Lạc bước trong tiên cảnh của Lệ Giang cổ trấn
Lệ Giang đẹp như tất cả những gì mọi người quảng cáo, nếu không muốn nói là đẹp hơn nhiều, vẻ đẹp của truyền thuyết các blogger du lịch rỉ tai nhau.
Nhắc tới phong cảnh hữu tình ở Trung Quốc, ai trong chúng ta cũng sẽ nhớ tới vẻ đẹp nên thơ của những hàng liễu rủ bên dòng suối của các cổ trấn. Đại Nghiên cổ trấn là một trong những trấn cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc, thường được biết đến dưới tên gọi Thành cổ Lệ Giang.
Thành cổ Lệ Giang được trao tặng danh hiệu “Điểm du lịch 5A Quốc gia” nhờ phong cảnh nên thơ hữu tình và những giá trị văn hóa truyền thống của những dân tộc khác nhau hòa quyện thành một cảnh sắc cổ kính với những giá trị nổi bật. Lệ Giang cũng được UNESCO công nhận Di sản thế giới, và được du khách trao tặng danh hiệu “Venice của phương Đông”. Lệ Giang có nghĩa là “dòng sông xinh đẹp” bởi hệ thống đường thủy bao quanh cổ trấn.
Kéo chiếc vali trên con đường lát đá, tôi và bạn đồng hành đã tới Lệ Giang vào một buổi sớm của tháng 4. Cái thời tiết se se lạnh vẫn còn bao trùm cả cổ trấn đang say giấc. Không khí lãng đãng vào buổi sớm mai trong lành, cùng tiếng róc rách của những dòng suối nhỏ bên đường đang luồn qua kẽ đá khiến tâm hồn vô cùng thư thái. Hoa cỏ đủ màu sắc nở rộ khắp nơi tô điểm khung cảnh thêm rực rỡ.
Bước vào cổ trấn, từ ngôi nhà của của người dân cho tới khách sạn, homestay đều được xây theo cùng một phong cách. Những ngôi nhà gỗ với kiến trúc cổ, mái ngói âm dương màu đen đang lặng mình dưới hàng dương liễu khiến mình có cảm giác như được “xuyên không”.
Lệ Giang buổi sớm đẹp dịu dàng như một thiếu nữ xinh đẹp đang cười e thẹn sau cây quạt.
Khi nắng lên, những quán ăn nghi ngút khói, những cửa hàng lưu niệm được mở, cuộc sống ở Lệ Giang cũng bắt đầu. Điều khiến du khách khó quên nhất khi dạo quanh cổ trấn là tiếng trống & giai điệu bài Tiểu bảo bối (小宝贝). Bất kì con ngõ nào cũng vang lên giai điệu này, tới nỗi bây giờ khi ngồi nghe lại mình vẫn tưởng tượng ra từng nhánh suối, ngôi nhà, các em gái bán trống gõ nhịp trống theo nhạc. Tiếng ngâm nga phiêu du qua từng con phố, những con người không cùng quốc gia, xa lạ mà lại gần nhau cùng hát theo những giai điệu vui tươi. Chậm rãi và hạnh phúc.
Sở hữu một lối kiến trúc vô cùng độc đáo và đồ sộ, Mộc Phủ là nơi phải ghé thăm khi tới Lệ Giang. Mộc Phủ là phủ đệ của họ Mộc, giữ chức vụ Thổ Ty nhưng uy quyền của gia tộc họ Mộc lại ngang tầm với các bậc vương công. Trải qua ba đời quân chủ (nhà Nguyên-Minh-Thanh), Mộc Phủ mang trong mình nét đẹp lộng lẫy & nguy nga, tượng trưng cho một thời kỳ huy hoàng đã qua. Đây phủ đệ lớn nhất còn sót lại ở Trung Quốc qua những thăng trầm của thời gian, với diện tích 46 mẫu và gồm 162 gian nhà, Mộc Phủ có nhiều nét tương đồng với Tử Cấm Thành (Bắc Kinh).
Quảng trường Tứ Phương chính là trung tâm của cổ trấn Đại Nghiên, nơi đây là nơi diễn ra các hoạt động văn nghệ, tập thể dục của người dân. Bên cạnh đó bánh xe nước bằng gỗ, và hàng ngàn chiếc chuông ước nguyện, cũng chính là nét đặc trưng của trấn. Đây cũng chính là một trong những địa điểm check-in đông đúc nhất. Mỗi chiếc chuông sẽ được gắn bên dưới tấm gỗ ghi ước nguyện, mỗi khi có gió thổi qua, hàng ngàn chiếc chuông kêu leng keng, như đem tiếng nguyện cầu bay xa.
Một trong những món ăn nổi tiếng của Vân Nam chính là món Bún qua cầu, món ăn gắn liền với tích về tình vợ chồng sâu sắc. Tương truyền, người vợ học sĩ nọ muốn đem cơm cho chồng phải đi qua một cây cầu rất dài, tới nơi thì cơm canh đã nguội. Người vợ đã nghĩ ra món ăn để khi tới nơi mà vẫn còn nóng hổi. Và thế là món Bún qua cầu ra đời, nước dùng và các nguyên liệu sẽ được để riêng, khi ăn sẽ cho lần lượt trứng, thịt, rau vào. Mỗi bát rất to, đủ cho 2 người ăn.
Lệ Giang đẹp như tất cả những gì mọi người quảng cáo, nếu không muốn nói là đẹp hơn nhiều, vẻ đẹp của truyền thuyết các blogger du lịch rỉ tai nhau, cảm giác cảnh không phụ lòng người thật sự chính là đây. Cả cổ trấn đẹp dịu dàng với những con phố nhỏ lát đá, những dòng suối nhỏ uốn quanh, những hàng liễu rủ, những khóm hoa bên đường, cả những cây hoa chỉ biết là đẹp dù không biết tên.
Bầu trời Lệ Giang luôn trong xanh, xanh ngắt, để rồi nếu đi đúng hướng, người ta sẽ thấy được núi tuyết Ngọc Long xa xa phía cuối con đường cổ trấn.