Lạc quan với ánh sáng cuộc sống

Có những mảnh đời khi sinh ra, chẳng may không được lành lặn như bao người khác. Thế nhưng họ không tự ti, mặc cảm mà biết vượt lên số phận để làm cho cuộc sống mỗi ngày vui tươi, hạnh phúc hơn. Đó cũng là trường hợp em Danh Thị Bích Tuyền - học viên khiếm thị của Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng.

Bích Tuyền sinh năm 2008, tại ấp Giồng Chùa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ngay từ lọt lòng mẹ, em không may bị khiếm thị bẩm sinh. Do gia đình không có điều kiện đưa em vào Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh nên em chỉ quanh quẩn ở nhà. Bích Tuyền tâm sự: “Lúc đó, con thấy buồn lắm, con luôn ước ao phải chi mình được học hành như các bạn khác, rồi để có một cái nghề gì đó phù hợp để kiếm tiền lo cho bản thân, không làm gánh nặng cho ba mẹ”. Rồi niềm vui cũng thật sự đến với cô gái nhỏ đầy nghị lực ấy, khi em được các cô chú ở Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng vận động gia đình cho em đi học.

Em Danh Thị Bích Tuyền rất thích học nhạc, và muốn trở thành người chơi đàn chuyên nghiệp.

Em Danh Thị Bích Tuyền rất thích học nhạc, và muốn trở thành người chơi đàn chuyên nghiệp.

Vào hội năm 2019, lúc đó, Bích Tuyền đã quá tuổi để được vào Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật nên em tham gia học các lớp xóa mù (chữ nổi) tại Hội Người mù. Theo các thầy cô tại đây, Bích Tuyền rất thông minh, sáng dạ. Em không chỉ tiếp thu rất nhanh trong học chữ mà còn tiến bộ trong các môn vi tính, thanh nhạc. Hiện em có thể đánh đàn Organ và biểu diễn văn nghệ trong các dịp lễ, Tết hay sự kiện do hội tổ chức. Năm vừa qua, em còn tham gia cuộc thi Ươm hạt giống tâm hồn do Hội Người mù Việt Nam tổ chức và kết quả đạt giải khuyến khích, với câu chuyện kể về Bác mang tên “Chiếc vòng bạc”. Bích Tuyền hồ hởi khoe rằng: “Con hay lên mạng nghe những câu chuyện về Bác Hồ, rồi tìm hiểu rút ra ý nghĩa của mỗi câu chuyện. Được sự động viên của thầy cô ở đây, con tự tin tham dự cuộc thi Ươm hạt giống tâm hồn. Cuộc thi giúp người khiếm thị có một sân chơi hết sức bổ ích”.

Tham gia học tập, sinh hoạt tại Hội Người mù hiện nay, Bích Tuyền là học viên nhỏ tuổi nhất. Có lẽ vì vậy em được mọi người yêu thương, đùm bọc. Nhưng không vì điều đó mà cô gái ấy dựa dẫm hay ỷ lại. Em luôn chăm ngoan và chuyên cần trong học tập. Để rồi ở các lớp học chữ hay vi tính, thanh nhạc, em đều được danh hiệu xuất sắc. Mỗi khi nhận được danh hiệu khen thưởng nào đó, người đầu tiên em nhớ đến là mẹ. Bởi khi biết được thành tích học tập của con mình, mẹ em rất vui, hãnh diện về em. Cô Nguyễn Thị Chi - Ủy viên Thường vụ, phụ trách công tác phụ nữ - trẻ em tại Hội Người mù Sóc Trăng khen ngợi: “Khi mới vào đây, bé Tuyền hòa nhập rất nhanh, cộng thêm sự thông minh nên kết quả học tập rất tốt, được thầy cô, anh chị ở đây yêu quý”.

Dù chỉ ở cái tuổi 15 nhưng cô bé khiếm thị ấy có những suy nghĩ vô cùng chững chạc. Em tâm sự với chúng tôi: “Hồi nhỏ, con khá tự ti vì nghĩ mình là người vô dụng. Nhưng khi được học tập ở đây, được tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống của người khiếm thị, nhất là khi biết các anh chị được học nghề rồi làm việc, có thu nhập ổn định, con rất phấn khởi. Ước mơ của con là có một nghề gì đó (như xoa bóp chẳng hạn) để kiếm tiền lo được cho bản thân và tích lũy sau này lo cho ba mẹ, rồi vẫn tiếp tục đeo đuổi đam mê là học nhạc để trở thành người chơi đàn chuyên nghiệp”.

Có thể nói, cô bé Danh Thị Bích Tuyền khi sinh ra đã không được may mắn nhưng bù lại em có một nghị lực đáng ngợi khen. Tin rằng, bằng sự nỗ lực của bản thân cùng sự quan tâm giúp đỡ, yêu thương của những người xung quanh, em sẽ vượt qua nghịch cảnh để tìm thấy niềm tin, ánh sáng tốt đẹp từ cuộc sống.

MAI KHÔI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/lac-quan-voi-anh-sang-cuoc-song-66159.html