Lạc vào giấc mơ

Không hiểu sao tôi lại lạc vào một bể sương mù trắng đục như sữa, cứ thế mà đi trong hoàn cảnh như bị bưng lấy mắt. Đi, đi mãi không biết là bao lâu. Rồi bất ngờ sương mù tan biến, chỉ trong nháy mắt.

Trước mắt tôi hiện ra một trà quán, cổ kính tường cũ rêu phong, xa xa là một phủ viện nào đó, cửa đóng kín vẻ hoang vắng. Tôi bỗng thấy đói và khát, bèn đẩy cửa quán bước vào, định bụng gọi một ấm trà và một món điểm tâm gì đó.

Một tiểu thư vấn khăn, áo tứ thân bước đến lễ phép hỏi: “Quan ông dùng trà gì, dùng gì điểm tâm?”. Tôi có cảm giác dường như đây là một xứ khác, ngửi thấy mùi thời gian xa ngái, bèn bảo thiếu nữ: “Cho trà ngon nhất và món gì gọi là đặc sản của quán chủ”.

Giữa lúc ấy có một lão ông, tuổi chừng ngoài sáu mươi, nom dáng như một văn nhân, khoan thai bước tới. Thiếu nữ nhìn thấy, vội khom lưng lễ phép: “Con mời Phạm Ông vào quán dùng trà”. Người mà thiếu nữ kêu là Phạm Ông, gật đầu vẻ hài lòng, đoạn quay sang phía tôi, nói rằng: “Vị khách lạ này lạc từ đâu tới, không biết quí quán, để ta chỉ giùm”.

Tôi đứng dậy, kéo ghế mời Phạm Ông cùng ngồi.

Gương mặt lão ông vuông chữ điền, hơi tái xanh, riêng đôi mắt chiếu ra những tia sáng thông minh, hóm hỉnh đầy vẻ khám phá và hiểu biết.

Bất chợt chuông điện thoại của tôi reo vang, khiến Phạm Ông giật mình, nhìn tôi kinh ngạc. Tôi móc điện thoại, thấy hiện lên một chùm số dài, lạ hoắc. Không biết ai gọi. Phạm Ông hỏi tôi: “Cái vật quí ông cầm trong tay ấy là vật gì mà tự nhiên nó lại kêu váng lên như vậy?”. Tôi đáp: “Điện thoại di động, bây giờ khắp nước Việt ta đâu đâu cũng có, ai ai cũng dùng”. Phạm Ông lắc đầu không hiểu, bảo tôi nên cất cái con quái vật ấy đi. Tôi tắt máy nhét vào trong túi. Phạm Ông nói: “Quí ông từ nơi xa đến để tôi xin được mời trà”.

Ngay lúc ấy cô gái đưa đồ pha trà đến gồm có một chiếc bếp lò, một cái siêu đất, một bộ ấm chén. Nói đến việc pha trà, Phạm Ông trỏ vào bộ đồ trà bảo: “Đây quí ông nhìn xem, cái rế lò này phải dầy, lỗ phải thưa thì than lửa mới không bốc nóng quá, còn siêu thì nên là siêu đất chứ dùng siêu đồng khi bị đun nóng sẽ có mùi đồng tanh. Đáy siêu phải lồi và mỏng thì sức lửa dễ thấu, chóng sôi.- Rồi Phạm Ông cầm chiếc chén soi lên cao, bảo - chén này hơi dầy. Ấm chén phải nhỏ và mỏng, khi pha mới nổi hương vị.

Tôi không sành về trà nghệ nên kính cẩn ngồi nghe Phạm Ông giảng. “Thưởng trà bắt nguồn từ bên nước Trung Hoa,- Phạm Ông nói tiếp,- manh nha từ thời Đường, phát triển ở thời Tống, cải cách ở đời Minh, cực thịnh ở đời Thanh. Tôi đọc sách nói đời Tống mới thấy bày ấm chén, hỏa lò, cấp thiêu. Đến đời Minh, đời Thanh người ta bày ra đủ thứ, nhưng tựu trung vẫn là những thứ ấy mà thôi.

