Nhịp sống làng chài Xương Điền những ngày cuối năm
Ở làng chài Xương Điền, người dân hầu hết đều làm nghề biển, có gia đình đã truyền đến 3 - 4 đời. Một ngày đánh bắt gần bờ của ngư dân thường bắt đầu từ giữa đêm về sáng. Những ngày cuối năm, những chuyến ra khơi càng đều đặn hơn. Mỗi chuyến thuyền về, những người phụ nữ nhịp nhàng tách những con cá tôm lấp lánh vẩy trắng dưới ánh mặt trời ra khỏi lưới và phân loại vào từng rổ. Chị Nguyễn Thị Huyền ở xóm 8 đến bãi từ tờ mờ sáng để đón thuyền cá của chồng sau một đêm ra khơi đánh bắt, là công việc thường ngày của bao người phụ nữ khác ở làng chài.
Sinh ra trên vùng đất ven biển, ngay từ bé chị Huyền đã theo mẹ ra bờ biển đón bố trở về sau những chuyến ra khơi. Đến khi trưởng thành, chị lấy chồng cùng làng và tiếp tục bám biển. Ngày qua ngày, cả gia đình sống nhờ biển, con cái học hành cũng từ nguồn lộc biển. Vợ chồng chị mong cho mỗi ngày đều trúng được cá, tôm kha khá đủ sống, đủ nuôi gia đình là hạnh phúc. Thấy chiếc thuyền quen thuộc của chồng cập bến, chị Huyền vội chạy đến phụ chồng di chuyển thuyền vào sâu trong bãi cát. Vừa trò chuyện hỏi han, vợ chồng chị cùng nhau gỡ những con cá, tôm mắc đầy trong lưới. Chị Huyền tâm sự: “Cái nghề này vất vả nhưng chúng tôi vẫn bám trụ bao nhiêu năm nay, lấy công làm lãi, chỉ cần chiếc thuyền nhỏ hoặc chiếc thúng (mủng), mái chèo là có thể ra khơi. Năm nay, dù kinh tế đều khó khăn chung, nhưng gia đình tôi vẫn dành dụm được một ít tiền để sắm quần áo mới cho con, mua đồ Tết. Cả năm vất vả rồi, phải cho gia đình có một cái Tết ấm no, vui vẻ”.
Dân làng chài Xương Điền chủ yếu đánh bắt gần bờ. Tuy cá tôm nhỏ, giá không cao nhưng cứ mỗi chuyến ra khơi trở về đều có hải sản để thương lái thu mua. Mỗi ngày ra khơi, mỗi gia đình đều kiếm được vài trăm đến vài triệu đồng để trang trải cuộc sống. 9 giờ sáng, thuyền của ông Nguyễn Văn Tiến cập bến sau chuyến ra khơi lúc 4 giờ sáng. Hơn 40 năm theo nghề biển, trước đây ông ra khơi vào nửa đêm về sáng nhưng hiện nay do tuổi cao nên giờ ra biển cũng muộn hơn. Mấy hôm nay do thời tiết thuận lợi nên lượng tôm, cá mà ô Tiến đánh bắt được cũng tương đối và được người dân thu mua ngay sau khi thuyền cập bến. Nếu thời tiết thuận lợi, gặp được luồng cá tôm thì sẽ bán được từ 1 đến 3 triệu đồng, chuyến ít cũng được 500 đến 1 triệu, trừ mọi chi phí được 300 nghìn đến trên dưới 1 triệu đồng.
Theo ông Tiến, hiện nay nhiều ngư dân chọn đánh bắt gần bờ bởi đánh bắt xa bờ chi phí nhiên liệu cao, hải sản cũng ít dần cùng với những rủi ro khi lênh đênh trên biển. Đánh bắt khu vực cận bờ khoảng 3 hải lý, tuy ít thời gian lại an toàn hơn nhưng nhiều chuyến ra khơi cũng tiềm ẩn không ít vất vả, hiểm nguy. Trung bình mỗi chiếc thuyền ra khơi chỉ có một người, vừa điều khiển thuyền, thả lưới, thu lưới và ứng phó với tình huống bất thường trên biển. Có những hôm ra khơi trời nổi dông gió, sấm sét, sóng to gió lớn, các thuyền viên lại hò nhau thắt lại phao cho chắc chắn và chia sẻ, đoàn kết vượt qua. Sau mỗi lần ra khơi, lưới đánh cá tôm thường bị rách, mỗi năm phải thay 2 lần. Mỗi lần thay giá xấp xỉ từ 5 đến 10 triệu đồng. Chỉ những ngày thời tiết xấu các thuyền viên mới nghỉ không ra khơi. Cá tôm ngày một ít dần, giá dầu, ngư cụ lên cao nên thu nhập của các thuyền không được là bao. Tuy nhiên, với những người dân nơi đây, biển là nguồn sống, dù nghề khai thác biển bấp bênh, có những rủi ro nhưng vẫn một lòng gắn bó với biển, với quê hương.
Theo dân làng kể lại, cách đây hơn 70 năm, làng Xương Điền nằm ở xa mãi ngoài khơi, cách con đê biển hiện tại tới mười mấy cây số. Ngày ấy, đê biển được đắp bằng đất, trải qua bao phen sóng biển dập dồn, làng phải lui dần vào trong, tới lần thứ ba mới yên ổn. Làng xưa giờ là bãi biển, thành bến cá cho thuyền về. Ngôi nhà thờ cũ giờ được gọi là nhà thờ đổ, vẫn hiện diện như một phần lịch sử của làng chài cổ. Hiện cả làng có khoảng hơn 100 thuyền (mủng) lớn nhỏ. Đa phần người trong làng chài này ở thị trấn Cồn. Hầu hết ngư dân đi biển đánh bắt gần bờ bằng những phương tiện đánh bắt thô sơ, các thuyền nhỏ chỉ đủ vừa một, hai người ra khơi. Cuộc sống và thu nhập của họ phụ thuộc vào những ngày ra khơi nên mỗi chuyến thuyền cập bến, nhìn nét mặt của mỗi ngư dân có thể đoán được kết quả sau thời gian lênh đênh trên biển. Mỗi thuyền, mủng trở về không đem lại kết quả giống nhau, cũng không chuyến nào giống chuyến nào nhưng đều có thu nhập. Sau chuyến đi biển, những con thuyền sẽ được ngư dân đẩy lên tập trung tại bến và trở về nhà nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Lúc này nhịp sống tại bãi biển lại trở về trạng thái bình yên, chỉ còn nghe thấy tiếng sóng vỗ rì rào. Qua năm tháng, đến nay làng chài Xương Điền đã “thay da đổi thịt”, đời sống ngư dân đang ngày một khấm khá lên.
Những ngày cuối năm, mặc cho cái rét nơi đầu sóng ngọn gió, ngư dân nơi đây vẫn miệt mài ra khơi đánh bắt thủy sản. Tất cả đều kỳ vọng ngày cuối năm sẽ thu được nhiều “lộc biển” trở về để có tiền trang trải cuộc sống, đón một cái Tết cổ truyền thật tươm tất và không ngừng hy vọng về một năm mới thời tiết thuận hòa cho những chuyến vươn khơi bám biển bội thu./.
Bài và ảnh: Hồng Minh