Lá mơ lông là vị thuốc quý vườn nhà: Trị đau dạ dày, nhức xương khớp và nhiều bệnh khác
Lá mơ lông được sử dụng phổ biến như một loại rau ăn kèm với nhiều món ăn như: thịt chó, gỏi, cá, nem thính… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tác dụng chữa bệnh của lá mơ lông đối với sức khỏe của chúng ta.
Lá mơ lông – vị thuốc quý vườn nhà
Lá mơ lông rất dễ phân biệt với những loại rau khác. Lá có hai mặt, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tím, có lông nhỏ trên các gân lá. Khi vò nhẹ lá có mùi hăng, hơi hôi, ăn có vị hơi đắng. Lá mơ lông còn có các tên gọi khác như mơ tam thể, lá thúi địch…
Lá mơ lông là cây thân leo, trồng rất dễ và nhanh phát triển, là loại cây thường có ở vườn nhà và cũng bán rất nhiều ở những hàng rau ngoài chợ. Lá mơ lông thường được dùng để ăn kèm với những món ăn nhiều đạm như: nem chạo, nem thính, thịt chó, gỏi cá…
Tuy nhiên, công dụng của lá mơ lông vượt ra phạm vi ẩm thực bởi vì nó không chỉ dùng để làm gia vị hoặc chế biến các món ăn ngon mà còn là vị thuốc dân gian rất hữu ích có sẵn trong vườn nhà, có công dụng chữa bệnh rất hiệu quả.
Theo Y học cổ truyền Việt Nam: Lá Mơ lông vị chua, tính bình, có công năng trừ phong hoạt huyết, chỉ thống giải độc, tiêu thực đạo trệ, trừ thấp tiêu thũng thường được dùng để chữa các chứng phong thấp (đau khớp), phúc thống (đau bụng), lỵ tật (kiết lỵ), phù thũng, thực tích (đầy bụng, chậm tiêu), cam tích (trẻ em suy dinh dưỡng), can tỳ thũng đại (gan, lách to), trúng độc, thoát giang (sa trực tràng), bối ung (mụn nhọt mọc ở lưng), bạch đới (khí hư), thương tổn do trật đả…
Theo nghiên cứu của Tây y: chiết xuất của lá mơ, dây mơ có khả năng chống viêm, làm gairm tác động tiêu cực của thuốc tân dược điều trị tiêu chảy, chống co thắt, chống giun sán, giúp giảm cơn ho và có thành phần chống oxy hóa.
Các bài thuốc chữa bệnh từ lá mơ lông
Mời quý bạn đọc cùng tham khảo các bài thuốc quý dùng để trị bệnh từ lá mơ lông sau đây:
1. Lá mơ lông chữa đau dạ dày
Theo Th.s Nguyễn Hồng Thạch (Hội Đông y TP Hà Nội) thì lá mơ lông có thể chữa được đau dạ dày, điều này không phải ai cũng biết. Lá mơ lông được coi như một loại kháng sinh thực vật, hoàn toàn lành tính, có tác dụng tiêu diệt những ký sinh trùng gây hại trong đường ruột.
Bài thuốc chữa đau dạ dày như sau
Lấy khoảng 20-30g lá mơ rửa sạch giã nát rồi vắt lấy nước ép rồi uống 1 lần trong ngày. Tùy vào tình trạng bệnh mà hiệu quả sẽ nhanh hay chậm. Với các trường hợp nhẹ thì thường thì sau vài ngày thực hiện sẽ cảm thấy các triệu chứng đau dạ dày sẽ thuyên giảm đáng kể.
Tuy nhiên, trong quá trình uống thuốc, người bệnh cần tuyệt đối kiêng ăn đồ cay nóng, sử dụng chất kích thích, hạn chế thức đêm và ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ.
2. Lá mơ lông trị bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp
Những người cao tuổi thường hay mắc phong thấp, xương khớp đau, nhức, mỏi khi thời tiết thay đổi có thể dùng lá mơ lông làm thuốc với 3 cách sau để giảm đau rất tốt.
Cách 1: Lá mơ lông sắc lấy nước uống, có thể lấy cả thân lá cây đều được.
Cách 2: Giã dập lá mơ lông rồi cho vào tách, đổ nước sôi, hãm như trà. Sau đó, rót nước ra một cái cốc và cho thêm rượu vào để uống. Rượu có tác dụng dẫn thuốc chạy khắp cơ thể giúp giảm đau nhanh hơn.
Cách 3: Lấy cả phần thân và lá mơ lông đem phơi khô rồi băm nhỏ. Sau đó dùng 1kg lá mơ lông khô ngâm với 2 lít rượu, ngâm trong 10 ngày là uống được. Rượu này có thể trong uống ngoài xoa. Mỗi ngày uống 1 đến 2 ly nhỏ và đem xoa bóp ở vùng xương khớp bị đau nhức.