Tôi đã thưởng nhiều các loại trà Tầu, nhưng ở ta loại trà Tuyết Nha pha nước suối Hồng Tâm thì các bậc phong lưu Trung Hoa chắc gì đã được nếm. Ở kinh thành Thăng Long này, những nơi yên tĩnh để thưởng trà như nơi đây, có thể đếm trên đầu ngón tay.

Bây giờ tôi mới chú ý, cái trà quán mà tôi đang đối ẩm cùng Phạm Ông được cất gần bờ sông, phong cảnh thật hữu tình.

Phạm Ông nói, nơi trường ta dạy học ở bên kia dải sông Tô, những khi rảnh rỗi pha trà mà ngắm cảnh mây nổi hợp tan, chim đồng bay lượn, nhìn xuôi bờ sông bóng cây thấp thoáng so le, mảnh trăng in trên mặt nước trong veo, há chẳng sướng sao? Cụ Tiền Mục Am có nói: “Cái vui về non nước bè bạn, tạo vật chưa dễ đã cho mọi người được hưởng, mà còn có phần lại khó hơn lợi lộc với vinh danh”.

Phạm Ông nói đến đây, tôi chợt nhớ ra và reo lên: “Thưa tiên sinh, người chính là Tùng Niên - Đông Dã Tiều - Phạm Đình Hổ, người đời gọi là Chiêu Hổ, quê làng Đan Loan huyện Đường An? Mạo muội xin hỏi, hiện thời tiên sinh trú ngụ ở đâu?”. Phạm Ông nhìn tôi hồi lâu, đáp: “Nhà ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm), huyện Thọ Xương. Đó ngôi nhà đóng cửa, quí ông có thể nhìn thấy đó”.

Tôi chắp tay vái Phạm Ông một vái, nói: “Hậu bối xin kính chào”. Phạm Ông xua tay bảo: “Văn nhân, mặc khách đều trong một nhà, khỏi phải đa lễ. Đoạn nữa, tôi sẽ đưa quí anh đi thưởng lan, những dò lan Thăng Long đẹp, gần đây thôi”.

Minh họa: Đỗ Dũng

Minh họa: Đỗ Dũng

Phạm Ông cầm tay tôi dẫn đi về phía khuôn viên vẻ hoang vắng mà tôi nhìn thấy cùng lúc với trà quán. Phạm Ông nói đây là nhà của thân mẫu, nơi ngày nhỏ ông đã sống nhiều năm, nuôi dưỡng bao nhiêu kỉ niệm. Phạm Ông mở cửa, dẫn tôi đi vào phía hậu viện. Trước nhà tiền đường thấy một cây lê chồi, trước nhà trung đường thấy hai cây lựu chồi đã mọc cao, khá xanh tốt, không hiểu cây nguyên của nó làm sao lại bị chặt.

Vườn lan ở hậu viện bao bọc bởi lớp tre trúc được chăm chút, giống như những bức bình phong, người ngoài khó mà nhận ra trong vườn có gì.

Bước vào vườn lan, lập tức bị chìm ngập trong màu sắc và hương thơm phảng phất. Những bông lan đẹp một cách vương giả, khiến người thưởng lan có cảm giác thanh nhã, bất phàm kèm một chút vì nể. Phạm Ông bảo: “Người đời thưởng lan, dựa vào hương sắc, hình dạng hoa mà đặt tên. Quí anh hẳn đã nghe những cái tên, chẳng hạn cửu uyển lan, thạch lan, thanh lan, tố lan, đông lan? Đây quí anh thử nhìn xem, thứ hoa lan ngoài xanh trong trắng này gọi là kiến lan. Còn thứ hoa điểm sắc đỏ, lại có lốm đốm lưỡi gà như lông gà gô gọi là ngọc quế lan.

Nghề trồng lan ở kinh thành cũng lắm công phu, thậm chí là cầu kì, phải trồng vào chậu sứ Trung Hoa, phải bón bằng thứ bùn đã phơi khô và đốt ủ rồi, hoặc lấy những bã sừng hươu, bã chè khô phủ lên gốc, tưới bằng nước ngâm cá ươn, mỗi ngày phải cắt lá úa, rửa lá tươi vài bốn lần. Khi thưởng hoa thì đốt hương tùng chi để trước gió mà thưởng ngoạn”.

