Lá thư gửi bà con Đất Sen Hồng
'…Lòng tốt, suy cho cùng, có được khi mình nghĩ cho người khác, đứng ở vị trí của người khác. Hãy nghĩ đến những người bị mất đi nguồn sinh kế hàng ngày. Hãy nghĩ đến người nông dân đứng ngồi không yên vì nông sản không tiêu thụ được hay tiêu thụ với giá rẻ, sau cả mùa vụ vất vả. Hãy nghĩ đến lực lượng tham gia chống dịch phải xa gia đình, chưa biết ngày gặp lại…'
Đây là tình cảm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Minh Hoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp với “nickname” thân mật là Xích Lô gửi về bà con Đất Sen Hồng trong lúc đang phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19.
Dưới đây là nội dung của bức thư.
Mùa sen Đồng Tháp. (Ảnh: Đất Sen Hồng)
Bà con Đất Sen Hồng thân mến!
Tình cảnh khó khăn không ai mong muốn lại ập đến, cơn đại dịch mang tên COVID-19 đang hoành hành trên quê hương Đất Sen Hồng. Con vi rút ác nghiệt xâm nhập vào bệnh viện, nhà máy, văn phòng, ngôi chợ, lan ra cộng đồng. Một cơn đại dịch hiểm nguy gây chết chóc như dịch bệnh cách đây vài trăm năm trước trong huyền tích Ông Bà Chủ chợ Cao Lãnh lập đàn tế trời đất, nguyện hy sinh để cứu tính mạng dân làng.
Giãn cách xã hội, phong tỏa từng khu vực, lập chốt kiểm soát, liên tiếp những quyết định khó khăn đặt ra cho lãnh đạo địa phương. Quê hương còn bao gian khó cần lắm sự bình yên để mọi người an tâm sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thu nhập nuôi sống gia đình, góp phần làm giàu mảnh đất thân yêu này. Nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc làm, chủ doanh nghiệp đứt chuỗi cung ứng. Vườn tược thiếu người chăm sóc vì giãn cách, thu hoạch khó khăn, vận chuyển, phân phối bị ách tắc, đình trệ. Phố phường im ắng, hàng quán đóng cửa, nhiều người chật vật với sinh kế hàng ngày.
Cả hệ thống ra quân, sẵn sàng đến tuyến đầu, đồng lòng “chống dịch như chống giặc”. Đội quân y tế, những chiến sĩ áo trắng tiên phong, có mặt ở những nơi hiểm nguy nhất, dễ bị lây nhiễm nhất. Những chiến sĩ áo lính yểm trợ, án ngữ nơi xung yếu, hỗ trợ hậu cần, sát cánh cùng y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, người bị cách ly. Những suất cơm ấm áp tấm lòng thiện nguyện lan tỏa nghĩa cử cao đẹp của công dân Đất Sen Hồng. Khẩu hiệu “mình vì mọi người, mọi người vì mình” được nhắc nhở nhau, xua đi thờ ơ, vô cảm. Người tốt càng muốn sống tốt hơn. Hạnh phúc đơn giản chỉ là làm một điều thật tử tế, đúng lúc, đúng chỗ. “Không có hạnh phúc trong việc sở hữu hay đón nhận, chỉ có hạnh phúc khi cho đi”.
Lòng tốt, suy cho cùng, có được khi mình nghĩ cho người khác, đứng ở vị trí của người khác. Hãy nghĩ đến những người bị mất đi nguồn sinh kế hàng ngày. Hãy nghĩ đến người nông dân đứng ngồi không yên vì nông sản không tiêu thụ được hay tiêu thụ với giá rẻ, sau cả mùa vụ vất vả. Hãy nghĩ đến lực lượng tham gia chống dịch phải xa gia đình, chưa biết ngày gặp lại. Có một câu nói hay về lòng tốt: “Ba chiếc chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện: quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác, chia sẻ cùng người khác”.
Hàng ngày cập nhật tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản các vùng miền trong cả nước, tôi vẫn luôn dõi theo thông tin từ quê nhà. Thật nặng lòng và xót xa khi nhận được những tin nhắn đầy tâm tư khi khoai lang Hòa Tân, nhãn An Nhơn, xoài, mít và nhiều nông sản khác gặp khó trong tiêu thụ, rơi vào tình cảnh rớt giá, do những diễn biến phức tạp của đại dịch. Vật tư, nguyên liệu đầu vào cho cây trồng, vật nuôi tăng giá chóng mặt, bào mòn lợi nhuận của người sản xuất, khi cả đầu vào và đầu ra đều gặp khó. Dẫu biết đó là câu chuyện bất khả kháng, cả thế giới đang chao đảo đối mặt, chứ không riêng xứ mình, nhưng vẫn thấy mình chưa hoàn thành trách nhiệm mà bà con gửi gắm. Một món nợ chưa trả xong đã thêm một món nợ khác, món nợ với hàng triệu nông dân cả nước, trong đó có bà con nông dân quê mình. Tôi quyết dốc hết sức, làm thật tốt công việc của mình.
Khi không thay đổi được thế giới chung quanh, thì phải cần thay đổi chính mình. Còn chồi, nẩy cây. Cuộc sống dù khó khăn đến mấy, cũng có một lối thoát, một hướng đi mới do chính chúng ta tạo ra. Khi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lên giá, những người nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên, những bà con trồng rau ở đồng bằng sông Hồng chuyển sang dùng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học tự làm ra. Bà con rút ra một điều rằng, phân thuốc hữu cơ, tuy không cải thiện năng suất, nhưng chi phí sản xuất giảm, chất lượng nông sản cao hơn và bán được giá cao hơn. Tính đi tính lại, lợi nhuận không giảm, có khi còn tăng hơn. Hay nói đâu xa, trong lúc các kênh phân phối, tiêu thụ truyền thống gặp nhiều khó khăn, Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp đã chủ động xây dựng gian hàng trực tuyến, ứng dụng thương mại điện tử, giúp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Bà con hãy nhìn chung quanh, hình như đâu có người nào thành công, giàu có mà cứ than thân trách phận, tìm mọi cách để biện minh phải không? Niềm tin ngay trong lúc khó khăn có thể chưa chắc sẽ đem lại thành công, nhưng chắc chắn ngồi than trách sẽ dẫn đến thất bại. Mãi quẩn quanh, đắm chìm trong cảm xúc tiêu cực sẽ làm cho cái khó càng khó hơn. Tuy nhiên, để đón nhận những thay đổi tích cực, bà con cần lắm sự đồng hành của cả hệ thống, của đội ngũ chuyên môn. Mỗi cán bộ, công chức cần xem đấy không chỉ là trách nhiệm, mà hơn hết là bổn phận san sẻ với bà con nông dân, đóng góp cho xã hội.
Sau cơn mưa, trời lại sáng. Ngày mai, hoa sen vẫn nở. Tươi tắn và bình an. Rồi đại dịch gây bao khó khăn, mất mát sẽ qua đi, để chúng ta bắt nhịp với cuộc sống bình thường mới. Xin gửi đến bà con tình cảm của người bạn đồng hành đã, đang và sẽ luôn gắn bó với những người bạn thiết thân ngày đêm chí thú tạo thêm giá trị bên bờ ao, thửa ruộng trên mảnh Đất Sen Hồng yêu thương!
Xích Lô
Nguồn: dangcongsan.vn
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/213946-la-thu-gui-ba-con-dat-sen-hong