3. Lá mơ lông chữa chứng kiết lỵ
Kiết lỵ là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do khuẩn amip hoặc do vi khuẩn Shigella. Hầu hết nhiễm trùng ở dạng mang mầm bệnh không triệu chứng, một số biểu hiện ở dạng tiêu chảy nhẹ kéo dài, hoặc trầm trọng hơn là lỵ tối cấp.
Triệu chứng: Người bệnh có thể sốt nhẹ nhưng chủ yếu là đau quặn bụng, mót rặn. Phân ban đầu còn lỏng, sau toàn nhầy và máu, ngày đi 5-10 lần. Người mệt mỏi, khó chịu, chướng bụng.
Bài thuốc lá mơ lông trị kiết lỵ:
Lá mơ lông 100g rửa sạch, thái chỉ, trộn với 1 cái lòng đỏ trứng gà sau đó gói vào một tấm lá chuối rồi đem nướng chín trên than. Nếu không có sẵn lá chuối thì bạn chỉ cần áp chảo cho chín, không cần cho thêm dầu mỡ và gia vị gì hết, cho đến khi món trứng lá mơ này chín là được. Ăn ngày 2 lần, liên tục trong vòng 3- 5 ngày cho đến khi khỏi bệnh.
Trường hợp bị kiết lỵ mới phát do đại tràng tích nhiệt thí̀ lấy một nắm lá mơ và một nắm lá phèn đen, cả hai rửa sạch, nhúng qua nước sôi, vẩy khô, giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Uống 2-3 lần/ngày.
Ngoài ra, có thể dùng lá mơ lông để điều trị chứng tiêu chảy ra máu với bài thuốc như sau: 6g mơ tam thể; 6g rau sam, 6g cây cứt lợn; 4g xuyên tâm liên; 16g đọt cà ăn quả. Cho tất cả các vị thuốc trên vào nồi với 3 bát nước, sắc lấy 1 bát nước uống lúc nước còn nóng, ngày 2 lần uống.
4. Mơ lông trị suy dinh dưỡng
Trẻ em hoặc người lớn khi bị suy dinh dưỡng thì áp dụng bài thuốc sau: 20gr rễ mơ lông rửa sạch, cắt khúc nhỏ. 1 cái dạ dày (bao tử heo) rửa sạch, khử mùi hôi. Đem rễ mơ lông và dạ dày heo hầm thật nhừ, cho thêm chút gia vị cho vừa ăn. Không nên lạm dụng ăn quá nhiều mà 2 tháng mới ăn một lần.
5. Mơ lông trị ho gà
Nếu bạn đang đi tìm cho mình hoặc người thân trong gia đình một bài thuốc nam an toàn, hiệu quả trị ho gà thì thật may mắn, các triệu chứng của bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm nếu bạn áp dụng theo bài thuốc dưới đây.
Các vị thuốc bạn cần chuẩn bị bao gồm:
150gr mỗi vị gồm lá mơ lông, cảm thảo dây.
Cỏ mần trầu, rễ chanh, bách hộ, cỏ nhọ nồi, rau má, mỗi vị thuốc 250gr.
Trần bì 100gr kết hợp với 50gr gừng và một ít đường kính.
Rửa sạch toàn bộ nguyên liệu, cho vào nồi, đổ thêm 6 lít nước nấu sôi, canh sao cho lượng nước bên trong còn 1 lít, chắt lấy nước, chia thành 3 lần uống trong ngày. Áp dụng trong vài ngày, bạn sẽ thấy ngay hiệu quả.
6. Chữa chứng bí tiểu tiện
Tác dụng của lá mơ lông rất tốt trong việc chữa chứng bí tiểu, lấy lá mơ tươi sắc uống ngày 2 - 3 lần.
7. Chữa viêm tai giữa ở trẻ
Hơ lá mơ lông (đa rửa sạch, để khô) trên lửa cho nóng rồi vò lá và nhét vào tai trẻ, để qua đêm đến sáng mới lấy ra. Lá mơ sẽ hút hết mủ có trong tai, trẻ sẽ hết đau.
8. Trị giun sán
Giã nát 50g lá mơ lông tươi, vắt lấy nước, thêm một chút muối, uống vào buổi sáng lúc đói. Hoặc lấy cả lá và ngọn mơ cho vào nước sôi để nguội, trước khi đi ngủ dùng nước này thụt hậu môn sẽ trị được giun kim.
9. Chống co giật
Tác dụng của lá mơ lông trong việc chống co giật: giã nát 1 nắm lá mơ tươi, thêm 1 bát nước ấm rồi vắt lấy nước, lọc bã, uống 1 lần trong ngày, trước bữa tối.