Tôi nói: “Thưởng lan như thế chỉ là thưởng hưởng cái bề ngoài màu sắc”. Phạm Ông bảo tôi: “Quí anh nhận xét đúng. Biết thưởng lan là phải lấy cái phẩm cách của lan mà thưởng. Xưa kia bên Trung Hoa, ông Khuất Nguyên đi trên bờ đầm kết hoa lan đeo ở cổ mà hát, ông Khổng Tử dừng xe trước hẻm núi, hát thương cho cây lan hương quí mà đời không hay.

Xưa kia lan mọc tự nhiên, lẫn trong rừng sâu, trong cỏ dại mà cái nhã tháo u hương, mà cái vẻ thanh tao, cao khiết vẫn kết tri với bậc đại nhã, bậc triết nhân. Ngày nay người ta đem nước cá ươn thối khẳn để tưới, đem bã chè để đắp lên gốc, tức là dùng cái khí vị đã bại hoại để vun cho lan thế chẳng là làm hại đến lan sao? Lại còn đốt hương để thưởng lan thì thật không biết đâu là chân đâu là giả rồi”.

Tôi phụ họa, rằng Phạm Ông là người tinh đời. Thưởng hoa đâu chỉ có bằng mắt, bằng mũi mà là bằng cả trái tim, như thế mới biết được cái thần của hoa. Phạm Ông gật đầu, bảo: “Người xưa mượn khóm hoa, tảng đá để kí thác hoài bão cao cả, ngày nay thế thái suy vi, nhân tâm bạc bẽo, cái cây thẳng đem uốn cho cong đi, hòn đá phẳng đem đẽo vạt cho hốc hác ra, bàn tay nhân tạo càng khéo thì cái thú thiên nhiên lại càng kém”.

Tôi hỏi: “Sao cái vườn lan của Phạm Ông lại bị nhốt kín trong bức bình phong tre trúc thế này?”. Phạm Ông nhìn tôi hồi lâu, khóe mắt ứa ra hai giọt lệ. “Đời Thịnh Vương Trịnh Sâm ta mới chừng năm sáu tuổi, - Phạm Ông kể,- đất nước còn thanh bình. Trịnh thích du ngoạn, thường ngự ở các ly cung trên Tây Hồ, trên núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Tháng ba bốn lần Thịnh Vương ra cung Thụy Liên bên bờ Tây Hồ, bầy trò để các nội thần bịt khăn, mặc áo đàn bà bày bách hóa chung quanh bờ hồ để bán.

Để lấy lòng chúa, bọn nội thần cố tìm các thứ trân cầm, dị thú, cổ mộc, quái thạch, chậu hoa, cây cảnh… không thiếu thứ gì. Chúa thấy hay mắt là chúa thu. Lấy cả cây đa to, rễ dài vài trượng, cả cơ lính mới khiêng nổi. Bọn hoạn quan cung giám, ỷ thế chúa, mượn gió bẻ măng, dò những nhà có chậu hoa cây cảnh đẹp, có chim khướu hót hay là tìm mọi cách cướp lấy. Dân gian vì việc ấy mà biên thành vè, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

- Phạm Ông nhìn tôi hỏi,- lúc vào hậu viện có thấy mấy cây lê, lựu chồi? Tôi đáp “có”. Đông Dã Tiều kể, sinh thời mẫu thân ông có trồng trước nhà tiền đường cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa trắng xóa thơm lừng, trước nhà trung đường trồng hai cây lựu trắng lựu đỏ khi ra quả trông chẳng khác chi treo chi chít đèn lồng. Nạn cướp vét ở kinh thành ấy khiến thân mẫu người e sợ, nên cho chặt đi, bây giờ chỉ còn lại cây chồi.

Ra thế. Thời Trịnh Sâm là lúc nước thịnh, thế mà mầm thối nát đã có, cậy công to rồi cho mình quyền muốn làm gì thì làm, ấy là tự đào hố để chôn vậy.

