biệt đối với các sadhu và thánh nhân của Ấn Độ vì trên thực tế, họ là những người đầu tiên tắm trong dòng nước sông thiêng. Điểm đặc sắc nhất chính là việc lễ hội này diễn ra theo nhịp điệu tuần hoàn, luân phiên giữa 4 bờ sông linh thiêng gồm Haridwar, Ujjain, Nasik và Prayagraj, còn được gọi là Allahabad, trong hơn 12 năm.

 Một Sadhu nhảy múa để tôn thờ các vị thần Hindu tại Sangam, nơi hợp lưu của sông Yamuna, sông Hằng và sông Saraswati huyền thoại trong lễ hội Mahakumbh Mela. Ảnh: Atid Kiattisaksiri/LightRocket qua Getty.

Một Sadhu nhảy múa để tôn thờ các vị thần Hindu tại Sangam, nơi hợp lưu của sông Yamuna, sông Hằng và sông Saraswati huyền thoại trong lễ hội Mahakumbh Mela. Ảnh: Atid Kiattisaksiri/LightRocket qua Getty.

Lễ hội Mahakumbh Mela diễn ra tại nơi hợp lưu linh thiêng của sông Hằng, sông Yamuna và dòng sông Saraswati huyền thoại. Nhưng thời điểm chính xác diễn ra sự kiện ngoạn mục này không chỉ được quyết định bởi lịch mà còn liên quan đến các vì sao và hành tinh, tùy thuộc vào sự liên kết chiêm tinh của Mặt trời, Mặt trăng và Sao Mộc.

Điều khiến lễ hội Mahakumbh Mela ngày càng trở nên phổ biến trên khắp thế giới và thu hút hàng trăm triệu tín đồ tham gia là bởi câu chuyện bắt nguồn từ thần thoại Hindu. Người ta kể rằng, trong quá trình khuấy động đại dương, được gọi là "Samudra Manthan", một bình "Amrit" (mật hoa) đã xuất hiện. Bất kỳ ai uống mật hoa đều trở nên bất tử, vì vậy các vị thần và ác quỷ đã chiến đấu với nhau để giành lấy bình mật hoa. Trong khi Chúa Vishnu mang hình dạng của Mohini Avatar, mang đi bình mật hoa đi, một số giọt đã rơi xuống bốn địa điểm: Haridwar, Allahabad, Ujjain và Nashik. Người ta đã tin rằng, những địa điểm này có sức mạnh tâm linh và việc ngâm mình trong làn nước của chúng dịp lễ hội Mahakumbh Mela được cho là có thể rửa sạch tội lỗi và mang lại phước lành.

Lễ hội Mahakumbh Mela 2025 diễn ra từ ngày 13/1- 26/2/2025 tại thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Getty.

Lễ hội Mahakumbh Mela 2025 diễn ra từ ngày 13/1- 26/2/2025 tại thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Getty.

Những buổi tẩy trần này diễn ra hàng ngày, tuy nhiên, những ngày tẩy trần được trân trọng nhất được gọi là Shahi Snan hay “tẩy trần Hoàng gia”. Trong Lễ hội Mahakumbh Mela Kumbh 2025, những ngày “tẩy trần Hoàng gia” là ngày 14/1, 19/1 và 3/2.

Mặc dù lễ hội xoay quanh nghi lễ tẩy trần, nhưng vẫn có vô số truyền thống, nghi lễ và các hoạt động tôn giáo khác diễn ra. Chẳng hạn, lễ hội cũng đánh dấu một số ít dịp mà các sadhu - những người đàn ông thánh thiện của Ấn Độ giáo, rời khỏi tu viện và tiếp xúc với công chúng. Vì vậy, nhiều người hành hương đến đây để tìm kiếm sự hướng dẫn và chỉ bảo về mặt tâm linh từ các sadhu. Các sadhu thường truyền đạt những lời dạy tâm linh sâu sắc cho những người hành hương tụ họp, tham gia các cuộc thảo luận triết học và đưa ra lời khuyên về các vấn đề tâm linh cũng như thực hành tôn giáo.

Mahakumbh Mela là lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới. Đối với nhiều người, việc tham dự lễ hội Mahakumbh Mela là trải nghiệm có một không hai và là một cột mốc tâm linh quan trọng trong đời. Ảnh: Frédéric Soltan/Corbis qua Getty.

Mahakumbh Mela là lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới. Đối với nhiều người, việc tham dự lễ hội Mahakumbh Mela là trải nghiệm có một không hai và là một cột mốc tâm linh quan trọng trong đời. Ảnh: Frédéric Soltan/Corbis qua Getty.

Mahakumbh Mela không chỉ là nghi lễ; mà còn là biểu tượng mạnh mẽ của đức tin, sự đoàn kết và lòng sùng kính. Sự kiện này quy tụ mọi người từ mọi tầng lớp xã hội, tạo nên cảm giác cộng đồng và gắn kết; các hoạt động tâm linh và cảm giác sùng kính sâu sắc vang vọng khắp các nền văn hóa và thế hệ. Thậm chí, đối với nhiều người, việc tham dự lễ hội Mahakumbh Mela là trải nghiệm có một không hai và là một cột mốc tâm linh quan trọng trong đời.

Huyền Chi

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-kho-tin-nhung-co-that/la-ky-le-hoi-linh-thieng-12-nam-mot-lan-o-an-do-i756524/