Lạ lùng như đất nước Triều Tiên: Nói không với việc phát sóng các trận đấu của đội tuyển dù người dân nào cũng có smartphone
Ở một đất nước bí ẩn như Triều Tiên, tất cả các trận đấu đều sẽ là những hình ảnh riêng tư, và tất cả những gì người ta được biết chỉ là kết quả trận đấu sau khi nó khép lại.
Vào lúc 20h15 hôm nay (16/1), trận đấu cuối cùng thuộc khuôn khổ Bảng D vòng chung kết U23 Châu Á 2020 giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Triều Tiên sẽ diễn ra tại sân vận động Chang Arena, Buriram, Thái Lan.
Trong lúc câu hỏi về tương lai của các thầy trò HLV Park Hang-seo liệu có giành được đi tiếp vào tứ kết U23 Châu Á 2020 vẫn chưa có lời giải đáp, thì một bộ phận người hâm mộ lại đổ dồn sự chú ý về Triều Tiên, đất nước vẫn thường được gọi là xứ sở “bí ẩn” và gần như hoàn toàn cách biệt với phần còn lại của thế giới.
Do lượng thông tin về Triều Tiên là khá hạn hẹp, thế nên điều này khiến không ít người đặt câu hỏi người dân tại đây sống như thế nào, có giống phần còn lại của thế giới hay không?
Dưới đây là một số thông tin ấn tượng được News.Joins và Business Insider đăng tải, hé mở cuộc sống của người dân ở quốc gia thuộc diện khép kín nhất thế giới này.
Không phát sóng trực tiếp các trận đấu của đội tuyển
Theo tờ News.Joins của Hàn Quốc, ở một đất nước bí ẩn như Triều Tiên, tất cả các trận đấu tại đất nước của họ, dù thuộc Liên đoàn bóng đá châu Á hay kể cả là vòng loại World Cup đều sẽ là những hình ảnh riêng tư, và tất cả những gì người ta được biết chỉ là kết quả trận đấu sau khi nó khép lại.
Theo một nguồn tin từng tiết lộ, từ năm 2010, sau thất bại kinh hoàng 0-7 trước Bồ Đào Nha, các trận đấu của tuyển Triều Tiên không còn được phát sóng trực tiếp. Nếu không phải chiến thắng, ngày hôm sau trên các trang báo chỉ có vài dòng vắn tắt tầm 50 chữ về trận đấu.
Gần như không có ai dùng Internet
Ở Triều Tiên vẫn có Internet, nhưng việc sử dụng nó tại đây thì khá hạn chế. Hầu hết người Triều Tiên sử dụng một mạng lưới Internet nội bộ tên là Kwangmyong. Vào năm 2015, Triều Tiên đã có trang mạng hỗ trợ mua sắm trực tuyến đầu tiên tên là Okryu.
Có cả mạng xã hội giống như Facebook
Một nhà nghiên cứu của Dyn Networks có tên Doug Madory từng tiết lộ, Triều Tiên có một mạng xã hội riêng với nhiều chức năng và giao diện tương đối giống Facebook.
Nó cho phép người dùng đăng kí tài khoản bằng email và trao đổi các tin nhắn trên tường của nhau. Business Insider cho biết mạng xã hội này từng bị hack vì quản trị viên dường như đã sử dụng một tên đăng nhập và mật khẩu… mặc định.
Cứ 10 người Triều Tiên thì một 1 có điện thoại thông minh
Nhà mạng Koryolink từng công bố số liệu cho biết tại Triều Tiên có khoảng 3 triệu thuê bao di động. Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết nhà mạng di động chính của Triều Tiên Koryolink không hỗ trợ các cuộc gọi quốc tế.
Máy tính cá nhân chỉ dành cho người giàu
Số người dân Triều Tiên sở hữu máy tính cá nhân thì ít hơn, chỉ khoảng vài trăm nghìn, theo Andrei Lankov, tác giả cuốn cuốn sách “The Real North Korea.”
Máy tính ở đây thường chỉ được sử dụng bởi giới những người giàu có hoặc giới học thuật, ví dụ như sinh viên tại các trường Đại học như Đại học Bình Nhưỡng. Tại nhiều quán cà phê hay trường học cũng có máy tính nhưng việc sử dụng khá hạn chế.
USB là một phụ kiện thời trang
Máy tính cá nhân ở Triều Tiên hiếm đến mức những người dân thủ đô sử dụng USB như những phụ kiện thời trang, thay vì phụ kiện công nghệ.
Máy tính sử dụng hệ điều hành dựa trên Linux và giao diện khá giống macOS của Apple
Triều Tiên phát triển một hệ điều hành máy tính cá nhân của riêng mình với tên gọi Red Star (tạm dịch: Sao Đỏ). Hệ điều hành này có ứng dụng xử lý văn bản, lịch năm và dịch vụ chơi nhạc. Giao diện của Red Star, không khó nhận ra, với nhiều đặc điểm từ hệ điều hành máy tính của Apple.
Máy tính bảng cũng có nhưng không rẻ
Theo Business Insider, Woolim là một trong những chiếc máy tính bảng đầu tiên tại Triều Tiên, được ra mắt vào năm 2016. Mặc dù được sản xuất tại Trung Quốc với giá không quá cao, chiếc máy này vẫn nằm xa tầm tay của nhiều người Triều Tiên.
Người dùng chỉ có thể lựa chọn giữa hai nhà mạng
Nhà mạng lớn nhất tại Triều Tiên là Koryolink. Ban đầu đây là một liên doanh giữa công ty viễn thông Ai Cập Orascom và chính phủ. Một đối thủ của nhà mạng này là Byol cũng được cho là thành lập vào năm 2015 với nguồn vốn do chính phủ đầu tư.