*

Đứng ở cuối vườn lan, Phạm Ông ới một tiếng. Có chú tiểu đồng từ bên kia búi trúc vạch cây chạy vào. Chủ nhân ghé tai nói: “Con chuẩn bị pha cho ông ấm trà mời khách”. Trong khi chờ đợi, tôi tranh thủ hỏi Phạm Ông, rằng làm sao lại có danh xưng Chiêu Hổ? Ông cười, nói: “Chẳng rõ tại sao, có lẽ vì ông chuộng ngâm vịnh thù tạc”. Tiểu đồng chạy đi một lát rồi bê vào vườn lan lỉnh kỉnh những bếp, siêu, than củi, hộp trà, ấm chén và tích nước.

Chợt trong gió đưa lại tiếng sáo, tiếng trống, tiếng kèn. Phạm Ông hỏi đứa tiểu đồng: “Có chuyện gì xảy ra ở ngoài phường vậy?”. Tiểu đồng thưa: “Đêm nay ngoài giáo phường có hát”.

Nước trong siêu bắt đầu sôi, tiếng réo nghe thật phấn khích. Phạm Ông tự tay lau chén, chọn trà và hãm trà, khi chín rót ra thấy thoảng một mùi thơm trong suốt không tạp. Phạm Ông mời tôi uống trà, nhấm nháp từng hớp một.

Tiếng sáo, kèn, tiếng trống bên ngoài vẫn vọng vào. Phạm Ông trầm ngâm nói. “Sách Lễ kí xưa nói rằng, âm nhạc phải hợp với hòa khí trong trời đất, thế nhưng bây giờ triều đình không có ai để mắt đến, nên có nhiều dâm loạn, những lề luật bị tùy tiện thay đổi, đến cả nhạc cụ cũng chế tác bừa bãi. Cổ nhạc bị thất truyền”.

Tôi hỏi: “Cổ nhạc ở nước ta có ư, nó ra làm sao?”. Phạm Ông bảo: “Thanh âm ở nước ta khác với Trung Hoa. Đời Lý, đời Trần hãy còn chất phác, Triều đình có tấu quốc nhạc cũng chỉ là truyền tập, mỗi thứ tiếng đi mỗi đàng, chứ không theo nhịp với nhau. Đời Hồng Đức nhà Lê, vua Thánh Tông là bậc minh quân, có các bậc đại thần giỏi như Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh… giúp rập mới biên soạn đặt ra bộ Đồng văn và Nhã nhạc. Bộ Đồng văn thì chuyên tập âm luật để hòa nhạc, bộ Nhã nhạc thì chuyên chuộng nhân thanh, trọng về tiếng hát. Do quan Thái thường coi sóc.

Âm nhạc chốn dân gian đặt Ty giáo phường coi giữ. Đến đời Quang Hưng, vua Lê chỉ còn hư vị, Đồng văn và Nhã nhạc cũng suy mạt theo, con cháu nhà nghề thất nghiệp. Nhưng âm nhạc dân gian ở chốn giáo phường thịnh hành lên, tế giao miếu, lễ triều hạ hay tế thần ngoài dân gian đều cùng dùng thứ âm nhạc ấy cả”. Tôi nói: “Mới đây Việt Nam có đưa hồ sơ Nhã nhạc cung đình Huế ra Ủy ban UNESCO và đã được công nhận là di sản phi vật thể thế giới”.

Phạm Ông ngơ ngác một lúc: “UNESCO là cái anh nào, nhưng chả sao, nhã nhạc của ta được lưu giữ lại là tốt rồi”. Tôi lại nói: “Hát dân gian ở Kinh Bắc cũng đã được sánh vai với Nhã nhạc cung đình Huế rồi”. “Thế à?”.

Phạm Ông không mấy chú ý những điều tôi nói. Ông vẫn không thoát được khỏi mạch câu chuyện. Người nói, tuồng có ở nước ta từ đời nhà Lý, chèo thì ra đời vào thời nhà Trần, năm Cảnh Hưng nhà Lê thì sinh ra hát bội. Rồi đột ngột Phạm Ông bảo tôi: “Có ghé ra ngoài phường Hà Khẩu xem gánh hát họ chuẩn bị không?”. Tôi bảo có. Bèn đứng dậy theo bước Phạm Ông ra khỏi vườn lan.

