Lạ lùng không đâu trả lương công chức như Việt Nam
Những nghịch lý, bất cập trong việc trả lương công chức ở Việt Nam đã được nêu ra tại Hội thảo...
Những nghịch lý, bất cập trong việc trả lương công chức ở Việt Nam đã được nêu ra tại Hội thảo Cải cách chính sách tiền lương (CCCSTL) kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam do Ban Chỉ đạo về CCCSTL, BHXH và ưu đãi người có công tổ chức ngày 13/12.
Nghịch lý lương chỉ có ở Việt Nam
Dẫn ra kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, ông Changhee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cho hay, tất cả các nước này đều chi trả tiền lương theo vị trí việc làm và hiệu suất công việc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chính sách chi trả tiền lương, đặc biệt trong khu vực công đã có rất nhiều phức tạp.
“Hiện tượng chỉ xảy ra ở Việt Nam mà chưa từng thấy ở quốc gia nào. Ví như người có cấp bậc/vị trí cao hơn, song lại hưởng mức lương thấp hơn so với người có cấp bậc/vị trí thấp hơn. Chính sách tiền lương không sắp xếp hợp lý trong quan hệ cấp bậc có thể gây hại đến mối quan hệ làm việc hiệu quả trong một đơn vị nhất định với thẩm quyền thiếu rõ ràng; làm hỏng hoạt động hiệu quả của công chức”, ông Changhee Lee nêu vấn đề .
Từ tháng 12/1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần, từ 120 nghìn đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,83 lần, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5,9 lần. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp được điều chỉnh tăng cao hơn theo định hướng chỉ đạo của Trung ương; từ ngày 1/1/2018 ở mức 2.760.000 - 3.980.000 đồng/tháng tùy theo địa bàn.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia còn chỉ ra một số bất cập khác đối với lương công chức của Việt Nam như: Khoản chi phụ cấp đang chiếm tỷ lệ quá cao trong gói tiền lương; thay vì theo tính chất công việc, lương công chức lại được trả theo bằng cấp; người lao động không rõ vì sao lại được trả mức lương mình đang nhận... “Tại các nước đều có cơ quan độc lập với chính phủ thực hiện thiết kế chính sách chi trả tiền lương trong khu vực công đảm bảo thống nhất trong các khu vực, vùng. Theo đó, người lao động cũng có thể thường xuyên đóng góp cho cơ chế điều chỉnh tiền lương”, Giám đốc ILO cho biết.
Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội, sở dĩ lương công chức thấp không đủ sống bởi cách trả lương theo “đầu người” và thâm niên. Chính cơ chế này luôn gây áp lực tăng chi cho ngân sách. “CSTL của cán bộ công chức chưa phản ánh đúng giá trị lao động của loại lao động đặc biệt này do duy trì quá lâu CSTL thấp và phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Tư duy coi tiền lương là một khoản chi phí đã vi phạm nguyên lý căn bản “trả lương đúng cho người lao động là đầu tư cho phát triển”, ông Dũng dẫn giải. Mặt khác, ông Dũng cho rằng thiết kế hệ thống thang, bảng lương, mức lương đối với cán bộ công chức theo hệ số rất phức tạp, chia ra rất nhiều bậc lương nên khoảng cách giữa các bậc rất nhỏ, có tính bình quân cao.
Khẩn trương cải cách Chính sách tiền lương mới
Dẫn lại nội dung cải cách chính sách tiền lương là một trong 3 nội dung đột phá của chiến lược phát triển thời kỳ 2011-2020, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhận định: Việt Nam đã có quá nhiều thời gian để chuẩn bị; nhiều chủ trương chính sách về cải cách tiền lương cũng được đưa ra, song vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện. “Tôi rất sốt ruột khi thời gian thực hiện chiến lược chỉ còn 3 năm mà tới thời điểm này chúng ta vẫn loay hoay tìm giải pháp”, nữ chuyên gia nói. Lý giải nguyên nhân vì sao CCCSTL chưa hiệu quả, bà Lan cho biết: “Tham nhũng phổ biến khiến cho dù tiền lương chính thức thấp, công chức vẫn sống khỏe không thực sự muốn cải cách tiền lương. Hơn nữa, cách tuyển dụng sử dụng, đãi ngộ, thăng tiến, sa thải đối với công chức không tạo áp lực và động lực cho việc CCCSTL ngay trong bộ máy Nhà nước”.
Lắng nghe các kiến nghị của chuyên gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, đã tới thời điểm chín muồi thực hiện cải cách đổi mới CSTL. Phó Thủ tướng cho biết, xu hướng thế giới đang áp dụng linh hoạt 2 hình thức trả lương theo chức nghiệp và vị trí việc làm. “Với điều kiện của Việt Nam hiện nay nên lựa chọn chính sách như thế nào phải tính toán cặn kẽ”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng cũng nêu quan điểm, mức lương phải bảo đảm mức sống, có mối quan hệ tương xứng với khu vực doanh nghiệp, thị trường, không thấp hơn và không nên dùng hệ số để tính lương mà tính lương bằng tiền tuyệt đối. Ngoài ra, nên có hệ thống lương chung và dùng phụ cấp để ưu đãi đối tượng đặc thù. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các bậc lương phải đủ rộng để công chức có động lực phấn đấu, khắc phục việc chức vụ cao hơn nhưng lương thấp hơn, thứ bậc không đúng, không tạo ra động lực. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát lại các loại phụ cấp, phụ cấp nào gắn với chức nghiệp, việc làm thì tính vào tiền lương, còn phụ cấp khác thì duy trì, tránh việc phụ cấp thành thu nhập chính, phụ cấp chỉ nên chiếm khoảng 30% quỹ tiền lương, còn lại 70% là thu nhập từ lương.
Theo Phó Thủ tướng, Đề án CCCSTL cũng cần thiết kế phần thưởng trong quỹ lương và trao quyền cho người sử dụng lao động chi trả. Ngoài ra, quy định chủ trương về lương “mềm” trên cơ sở khả năng ngân sách của từng địa phương, áp dụng thực hiện trả lương cho khối hành chính cao hơn quy định như TP Hồ Chí Minh đang áp dụng.