Là vùng trọng điểm du lịch, vì sao Đông Nam Bộ mãi chưa 'phất'?
Năm nay, vùng Đông Nam Bộ đón và phục vụ hơn 65 triệu lượt khách, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh thu du lịch còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng.
Ngày 22/12, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam Bộ và lắng nghe các đơn vị lữ hành, các địa phương chia sẻ kết quả thực hiện các tour liên kết vùng.
Chưa tương xứng
Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 - 2025 được lãnh đạo 6 tỉnh thành Đông Nam bộ ký kết vào năm 2020. Các tỉnh thành luân phiên chủ trì sơ kết thực hiện thỏa thuận theo từng năm. Năm nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được giao nhiệm vụ chủ trì sơ kết vùng.
Ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết những năm qua lượng khách đến tỉnh tăng bình quân gần 13%/năm, tổng thu từ khách du lịch tăng 16%/năm. Sản phẩm du lịch của tỉnh không ngừng phát triển song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là khách quốc tế và khách có chi tiêu cao.
Năm nay, cùng với sự đồng lòng của các tỉnh thành Đông Nam Bộ, du lịch có nhiều khởi sắc. Nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao đã hình thành, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, công tác liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch vùng Đông Nam Bộ vẫn còn một số hạn chế. Tour tuyến, sản phẩm mới hình thành nhiều, lượng khách đến tăng nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận xét du lịch vùng Đông Nam Bộ là trọng điểm của du lịch cả nước. Đây không chỉ là điểm đến với cơ sở hạ tầng và dịch vụ được đầu tư bài bản hấp dẫn khách du lịch mà còn là nơi trung chuyển khách quốc tế và gửi khách đến các khu vực khác của cả nước.
Theo đó, vùng Đông Nam Bộ có lợi thế lớn trong việc thu hút số lượng đông đảo khách du lịch. Tuy nhiên doanh thu du lịch còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng.
“Đây là bài toán mà vùng Đông Nam Bộ cần tập trung giải quyết, đưa ra các giải pháp nhằm tăng doanh thu từ du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chỉ tiêu của khách trong thời gian đến với vùng”, ông Siêu nói.
Nhiều tour, tuyến chờ khách
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp trong vùng hiến nhiều kế hay tăng sức hấp dẫn, gắn kết khác biệt của từng tỉnh, thành trong vùng tạo nên sự khác biệt cho toàn vùng Đông Nam Bộ.
Theo ông Lê Hoàng Sơn - Phó Giám đốc Saigontourist, doanh nghiệp có rất nhiều tour, tuyến kết nối vùng Đông Nam Bộ, trong đó có tour Côn Đảo, Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu, Hồ Cốc. Công ty cũng có lượng khách quốc tế ổn định theo mùa, có sức chi tiêu cao. Từ đó thúc đẩy phát triển du lịch cho vùng.
Định hướng tăng lượt khách đến với khu vực Đông Nam Bộ, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Vietravel khẳng định, bộ sản phẩm kết nối nội vùng Đông Nam Bộ, Đông Nam Bộ và các vùng lân cận rất đủ đầy, độc đáo như Vũ điệu sóng biển, Khám phá sông nước miệt vườn, Màu xanh trên miền đất thép hay tour Rủ nhau đi trốn bằng tàu lửa về bằng đường sông…
Thế nhưng để du khách quan tâm, đến và tiêu tiền phải có lộ trình marketing ra quốc tế, trong đó vai trò Nhà nước, trách nhiệm doanh nghiệp, cộng đồng hưởng lợi từ du lịch phải làm gì. Thông điệp cho toàn vùng là gì? Những cái này phải bàn bạc và có chiến lược cụ thể theo năm, giai đoạn.
Đông Nam Bộ là vùng có hệ thống sông rạch nhiều. Khai thác sản phẩm từ lợi thế sông rạch cũng là hướng đi lâu dài được TPHCM triển khai. Tại hội nghị, Sở Du lịch TPHCM giới thiệu 17 tuyến du lịch đường thủy mới, trong đó có các tour kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu từ phà Cần Giờ, tour đường thủy đến Đồng Nai, Bình Dương và Mê Kông thường kỳ. TPHCM cũng đặt mục tiêu năm 2024 phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy trên 10 sản phẩm.
“Để liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ mang lại hiệu quả, TPHCM mong nhận được sự phối hợp của các tỉnh nhằm xây dựng hoàn chỉnh bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ cho toàn vùng, góp phần tăng cường hiệu quả truyền thông của cụm du lịch Đông Nam bộ”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - đề xuất.
Năm nay, vùng Đông Nam Bộ đón và phục vụ hơn 65 triệu lượt khách, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt 180.566 tỷ đồng, tăng hơn 22%. Lượng khách chiếm 54% tổng số khách du lịch của cả nước nhưng doanh thu chỉ chiếm gần 27% tổng doanh thu của ngành.