Trời còn sớm, đám đào kép tản mạn đâu đó cả, nhạc cụ xếp ngổn ngang nơi sân đình. Phạm Ông nói: “Nước Nam ta hát trong cung gọi là hát cửa quyền, hát ở chốn giáo phường thì tự do tùy tiện. Nay hai thứ hát đó trộn lẫn vào nhau, nhạc cụ cũng nhiều pha tạp, nhiều người lấy cớ sáng tạo, chế tác lung tung.- Phạm Ông trỏ cái nhạc cụ như cái thùng vuông nói,- trong dàn nhạc, cái này là cái để cầm nhịp, chữ gọi là trúc sinh, tục gọi là đàn khô”.

Tôi ngó kĩ thấy cái đàn khô này trên rộng dưới thắt lại, mặt được ken bằng những thanh tre, dùng dùi gõ lên nghe thấy tiếng lắc cắc. Tôi còn nhận ra những loại đàn khác như cửu huyền cầm, thất huyền cầm, đàn tranh mười lăm dây, sáo, nhị hồ, trống cơm…

Tôi nói: “Xem các thứ nhạc cụ này, sao thấy chúng có vẻ anh em với nhạc cụ bên Tầu?”. Phạm Ông giơ tay làm một cử chỉ như muốn ngăn tôi lại, bảo: “Quí anh nhầm rồi. Âm nhạc ta tuy cũng có tiếng cao tiếng trầm, tiếng trong tiếng đục, đủ cả năm cung bẩy thanh, nhưng khác với âm nhạc Trung Hoa lắm, nếu không giỏi âm luật, không hiểu chỗ khác nhau về tập quán của phương Nam phương Bắc, sự khác nhau về phong khí của sông núi thì không thể biết hết được”.

Không hiểu sao đang nói, Phạm Ông lại nắm tay kéo tôi đi, không đợi xem hát nữa. Phạm Ông bảo, âm nhạc là nguyên khí quốc gia. Âm nhạc loạn thì nguyên khí quốc gia bị thương tổn.

*

Phạm Ông bỏ không xem hát, dẫn tôi vào một cửa hàng bán sách cũ, phần lớn là sách chữ Nho. Tôi tò mò cầm lên một cuốn lật xem, thấy có chép truyện tượng đầu người thân cáo, gọi là tượng Hộ quốc phu nhân, đặt trong sân rồng bên võ ban. Sách tả đầu tượng là đầu một thiếu nữ tóc búi cài trâm, dáng hình rất đẹp.

Nghe nói khi chúa Trịnh nắm hết quyền bính thì cho làm tượng ấy đặt ở sân Rồng, phát cho triều thần mỗi người một cuốn sách mỏng, bảo ai nấy về nhà đọc rồi kể để con cháu nghe. Chắc nội dung cuốn sách đó chủ yếu là phần tôi đọc được sau đây. Sách viết: “Khi xưa vua Lê Thái Tổ đánh nhau với quân Minh bị thua, phải rút chạy. Quân Minh đuổi theo gấp lắm. Đang lúc chạy giữa đường, vua trông thấy một người con gái chết bèn dừng lại, rút gươm ra đào huyệt chôn cất và khấn, “nàng mà phù hộ cho ta chạy thoát, thì ngày sau tất sẽ báo đền”.

Khi quân Minh đuổi theo đến nơi, vua bèn nhẩy vọt vào bụi rậm trốn. Quân Minh suỵt chó săn tìm. Chó nhằm bui rậm mà sủa. Lính nhà Minh dùng giáo xỉa vào, trúng đùi nhà vua. Vua lấy vạt áo lau sạch máu, bọn lính vì thế không phát hiện ra. Thế nhưng chó vẫn cứ sủa. Quan quân nhà Minh đang phân vân, thì chợt thấy một con vật đầu người mình cáo từ trong bụi rậm lao vọt ra, khiến đám chó ùa đuổi theo. Tướng giặc tức giận chém chết chó, mắng “nuôi chúng mày có phải để săn cáo đâu”, rồi kéo quân đi.

