Lạc giữa thành phố quê mình

Hơn mười lăm năm vì sức khỏe tôi không trở lại quê hương Hải Dương. Nhưng một sợi dây vô hình luôn gắn chặt tôi với thành phố quê hương, dù thành phố đã đổi thay và tôi có lúc lạc giữa quê mình.

Đường Vũ Công Đán (TP Hải Dương) được mở rộng thênh thang, sạch đẹp. Ảnh: Thành Chung

Đường Vũ Công Đán (TP Hải Dương) được mở rộng thênh thang, sạch đẹp. Ảnh: Thành Chung

Tôi sinh ra, lớn lên, đi học rồi về công tác ở ngay thị xã Hải Dương. Nghỉ hưu thì theo con lên sống ở thành phố Thái Nguyên. Hơn mười lăm năm vì sức khỏe tôi không trở lại quê hương. Nhưng có một sợi dây vô hình luôn gắn chặt tôi với phố Hàng Cót, Ngã Sáu, Bách Hóa tổng hợp và Trường cấp III Hồng Quang (cũ). Đó là những địa danh gắn với tôi từ khi sinh ra và suốt những tháng ngày cắp sách đến trường.

Sống xa quê tôi chỉ biết ít nhiều về sự thay đổi của thành phố mình qua đài báo và điện thoại với bạn bè, người thân.

Nhưng tuổi càng cao, tôi lại càng muốn trở về ở hẳn nơi chôn nhau cắt rốn, để được an nghỉ ở mảnh đất quê hương mình. May mà tôi vẫn giữ được ngôi nhà cổ của cụ ba đời để lại, mặc dù khi ra đi có mấy người hỏi mua. Lúc ấy rất cần tiền nhưng vì cái tình, cái nghĩa với ngôi nhà tiền nhân để lại thiêng liêng lắm nên tôi quyết giữ để làm chốn đi về. Không hiểu có điều gì thúc giục mà tôi cứ nghĩ sớm muộn sẽ có ngày trở lại và đời con đời cháu phải lưu giữ để thờ phụng tổ tiên.

Thấy bố mẹ khắc khoải về quê, con trai trưởng của tôi đã chiều lòng, tu sửa lại ngôi nhà, rồi đưa vợ chồng tôi trở về chốn cũ. Đêm đầu tiên nằm trong ngôi nhà cổ mới sửa sang, còn thơm mùi sơn và thoang thoảng mùi nhang, tôi cứ trằn trọc không sao ngủ được. Lòng tôi xúc động mừng thầm vì đã trên sáu nghìn đêm xa vắng, đêm nay mới được ngủ lại ở chính nơi mình cất tiếng khóc chào đời.

Trên đường về, khi còn ở địa phận Cẩm Giàng đã nhìn thấy biển đề: “Thành phố Hải Dương kính chào quý khách”. Tôi trộm nghĩ mình đâu phải là khách mà là người con đi xa lâu ngày nay trở về. Thì ra thành phố bây giờ đã mở rộng đến đây rồi. Giờ tan tầm công nhân khu công nghiệp Đại An nườm nượp tỏa về các ngả. Công ty, xí nghiệp nằm san sát hai bên đường 5. Những dãy nhà, những hàng cây xanh mắt tôn lên vẻ hiện đại của thành phố.

Hồ Bạch Đằng như lá phổi xanh của thành phố (ảnh tư liệu)

Hồ Bạch Đằng như lá phổi xanh của thành phố (ảnh tư liệu)

