Lác đác người nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng

Rất ít người thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến. Lực lượng chức năng đang phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền.

Người vi phạm đến trụ sở Đội CSGT số 6, Hà Nội giải quyết vi phạm giao thông

Người vi phạm đến trụ sở Đội CSGT số 6, Hà Nội giải quyết vi phạm giao thông

Sau hai tháng triển khai thí điểm tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, vẫn chỉ có rất ít người thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến, khiến lực lượng chức năng đang phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền.

Người dân e ngại, chưa quen

Chiều 11/5, tại Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, hàng chục người ngồi ở khu vực chờ xử lý vi phạm giao thông trong không khí nóng bức, oi ả. Tại tổ một cửa, cán bộ CSGT tất bật xử lý, triển khai các thủ tục và hướng dẫn cho người dân.

Thượng tá Hoàng Tiến Sỹ, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho hay, việc xử lý vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG) rất đơn giản, có hướng dẫn bằng tiếng Việt, chỉ cần ngồi nhà thực hiện các bước nộp phạt. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng triển khai, chỉ có hơn 40 trường hợp vào CDVCQG để thực hiện việc nộp phạt.

“Một con số khá ít, mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền nhưng người dân vẫn đổ về nộp phạt trực tiếp”, Thượng tá Sỹ cho hay.

Một trong những người xếp hàng ngồi chờ làm thủ tục xử lý vi phạm giao thông tại đây là ông Võ Đặng Q., (trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), ông Q. vi phạm lỗi chạy quá tốc độ và bị gửi giấy phạt nguội về nhà. Ông Q. cho hay, có nghe báo đài thông tin về việc nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua mạng, tuy nhiên, do không rành internet, ngại rắc rối và sợ thất lạc giấy tờ nên ông đến nộp phạt trực tiếp.

Là người được phân công nhập biên bản vi phạm giao thông qua CDVCQG đang nhập dữ liệu vào hệ thống, Thượng úy Phạm Thanh Hải (Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết), trừ trường hợp vi phạm giao thông lỗi phải tạm giữ phương tiện, thì đều có thể nộp phạt trực tuyến. Tuy nhiên, dù thủ tục thuận tiện, nhưng 2 tháng qua, đơn vị đã nhập hơn 100 trường hợp vi phạm đủ điều kiện nộp phạt qua CDVCQG mà đến nay vẫn chưa có trường hợp nào nộp qua mạng.

“Như 2 là trường hợp tài xế Nguyễn Hữu B. điều khiển xe tải BKS 29C-599.7x và Vũ Huy H. điều khiển xe tải mang BKS 88C-063.7x đều ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc và cùng vi phạm lỗi chở vật liệu xây dựng để rơi vãi xuống đường, mức xử phạt là 3 triệu đồng/trường hợp. Quá trình TTKS, lập biên bản xử lý vi phạm, các tổ CSGT đã hỏi và 2 tài xế này đăng ký nộp phạt qua CDVCQG. Tuy nhiên, cả tháng trôi qua vẫn chưa thấy 2 tài xế này thực hiện nộp phạt trực tuyến”, Thượng úy Hải nêu ví dụ.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ xử lý Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cũng cho hay, Đội cũng đã nhập lên hệ thống 164 trường hợp đăng ký nộp phạt vi phạm qua CDVCQG nhưng đến nay chỉ có một trường hợp nộp online.

Theo Phòng CSGT Công an TP HCM, hiện Phòng mới ghi nhận 1 trường hợp nộp phạt giao thông qua mạng. Còn Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, địa bàn chưa có trường hợp nào làm thủ tục nộp phạt trực tuyến.

Sáng 12/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Vũ Trường Linh, Đội trưởng Đội tham mưu thuộc Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng cho biết, sau gần 2 tháng triển khai, có 209 trường hợp vi phạm giao thông được thông báo nộp trực tuyến nhưng mới chỉ có 1 trường hợp nộp phạt qua mạng.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thượng úy Phạm Thanh Hải, cán bộ Đội CSGT số 6 (Hà Nội) nhập thông tin các trường hợp vi phạm giao thông lên Cổng dịch vụ công quốc gia

Thượng úy Phạm Thanh Hải, cán bộ Đội CSGT số 6 (Hà Nội) nhập thông tin các trường hợp vi phạm giao thông lên Cổng dịch vụ công quốc gia

Theo Trung tá Vũ Trường Linh, trường hợp nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng rất đơn giản, nhanh gọn.

Tuy nhiên, anh Trần Tiến Th. (ở xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương) là lái xe container thường xuyên chạy xe từ Hải Phòng đi các tỉnh miền núi phía Bắc thì vẫn băn khoăn: “Tôi chưa nộp qua mạng bao giờ, chỉ lo thao tác sai hoặc ghi nhầm cái gì thì không xử lý được. Nên nếu chẳng may vi phạm ở Hà Nội hay Hải Phòng, tôi vẫn lựa chọn phương án nộp tiền phạt trực tiếp”, anh Th. nói.

Theo Trung tá Lương Thị Danh Chiến, Đội trưởng Đội Tuyên truyền xử lý thuộc Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng, việc nộp tiền phạt online tiện lợi, không mất thời gian và chi phí đi lại, chờ đợi của người dân, đặc biệt phù hợp với những trường hợp đang cư trú tại một nơi khác nhưng lại vi phạm giao thông ở một địa phương khác hoặc trường hợp không có thời gian đi lại.

“Người dân vẫn còn e ngại với dịch vụ tiện ích này, và trong thời gian tới, Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hình thức hướng dẫn phù hợp giúp lái xe hiểu rõ hơn về tính ưu việt của việc nộp phạt qua mạng. Đồng thời, sẽ có những góp ý, đề xuất từ thực tiễn để việc triển khai phần mềm ứng dụng nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng thuận tiện hơn”, Trung tá Chiến nói.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho rằng, việc nộp phạt qua mạng mới triển khai và không phải người dân nào cũng nắm được. Vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân, người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông nắm bắt, biết sử dụng dịch vụ này”, Thiếu tá Long nói.

Đại diện Cục CSGT cho biết, sau 2 tháng (từ ngày 13/3) triển khai thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông qua CDVCQG tại 5 địa phương gồm: TP Hà Nội, TP HCM, Bình Thuận, Đà Nẵng và TP Hải Phòng, Cục CSGT đã tiến hành nhập 2.500 trường hợp vi phạm giao thông đủ điều kiện, có đăng ký nộp phạt trực tuyến lên hệ thống. Tuy đến nay chưa có thống kê chính thức nhưng ghi nhận bước đầu tỷ lệ người nộp phạt trực tuyến rất ít, do đó, thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa về nội dung này.

L.Huế - V.Phú - T.Lê - V.Nhân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lac-dac-nguoi-nop-phat-vi-pham-giao-thong-qua-mang-d465603.html