Nhà vua thoát nạn, về sau lấy được thiên hạ, chỗ ấy cho lập đền thờ, sắc phong cho người con gái ấy là Hộ quốc phu nhân. Tượng đặt ở phía ban võ trong sân Rồng là dựa theo chuyện đó làm nên”. Tôi nói: “Tôi không tin những huyền sử kiểu ấy”.

Phạm Ông bảo: “Không tin được sao, nay ở làng Thanh Liêm người ta vẫn thờ thần ấy, gọi là Hộ quốc hồ (cáo) thần, có các tước phong là đại vương, công chúa”. Tôi cãi: “Đó là các triều gia phong hàm hồ, không xét kĩ”.

Phạm Ông cười ha hả, vỗ vai tôi nói: “Huyền hóa lịch sử là cách làm xưa nay của các nhà viết sử Việt Nam và Trung Hoa. Truyện vua Lê Thái Tổ chạy thoát cuộc truy đuổi của giặc Minh, lưu truyền trong dân gian lại khác hẳn, quí anh có muốn nghe không?”. Tôi khẩn khoản xin nghe. Dưới đây là lời kể của người có tục danh Chiêu Hổ.

“Vua Lê Lợi khi còn ở Lam Sơn ra đánh nhau với quân Minh bị thua, quân tướng bỏ chạy tán loạn cả. Lúc chạy qua cánh đồng thấy hai vợ chồng ông già đang tát nước bắt cá dưới ruộng, bèn nhanh trí cởi áo giấu gươm, nhảy xuống ruộng cùng bắt cá. Quân Minh tới nơi hỏi ông lão, “có thấy Lê Lợi chạy qua đây không?”. Ông lão đáp không thấy. Lê Lợi ngảnh tai lên nghe, bị ông lão mắng, “thằng này sao không bắt cá đi, việc gì đến mày”. Quân Minh không nghi hoặc gì, bỏ đi.

Ông lão sau đó mời Lê Lợi về nhà nghỉ, làm cơm thết đãi. Sau này, mỗi khi nhà Thái miếu làm lễ tế thì có để hai ông bà ấy vào phối hưởng, tục vẫn gọi là ông Hầu, bà Hầu. Cỗ hưởng của hai ông bà ấy ngoài những thức tam sinh ra còn làm thêm các món ăn xưa ông bà đã dâng vua, để ghi nhớ cái công lúc đó”.

Tôi bảo, câu chuyện của Chiêu Hổ kể có vẻ thật hơn, tin được. Vua có được sự nghiệp là nhờ dân, chứ đâu phải nhờ ở… Việc huyền hóa lịch sử đã làm biến dạng diện mạo của nó. Phạm Ông lại cười, nhưng lần này là cười nhẹ. Ông nói, đấy chẳng qua là lối ngu dân của những nhà thống trị mà thôi. Đọc sử phải có đầu óc xét đoán, Phạm Ông răn tôi: “Chuyện ông Ngô Thì Nhậm có vai trò không nhỏ trong mật án Cán và Tông tranh ngôi thế tử (1780), dân đương thời làm câu vè giết bốn cha mà được Thị lang (ông Nhậm phát giác án Thế tử, được thăng Công bộ thị lang), nhưng em ông Nhậm là Chí khi soạn bộ sách Nhất thống chí đã che đậy đi rất nhiều”.

*

Sáng hôm sau Phạm Ông dẫn tôi đi chơi chợ.

Từ phường Hà Khẩu, tôi theo Phạm Ông đi ra phường Bạch Mã (Hàng Buồm), rồi Đồng Lạc (Hàng Đào), Diên Hưng (Hàng Ngang). Chợ ở những phường này bán đầy những tơ lụa, vóc nhiễu, quần áo. Thi thoảng lại có những cửa hàng vàng bạc chen vào. Người đông chen vai thích cánh, không biết ai là khách mua, ai là khách xem.

Phạm Ông dặn tôi, đi chơi chợ phải cẩn thận cái ví tiền, cái sợi dây đeo cổ, cái vòng đeo tay, đôi mấm đeo tai, bởi trong đám người có vẻ nhàn cư, có vẻ hào hoa luôn ẩn náu đám móc túi, đám cướp giật, những kẻ bất hảo. Tôi nghe Phạm Ông dặn dò, bất giác ngộ ra một điều, dù ở triều đại nào cũng tồn tại những kẻ bất lương, luôn biết giấu mặt.

