Lá rụng về cội
Hôm đó, mẹ nghe điện thoại ngoài quê, thông báo với cả nhà, thím Lan bệnh rất nặng, khó qua khỏi. Thấy mẹ nước mắt ngắn dài, thằng út ngơ ngác: 'Thím Lan là thím nào nhỉ?'.
Chỗ chúng tôi đang ở, có nhiều người được gọi là thím, thím Hợi bán rau, thím Hường làm nước đá, thím Sang vựa trái cây… Chắc thằng út nhầm mấy thím không máu mủ này với người thím ruột sống ở quê. Nơi mà ngày xưa, dù khó khăn, bố mẹ vẫn gom góp tiền mua bằng được mấy vé xe Bắc - Nam chật như nêm cho các con về để “khỏi mất gốc”.
Nhưng ngược lại, những người quanh năm sống sau lũy tre làng như chờ đợi đám con cháu ở xa mang về một chút mới mẻ. Họ vây quanh chị em tôi chỉ để chờ xem chúng tôi nói giọng Nam ra sao, rồi buông một câu nghe chừng hụt hẫng: “Tưởng thế nào, vẫn giọng Bắc đặc sệt”.
Có lẽ, các ông trẻ, bà già không hình dung được, bố mẹ đã tỉ mỉ giữ gốc gác cho những đứa con sinh ra và lớn lên giữa xứ toàn người Nam. Bố dạy chúng tôi cái muỗng quê mình gọi là thìa, cái vá là muôi, cái chén là bát, người lớn gọi phải vâng chứ không dạ và tuyệt đối không được kêu thối tiền…
Dù vậy, khoảng cách địa lý hơn hai ngàn cây số làm nhiều thứ rơi rụng dần. Những bữa cơm nhà tôi có cả thìa lẫn muỗng, chị em í ới dọn chén ra ăn nhưng ăn xong thì chia nhau rửa bát.
Những người hàng xóm gọi gia đình tôi là Bắc kỳ lai. Lần đầu tiên tôi biết được cụm từ này nhờ con gái ông Ba Hoàng. Con bé 5 tuổi tròn mắt nghe tôi “bố ơi”, rồi nó chạy vụt đi, ghé tai cha: “Ba! Dân Bắc kỳ lai gọi ba bằng bố đó. Ngộ hén”. Tôi cứ thắc mắc hoài, sao có Bắc kỳ lai mà chẳng thấy ai nói Nam kỳ lai bao giờ. Bố bảo: “Đất lành thì chim đậu. Chẳng ai muốn xách cả nóc nhà đến cắm nơi khác nếu không vì quá khó khăn”.
Tôi thấy có gì đó chơi vơi, nhoi nhói trong mấy câu giải thích của bố. Chơi vơi như chuyến xe Bắc - Nam năm nào bố vội vã bước lên khi nghe tin bà nội ở quê ốm nặng, như gương mặt tái nhợt của mẹ lúc tấm ảnh ông bà ngoại đang treo trên tường rơi xuống đất vỡ toang vào một đêm mưa gió. Quê hương với bố mẹ lúc nào cũng quay quắt, đầy nỗi niềm.
Với thế hệ chị em tôi, dòng chữ “quê quán” trong chứng minh thư lại chẳng gợi mấy cảm xúc như bố mẹ mình. Số lần gặp “những giọt máu đào” ít ỏi không đủ gợi thương nhớ. Tôi từng thấy có lỗi vì mắt cứ khô queo khi nghe tin bà nội ngoài quê mất, nhưng khóc không ngừng vào ngày bà Năm gần nhà vẫn hay qua xin mía trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin thím Lan bệnh nặng, tôi không thấy lòng xao động bằng tin bác Tường mới phát hiện ung thư - người hàng xóm tốt bụng từng gõ cửa bao nhà quyên góp tiền cho bố tôi đi bệnh viện mổ thận.
Bố bảo, dù muốn dù không, cuộc đời mỗi người có thể sẽ phải thực hiện một vài cuộc di cư. Nhưng “lá rụng về cội”, người ta sẽ luôn hướng về nơi chôn một phần cơ thể lúc chào đời. Dù đoạn rốn đó chẳng ai nhớ nổi đã giấu dưới gốc cây nào. Ví như một đứa con gái quanh quẩn nửa đời bên bố mẹ một ngày đi lấy chồng xa, đột ngột phải tìm cái gì gần gụi giữa một vùng đất mới, giữa những người chẳng phải máu mủ ruột rà.
Một đêm giao thừa, đứa con gái bỗng dưng nước mắt trực trào nhớ điên dại bữa cơm nhà bố mẹ có cả thìa cả muỗng. Tự nhiên, cô con gái thấy mình ngớ ngẩn khi hỏi lòng, một vài năm nữa, những đứa con của “Bắc kỳ lai” sẽ đi đâu để về quê và chúng sẽ gọi ba bằng gì?
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/la-rung-ve-coi-602073.html