Lá ngón, tên gọi của 'tử thần'
Thông tin 2 vợ chồng nguy kịch ở Nghệ An nguy kịch vì uống nước lá ngón khiến nhiều người không khỏi xót xa, thương cảm. Nhiều năm qua, tình trạng ngộ độc lá ngón đã và đang là vấn nạn tại các địa bàn miền núi Nghệ An.
Lá ngón không những quen thuộc với người dân miền núi mà cũng khá phổ biến bởi đây là căn nguyên gây ra nhiều ca tử vong bởi sự bất cẩn hoặc thiếu hiểu biết của người dân. Hàng năm, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa không ít thông tin liên quan đến các ca ngộ độc, thậm chí tử vong do ăn nhầm lá ngón.
Các ca ngộ độc lá ngón không chỉ xảy ra ở trẻ em mà ngay cả người lớn cũng không loại trừ. Tại các tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và một số huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh… các bệnh viện thường xuyên phải cấp cứu các trường hợp đáng tiếc nói trên.
Những cái chết vì sự vô tình
Ngày 12/7, tại bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Vị Xuyên, Hà Giang đã tiếp nhận và cấp cứu cho các trường hợp ngộ độc do ăn nhầm lá ngón. Nhóm 5 người này đi hái rau rừng, nhưng đã hái nhầm lá ngón vì tưởng là lá chua.
Sau khi ăn xong, các bệnh nhân thấy buồn nôn, tê chân tay, miệng và gọi người nhà để gọi xe cấp cứu của bệnh viện lên đón. BVĐK Vị Xuyên điều động ngay xe cứu thương lưu động đến hiện trường và đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Tuy nhiên, khi xe cứu thương tới nơi thì ba người đã tử vong, hai người còn lại được nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, hai bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc lá ngon giờ thứ 4. Các bệnh nhân được cấp cứu rửa dạ dày, truyền dịch. Hai bệnh nhân này đã xuất viện và trở về nhà.
Trước đó, vào tháng 5/2019, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Cạn tiếp nhận bốn bệnh nhân ở huyện Ba Bể bị ngộ độc lá ngón rất hy hữu. Chủ nhà hay tin khách đến chơi nhà và muốn tiếp khách bằng đặc sản rau rừng, nên đã lên dãy núi sau nhà hái rau rừng về đãi khách.
Không ngờ, rau rừng đó lại là lá ngón. Sau khi ăn 10 phút, cả bốn người có biểu hiện buồn nôn, choáng váng, vật vã. Bốn nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại trung tâm y tế huyện, sau đó được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh để tiếp tục điều trị.
Tương tự như trường hợp trên, các bác sĩ ở BVĐK huyện Mộc Châu ngoài việc xử lý nhiều trường hợp ngộ độc lá ngon do tức mâu thuẫn chuyện gia đình nên ăn lá ngon tự tử, các bác sĩ cũng tiếp nhận không ít ca ngộ độc ở trẻ em.
Với người lớn, việc phân biệt lá ngón còn khó, thì trẻ em là điều khó hơn nhiều. Các bác sĩ của bệnh viện Mộc Châu cho hay, hai em bé người H’Mông đi chơi trên đường nhìn thấy khóm cây hoa rất đẹp mọc bên đường, hai bé đã rủ nhau ăn thử 3 lá, ăn vào thấy đau bụng, buồn nôn, khó thở… Khi bố mẹ phát hiện con có biểu hiện lạ, hỏi con thì được hai bé đưa lá ngón ra, liền đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Rất may, các bé sau đó đều qua khỏi.
Hiện nay, đa số người dân đã hiểu rõ về độc tính của lá ngón, tuy nhiên, các ca ngộ độc vẫn xảy ra do loại lá này dễ nhầm lẫn với các cây rau ăn được.
Các bác sĩ trực tiếp điều trị khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ về đặc điểm nhận dạng của loại cây này để tránh việc nhầm lẫn dẫn đến ngộ độc lá ngón.
Độc tính của lá ngón
Ở Việt Nam, lá ngón được coi là một trong bốn loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuộc độc bảng A) gồm: cây củ chi, lá ngón, trúc đào và cây sui. Chỉ ăn 3 lá ngón sẽ tử vong ngay lập tức.
Lá ngón, hay còn gọi ngón vàng, thuốc rút ruột là một loại cây dây leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hình mác, cuống nhọn, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12cm, rộng 2,5-5,5cm. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá, cánh hoa màu vàng. Mùa hoa vào tháng 6, 8, 10. Quả một nang, màu nâu, hình thon, dài 1 cm, rộng 0,5 cm.
Theo Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai: Lá ngón là loại cây có độc tính cao, thường mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngộ độc lá ngón xuất hiện nhanh, nặng và dễ tử vong.
Trong lá ngón có chứa một chất kịch độc có thể ngay lập tức gây ra cái chết, đó chính là hoạt chất cực độc alkaloid, một loại độc tố nguy hiểm. Các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Alkaloid là những hợp chất hữu cơ có chứa dị vòng nitơ, có tính bazơ, thường gặp ở trong nhiều loài thực vật ; đôi khi còn tìm thấy trong một vài loài động vật. Alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid đủ chất độc gây chết người.
Nghiên cứu về lá ngón được tiến hành tại Khoa Sinh, Đại học Đà Lạt cho thấy, giã lá ngón thành nước (10g lá, 10ml nước) cho chuột uống 3 giọt, sau 9 phút chuột chết vì co giật. Ăn ba lá hoặc một lá với một chút rượu sẽ chết.
Chuyên gia lưu ý lá ngón không những rất giống mà còn mọc gần nhiều cây thuốc và rau ăn nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn gây hậu quả chết người.
Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, sau đó dẫn đến mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.
Cách nhận biết lá ngón
Theo các tài liệu cổ, lá ngón là một loại dây mọc leo thân quấn thường xanh dài tới 12m, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc.
Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hoặc hơi từ, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12 cm, rộng 2,5-5,5 cm.
Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Mùa hoa tháng 6, 8, 10.
Quả là một nang, màu nâu hình thon, dài một cm, rộng 0,5 cm. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt, hình thận.
Sơ cứu ngộ độc lá ngón
Khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phương pháp xử trí ban đầu hết sức quan trọng, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như: gây nôn, uống đầy nước, móc họng để kích thích gây nôn.
Sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch. Khẩn trương vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu điều trị giải độc. Tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong.
Hiệu quả cấp cứu chỉ khi được thực hiện sớm dưới 1h.Tuy nhiên, hiện nay do thiếu hiểu biết, các vụ tự tử hoặc đầu độc bằng lá ngón xảy ra khá nhiều, đặc biệt trên các tỉnh vùng núi. Khi đó, khả năng cứu sống nạn nhân khó đạt 100% do không thể sơ cứu kịp thời, đúng lúc.
Bác sĩ cũng lưu ý việc gây nôn chỉ tiến hành khi bệnh nhân mới ăn xong, bệnh nhân tỉnh, hợp tác. Chỉ dùng biện pháp cơ học (kích thích họng), không dùng thuốc gây nôn vì đến khi thuốc có tác dụng, bệnh nhân nôn thì có thể bệnh nhân bị liệt hầu họng, co giật rất dễ sặc phổi.
Để phòng ngừa ngộ độc lá ngón, biện pháp hữu hiệu nhất là nên chặt bỏ tất cả những cây lá ngón được tìm thấy. Phần lớn bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón là do tự tử hoặc bị đầu độc. Cần phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, stress… là nguyên nhân gây tự sát. Không nên để những người này tiếp cận với lá ngón.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/la-ngon-ten-goi-cua-tu-than-n178602.html