Chúng tôi hòa vào dòng người, la cà từ phố này sang phố nọ. Vừa đưa gót chầm chậm, Phạm Ông vừa kể. “Những quân trộm cướp rất táo tợn, có khi thò tay vào túi người ta mà móc, có khi huyên truyền voi lồng, ngựa xổ để các người chợ búa hốt hoảng xô nhau chạy, giẫm đạp lên nhau rồi thừa cơ khoắng đồ”. Qua mấy phố, không có chuyện gì xảy ra, tôi nghĩ Phạm Ông nhìn đời tối tăm, quá lo xa. Chúng tôi ghé vào một quán trà, sau đó đi về phường Đông Các (Hàng Bạc). Bỗng nghe một giọng hách dịch, thét mọi người lui ra cho kiệu của Bà Lớn đi. Phố xá đang ồn ào bỗng nhiên chết lặng, sau đó vẳng lên những tiếng thầm thì. “Bà Lớn nào thế nhỉ? Có phải bà Ba bé của ông Đầu Phủ?”. “Chắc con điếm nào giả dạng đấy?”.

Tôi và Phạm Ông đứng lánh sang bên đường.

Một tốp lính vây quanh chiếc kiệu phủ lụa đỏ đi tới cửa hàng bạc bày biện sang trọng thì dừng lại. Đám người ồn ào đó khiến tôi và Phạm Ông chú ý. Tôi tiến gần chiếc kiệu, định bụng ngó trộm xem mặt bà lớn ra sao? Một người đàn bà tuổi ngoài bốn mươi, dáng vẻ như quản gia, ghé tai sát mành kiệu sau đó xướng to: “Bà lớn truyền vú già vào coi, người muốn mua mấy chục nén bạc cho quan lớn”. Một người gọi là vú già, nhưng thực tuổi chắc cũng chỉ bốn mươi, dạ to rồi khoan thai bước vào hàng bạc. Chờ một lúc, quản gia lại nói vọng vào: “Vú nói với nhà hàng đem bạc về trình quan lớn xem qua, rồi ra định giá”. Nhà hàng chưa kịp nói gì thì vú già đã cầm mấy chục nén bạc bước đi, nhìn ra thấy chiếc kiệu và đám lính lố nhố đứng cả đấy thì yên tâm, các quan lớn là cha mẹ của dân chắc không gạt lừa. Ngoảnh đi ngoảnh lại, đám lính và thị tỳ biến đi đâu mất, chỉ còn lại chiếc kiệu vẫn uy nghi ngự giữa phố. Trời sẩm tối không thấy vú già đem bạc trở lại, nhà hàng mới tá hỏa chạy đến bên kiệu gặp bà lớn, đòi lại bạc. Lúc mở kiệu ra, bà lớn đâu chẳng thấy, chỉ thấy một bà lão ăn mày, mù cả hai mắt, khoác áo điều ngồi ngủ gật.

Phạm Ông kéo tôi đi, bảo chuyện như thế thi thoảng vẫn xẩy ra. Cũng chẳng biết bọn đóng vai lừa đảo ấy là thật hay là giả nữa.

Bất chợt chiếc điện thoại trong túi tôi réo vang lên, to quá khiến Phạm Ông giật mình, bỏ tôi lại bước đi thẳng. Tôi mở điện thoại, tiếng vợ tôi gắt gỏng: “Ông vô tích sự này, ông biến đi đâu mà tôi gọi bao lần đều không thưa máy? Có về nhà bây giờ không? Nếu về ghé qua hàng bà Ba bé mua cho tôi hộp dầu gội đầu”. Tôi chưa kịp nói gì thì sầm sầm một người từ đâu đến, nắm tay tôi, bảo ông không được về, ông phải ở đây làm chứng cho tôi, quan hộ thành đang điều tra vụ cửa hàng tôi mất bạc. Tôi cố xua tay từ chối nhưng người ấy cứ lôi tuột tôi đi.

Truyện ngắn của Hà Phạm Phú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/lac-vao-giac-mo-581465/