Lá tía tô nấu nước uống có tác dụng gì?
Lá tía tô không chỉ là loại rau gia vị mà còn là thảo dược tốt cho sức khỏe, vậy lá tía tô nấu nước uống có tác dụng gì?
Tổng quan về cây tía tô
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời Lương y Trần Đăng Tài - Phó Chủ tịch Hội Đông y Thị xã Thái Hòa - Nghệ An cho biết, tía tô còn gọi là tử tô, tô diệp, tử tô tử, tô ngạnh. Tên khoa học của chúng là Perilla ocymoi, thuộc họ hoa môi (Labiatae). Tía tô được trồng ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, người dân dùng tía tô như một loại gia vị và làm thuốc.
Theo tài liệu cổ tía tô vị cay, tính ôn, vào hai kinh phế và tỳ. Tía tô tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung, giải uất, hóa đờm, an thai giải độc của cua cá. Thông thường dùng lá tía tô (tô diệp) tác dụng làm cho ra mồ hôi, chữa ho, giúp sự tiêu hóa, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo. Chúng còn giúp chữa bị ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn cá cua.
Cành tía tô (tô ngạnh) có tác dụng an thai. Quả tía tô (Tử tô tử) chữa ho, trừ đờm, hen suyễn, tê thấp. Liều dùng hàng này: lá và hạt ngày uống 5 - 15g, cành ngày uống 15 - 30g dưới dạng thuốc sắc. Ngoài ra ở Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản dùng dầu hạt tía tô trong kỹ nghệ vecni, kỹ nghệ vẽ trên đồ sứ, thực phẩm.
Lá tía tô nấu nước uống có tác dụng gì?
Báo VietNamNet dẫn lời lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y thành phố Hà Nội tư vấn, người ta có thể dùng tía tô ăn hằng ngày, cho vào các món ăn khác nhau hoặc nấu nước như trà để uống.
Khi nấu nước lá tía tô uống, các thành phần của loại cây này có có tác dụng làm giảm phản ứng dị ứng như viêm da, viêm mũi. Tía tô giúp làm giãn mạch máu trên da, kích thích dây thần kinh tuyến mồ hôi và làm đổ mồ hôi, giảm co thắt phế quản.
Lá gia vị trên giàu hàm lượng sắt và vitamin C tác dụng nhất định trong việc ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
Uống tía tô còn giúp bạn ngăn ngừa cảm lạnh, làm ấm phổi. Người có triệu chứng ớn lạnh, sốt rét nhẹ, nghẹt mũi dùng nước tía tô sẽ thấy hiệu quả. Tía tô cũng rất thích hợp cho các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng nước lá tía tô
Theo lương y Sáng, phụ nữ có thai, đang cho con bú, người có thể chất yếu, mắc các bệnh đặc biệt nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống. Lá tía tô ngâm nước quá lâu không nên dùng, vì dễ dẫn đến thất thoát khí trong cơ thể.
Mặc dù nước tía tô có nhiều lợi ích, không nên uống quá liều. Chỉ nên uống 1-2 cốc mỗi ngày. Lá tía tô tươi có thể bảo quản trong tủ lạnh, còn lá khô nên để nơi khô ráo, thoáng mát.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/la-tia-to-nau-nuoc-uong-co-tac-dung-gi-ar915888.html