Lạc Dương: Kiên quyết xử lý vi phạm và triển khai trồng lại rừng trên diện tích đất lấn chiếm
Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài vừa ký văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã trên địa bàn huyện liên quan đến các vụ vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng khẩn trương xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân và triển khai trồng lại rừng trên diện tích đất lấn chiếm.
• KIỂM TRA THỰC TẾ VÀ PHÊ BÌNH NHIỀU CÁ NHÂN
Ngày 23/2, lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương do ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra thực tế hiện trường công tác quản lý bảo vệ rừng tại Tiểu khu 97, 120, xã Đạ Nhim và Tiểu khu 122, xã Đạ Chais.
Qua kiểm tra thực tế hiện trường tại các vị trí vi phạm do người dân tự lấn chiếm, bao chiếm và báo cáo sơ bộ của các trạm quản lý bảo vệ rừng cho thấy có hành vi cuốc lật đất, tự ý mở đường tại Tiểu khu 120 và một số vị trí tại Tiểu khu 97, xã Đạ Nhim. Thời điểm thực hiện các hành vi vi phạm diễn ra trong nhiều khoảng thời gian và đã được đơn vị chủ rừng lập hồ sơ vi phạm. Đối với vị trí tại Tiểu khu 122, xã Đạ Chais, thời điểm vi phạm (cắt cây) vào khoảng năm 2019 và đã được Trạm Quản lý bảo vệ rừng lập biên bản hành vi vi phạm lâm sản khoảng 2 m3. Đồng thời, trong quá trình xử lý các vụ việc vi phạm, bộ phận nghiệp vụ của đơn vị chủ rừng, cán bộ các tiểu khu, UBND các xã Đạ Nhim, Đạ Chais chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác lập, quản lý hồ sơ vi phạm; đặc biệt là việc cung cấp các thông tin liên quan khi Đoàn kiểm tra của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị chức năng trong quá trình tuần tra, kiểm tra về công tác quản lý bảo vệ rừng.
Sau khi kiểm tra thực tế hiện trường các vị trí lấn chiếm, bao chiếm tại các tiểu khu trên, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương phê bình lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim nắm thông tin không rõ ràng, cung cấp thông tin không đầy đủ cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.
Ngày 25/2, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài và đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh tiếp tục đi kiểm tra thực tế hiện trường công tác quản lý bảo vệ rừng tại Tiểu khu 228, xã Lát. Qua kiểm tra thực tế hiện trường tại vị trí vi phạm do người dân tự lấn chiếm, bao chiếm và san ủi đất theo phản ánh của cơ quan báo chí cho thấy có hành vi san ủi đất và trồng cây tùng trên diện tích san ủi.
Đối với vị trí vi phạm này, UBND xã Lát và các cơ quan liên quan phát hiện và lập hồ sơ xử lý vào tháng 11/2021; đồng thời, UBND xã Lát đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4 triệu đồng. Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, qua tuần tra UBND xã Lát tiếp tục phát hiện đối tượng vi phạm và đã tạm giữ người, phương tiện để lập hồ sơ xử lý vi phạm. Căn cứ các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho thấy hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của UBND huyện, vì vậy, hiện nay UBND xã Lát đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện củng cố hồ sơ tham mưu UBND huyện xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau khi kiểm tra thực tế hiện trường tại vị trí san ủi trái phép tại Tiểu khu 228, xã Lát, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương phê bình Chủ tịch UBND xã Lát kiêm Trưởng ban Lâm nghiệp xã, lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, vẫn để xảy ra tình trạng san ủi, bao chiếm đất lâm nghiệp trái phép nhưng chưa có biện pháp xử lý quyết liệt. Việc chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND huyện trong việc quản lý, xử lý các phương tiện cơ giới (máy múc, máy ủi) chưa nghiêm, chưa kịp thời trục xuất toàn bộ máy móc, phương tiện không phục vụ mục đích chính đáng ra khỏi địa bàn.