Bất chợt, hình ảnh thị xã Hải Dương của những năm tôi còn trai trẻ lại lần lượt hiện về. Những năm 1954 khi quân Pháp rút qua Hải Phòng để về nước, thị xã còn nghèo lắm, dân còn khốn khó lắm. Nhà cao tầng rất ít, tập trung ở phố Trần Hưng Đạo. Rạp chiếu bóng Hòa Bình có mấy chiếc loa to trên tầng thượng, ngày 4 lần hú còi tầm báo giờ làm việc, giờ nghỉ, toàn thị xã đều nghe rõ. Cả thị xã chỉ có một nhà máy chai ở gần Cầu Cất, hòa bình lập lại (1954) thì được chuyển làm Trường Sư phạm sơ cấp khu Tả Ngạn. Mãi đến năm 1956 – 1957 mới có nhà máy sứ do Trung Quốc giúp xây dựng. Mặt bằng thị xã còn nhỏ hẹp, nếu đạp xe chỉ gần tiếng đồng hồ là hết. Phía đông bắc, bên kia cầu Phú Lương là Nam Sách, Thanh Hà. Xã Ngọc Châu nằm liền thị xã cũng thuộc Nam Sách. Phía tây, bên kia chợ Mát là đất Cẩm Giàng. Phía đông nam, đến đoạn đường vòng (quen gọi là mỏ hái) là Gia Lộc, Tứ Kỳ. Con sông Sặt về mùa mưa lũ nước dâng cao tràn vào thị xã. Người ta làm một “con trạch” bằng bê tông cốt thép để chắn nước. Những đêm trăng nhiều đôi nam nữ yêu nhau và dân phố gần đó ra ngồi hóng mát. Đường phố nhỏ hẹp. Chỉ có phố Quang Trung là có hai dãy bàng, các phố khác ít cây hoặc không có...

Sáng hôm sau bố con ông bạn chí cốt từ thời học cùng trường cấp 3 Hồng Quang những năm 1957-1960 dùng xe ô tô con chở tôi đi thăm thành phố. Xe đi chậm qua từng con phố, từng khu dân cư mới, cơ quan trường học, nhà hàng, khách sạn, siêu thị. Tôi chảy nước mắt vì như vừa quen vừa lạ giữa quê mình.

Tôi nhớ lại ngày còn học đại học ở Vũ Hán (Trung Quốc), đi trên đường phố của bạn, những tòa nhà bề thế, cao ngất bên dòng sông Trường Giang, chúng tôi ngửa cổ nhìn lên đến rơi cả mũ mà ao ước cho thành phố mình. Bây giờ thành phố của tôi đâu có thua kém gì những đô thị hiện đại khác, bảo sao tôi không mừng, không yêu.

Thật đáng nể và biết ơn tiền nhân đã chọn mảnh đất này. Thành phố gần như nằm ở trung tâm tỉnh mà cũng gần thủ đô Hà Nội. Ít có thành phố nào có dòng sông lớn êm đềm chảy trong thành phố như vậy. Con sông Sặt nửa đầu thế kỷ trước gây úng về mùa mưa lũ trong thành phố, nay hiền hòa trôi nhẹ nhàng, làm tươi mát ranh giới giữa phần đông nam với trung tâm thành phố. Hồ Bạch Đằng là lá phổi góp phần điều hòa không khí cho thành phố thêm trong lành. Cầu Phú Lương ngày đêm còi tàu hỏa hú làm thành phố thêm sống động. Đó là những nét đáng yêu, không phải thành phố nào cũng có.

Liền mấy ngày hôm sau, ngày nào tôi cũng đạp xe đi thăm bạn bè và các đường phố. Tôi tìm thăm nhà mấy người bạn, nhớ số nhà, tên phố mà tìm mãi không ra. Tất cả đã đổi thay. Đổi thay quá nhiều.
Thành phố bây giờ xanh, sạch, đẹp, quy mô diện tích rộng, dân cư đông đúc, công trình kiến trúc khang trang, giao thông thuận lợi tuy về tổng thể vẫn còn khiêm tốn. Ước gì có thêm nhiều cây xanh hơn nữa, đa dạng loài cây, cây có hoa, trường học rộng rãi hơn nữa, có thêm nơi vui chơi cho trẻ và nhà ga xe lửa được xây dựng lại đẹp hơn.

Tôi mừng vì mình đã kịp về sống ở thành phố quê hương, còn minh mẫn để thưởng thức cái đẹp, cái mới và vẫn còn nhớ, yêu thương rất nhiều thị xã của tôi ngày xưa.

PHÙNG VĂN ĐỦ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lac-giua-tp-hai-duong-que-minh-374887.html