Ladakh: Đức Dalai Lama chia sẻ thông điệp về sự hòa hợp và lòng trắc ẩn

Trong chuyến viếng thăm quan trọng đến khu vực Ladakh ở miền Bắc Ấn xa xôi, Đức Dalai Lama đã nhận lời thỉnh cầu gặp mặt với các thành viên thuộc cộng đồng của các tôn giáo khác tại quận Zanskar, nơi tập trung đông đảo Phật tử sinh sống.

Tại đây, ngài đã chia sẻ thông điệp về lòng trắc ẩn và sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Trước sự chào đón nồng nhiệt từ quần chúng, đến từ nhiều tôn giáo khác nhau, Đức Dalai Lama chia sẻ:

“Là một tu sĩ Phật giáo, khi đến bất kỳ nơi nào, tôi đều khuyến khích mọi người nên vun đắp sự hòa hợp giữa các tôn giáo với nhau. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều khuyên tín đồ của mình nên phát triển tình yêu thương, lòng bi mẫn và hành động vì lợi ích của người khác. Vì vậy, bất cứ khi nào có thể, tôi thường đến thăm những nơi thờ tự khác nhau”.

“Tôi rất hoan hỷ khi thấy ở Zanskar này, các cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo sống rất hòa thuận và đoàn kết với nhau… Sự hòa hợp trong khu vực Himalaya này rất quan trọng, vì nơi đây có mối quan hệ chặt chẽ đối với Tây Tạng, một nền văn hóa Phật giáo sâu sắc bắt nguồn từ truyền thống lịch sử Nalanda mà chúng tôi đang cố gắng giữ gìn”, ngài cho biết thêm.

Ngoài ra, Đức Dalai Lama còn thuyết giảng cho hơn 4.000 thanh niên và sinh viên đã tề tựu về đây. Các vấn đề xã hội, cảm xúc và đạo đức, đặc biệt là khía cạnh giáo dục và phát triển tâm thức được ngài quan tâm và nhấn mạnh.

“Thời gian luôn trôi qua, không gì có thể ngăn cản được nó. Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có thể định hình tương lai. Càng từ bi, chúng ta càng dễ dàng tìm thấy sự bình an trong nội tâm. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục ngày nay không hướng đến việc trau giồi những phẩm chất tốt đẹp cơ bản của con người. Nhưng may mắn là chúng ta có khả năng tự suy nghĩ mọi thứ một cách thông suốt và giáo dục là yếu tố thiết yếu để tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.

“Bạn có tin vào tôn giáo hay không là vấn đề của cá nhân bạn. Tuy nhiên, chúng ta phải kề vai gánh vác trách nhiệm chung trong việc tạo điều kiện để củng cố và phát triển nền hòa bình thế giới. Vì xung đột không thể giải quyết bằng vũ lực, và mục tiêu của tất cả chúng ta là một thế giới với tinh thần bất bạo động”.

Ngài cũng khẳng định tầm quan trọng của tình yêu thương đối với cuộc đời của mỗi con người. Bản chất thiết yếu của chúng ta là từ bi. Ngay từ khi được sinh ra, mẹ của chúng ta đã chăm sóc chúng ta. Nếu không có tình yêu thương đó, chúng ta đã không thể tồn tại được. Trải nghiệm này là cơ hội đầu tiên cho chúng ta biết rằng từ bi là cội nguồn của tất cả mọi loại hạnh phúc.

Tuy nhiên, tình yêu thương và lòng trắc ẩn dường như không còn được đánh giá cao khi chúng ta đến trường học. Vì thế, chúng ta cần được nhắc nhở rằng sức khỏe tốt và tâm bình an đều xuất phát từ tình thương và lòng bi mẫn. Nền giáo dục hiện đại sẽ hoàn thiện hơn nữa nếu có thể kết hợp giữa kiến thức Ấn Độ cổ đại, bao gồm các nguyên tắc ahimsa (bất bạo động) và karuna (lòng bi mẫn).

Cuối cùng, ngài giải thích về các câu thần chú khẩu truyền về Bồ-tát Văn Thù và Arya Tara, và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc trì tụng các loại thần chú này trong thời gian lâu dài.

Các thành viên cộng đồng Hồi giáo trong buổi gặp gỡ Đức Dalai Lama tại Eidgah ở Padum, Zanskar, Ladakh

Các thành viên cộng đồng Hồi giáo trong buổi gặp gỡ Đức Dalai Lama tại Eidgah ở Padum, Zanskar, Ladakh

Nằm trên cao nguyên Tây Tạng, Ladakh, được xem là vùng đất của những ngọn đèo cao, kéo dài từ dãy núi Himalaya đến dãy Côn Lôn và bao gồm cả thung lũng phía trên của sông Indus; phần lớn khu vực nằm ở độ cao hơn 3.000 mét.

Vào năm 2019, Ladakh trở thành lãnh thổ liên hiệp lớn nhất ở Ấn Độ sau khi chính phủ tái thiết lại bang Jammu và Kashmir. Trải rộng trên hơn 59.000km2 miền núi, phần lớn trong số đó là đất đai khô cằn và khắc nghiệt; văn hóa và lịch sử của Ladakh có mối liên hệ chặt chẽ với Tây Tạng đến nỗi Ladakh đôi khi còn được gọi là “Tiểu Tây Tạng”.

Dân số của Ladakh tập trung ở các quận Leh và Kargil. Theo số liệu điều tra dân số năm 2011, ở Kargil, 76,9% dân số với khoảng 140.800 là người Hồi giáo, trong khi ở Leh, 66,40% dân số với khoảng 133.500 là Phật tử, phần lớn theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Nhìn chung, người Hồi giáo chiếm 46,4% dân số Ladakh, Phật giáo chiếm 39,7%, còn lại là các tôn giáo khác.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, Đức Dalai Lama có thể kéo dài thời gian lưu trú tại Ladakh cho đến tháng 9 do mưa lớn ở Dharamsala và cũng để đáp lại sự chào đón nhiệt tình của quần chúng nơi đây.

Phổ Tịnh lược dịch/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/ladakh-duc-dalai-lama-chia-se-thong-diep-ve-su-hoa-hop-va-long-trac-an-post63915.html