• KIÊN QUYẾT XỬ LÝ VI PHẠM
Từ các vụ việc trên, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài quả quyết: “Huyện Lạc Dương kiên quyết xử lý vi phạm về công tác quản lý bảo vệ rừng, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể vi phạm. Các địa phương, đơn vị liên quan tuyệt đối không được bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm, bất kể là ai”.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện, UBND huyện Lạc Dương giao Thanh tra huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập đoàn thanh tra liên ngành về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã Lát; kết luận cụ thể quá trình lập hồ sơ rà soát quy hoạch 3 loại rừng; quá trình lập hồ sơ xử lý đối với các vị trí vi phạm tại Tiểu khu 228, xã Lát thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung và tại Tiểu khu 97, 120 xã Đạ Nhim và Tiểu khu 122, xã Đạ Chais; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên; đồng thời, báo cáo kết quả và đề xuất hướng xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân về UBND huyện.
Yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Lát khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND huyện xử lý vi phạm hành chính đối với vụ việc nêu trên theo quy định. Đồng thời, UBND xã Lát phối hợp với Hạt Kiểm lâm xây dựng kế hoạch trồng cây xanh trên toàn bộ vị trí vi phạm theo Đề án trồng 50 triệu cây xanh của UBND tỉnh trong mùa mưa năm 2022.
Đồng thời, yêu cầu Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, UBND xã Đạ Nhim, Đạ Chais, xã Lát khẩn trương tập trung chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ, ban lâm nghiệp xã tổng hợp đầy đủ các hồ sơ có liên quan đến việc xử lý các vị trí vi phạm tại các tiểu khu nêu trên, báo cáo về UBND huyện và Thanh tra huyện. Tăng cường công tác tuần tra, xử lý kịp thời, nghiêm túc đối với các trường hợp vi phạm. Tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của ban lâm nghiệp, các tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, quần chúng nhân dân; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Tuyệt đối không bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Chủ động phối hợp tích cực với Trung tâm điều hành thông minh của huyện (IOC), Đội quản lý trật tự xây dựng huyện để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm qua hệ thống camera tầm cao, phản ánh hiện trường trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực san ủi đất, quản lý bảo vệ rừng…
Đối với Công an huyện, phối hợp tích cực trong công tác điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Thường xuyên nắm tình hình và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi “bảo kê”, hoạt động theo kiểu “xã hội đen” liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản, quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Phối hợp với chính quyền địa phương xã Lát kiểm soát chặt chẽ phương tiện chuyên chở cơ giới (máy múc, máy ủi) vào địa bàn mà không có lý do chính đáng, trừ các phương tiện vào thi công các công trình giao thông, dân dụng.
UBND xã Đạ Nhim, Đạ Chais, xã Lát tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền. Xác định ranh giới và tổ chức ký cam kết đối với các hộ dân xung quanh các điểm lấn chiếm để làm cơ sở xử lý vi phạm (nếu có), báo cáo kết quả việc triển khai thực hiện về UBND huyện.
Vườn Quốc gia Biđuop - Núi Bà, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra và giải tỏa các trường hợp lấn chiếm, bao chiếm rừng, đất lâm nghiệp thuộc lâm phần đơn vị quản lý. Phối hợp tích cực với Đội Thường trực Chỉ thị 12 của huyện, các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai, UBND các xã, thị trấn không tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính về đất đai đối với các vị trí, diện tích đất có nguồn gốc và quá trình sử dụng đất không rõ ràng, đất có nguồn gốc từ việc lấn chiếm đất lâm nghiệp.
UBND huyện cũng thống nhất bố trí nguồn kinh phí để thực hiện việc trồng rừng đối với các vị trí vi phạm theo Đề án trồng 50 triệu cây xanh của UBND tỉnh trên địa huyện năm 2022. Giao Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim lập dự toán kinh phí gửi về UBND huyện và xây dựng kế hoạch trồng rừng ngay trong mùa mưa năm 2022 đối với các vị trí nêu trên. Đồng thời, đề xuất UBND huyện trang bị 1 máy đào để phục vụ cho việc đào hố trồng cây trên các vị trí lấn chiếm sau khi giải tỏa; lắp đặt camera giám sát tại khu vực tiểu khu 122; tổ chức lập văn bản yêu cầu các hộ dân sản xuất xung quanh khu vực cam kết không vi phạm về đất rừng, cây rừng và có biện pháp xử lý nghiêm nếu có vi phạm.