Lại bùng dịch COVID-19, Trung Quốc nâng mức phòng chống nghiêm ngặt

Trung Quốc dường như đã kiểm soát được COVID-19. Thế nhưng, gần đây, hàng loạt trường hợp mắc bệnh mới đã được phát hiện ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, miền nam nước này. Các nhà chức trách đổ lỗi cho biến thể delta – biến thể được tìm thấy lần đầu tiên ở Ấn Độ.

Quảng Châu đã tiến hành kiểm tra xét nghiệm toàn bộ dân số 18,7 triệu người, trong đó nhiều người là xét nghiệm lần thứ hai. Các khu dân cư với tổng số hơn 180.000 cư dân bị đóng cửa hoàn toàn, không ai được phép ra ngoài ngoại trừ đi kiểm tra y tế.

Các ca lây nhiễm ban đầu được xác định bắt đầu từ một quán ăn. Ông Zhang Zhoubin - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quảng Châu - cho biết trong đợt dịch này, mức độ lây nhiễm mạnh hơn bất kỳ đợt bùng phát dịch COVID-19 nào mà Trung Quốc từng đối mặt trước đó. “Đợt dịch bệnh mà Quảng Châu phải đối mặt lần này là một đối thủ chưa từng có, và cần phải có những biện pháp kiên quyết và dứt khoát hơn để đối phó với nó” – ông Zhoubin nói.

Các cơ sở xét nghiệm ở Quảng Châu hoạt động suốt ngày đêm. Dòng người xếp hàng dài. Nhiều người đã cố gắng thức dậy sớm để xếp hàng cho nhanh, nhưng thực tế phải chờ rất lâu mới tới lượt.

Cô Mandy Li, một cư dân sống lâu năm ở quận Lệ Loan - nơi phát hiện ra hầu hết các ca lây nhiễm lần này, cho biết cô đã đặt đồng hồ báo thức dậy từ lúc 3 giờ 30 sáng, song vẫn phải đợi 1 tiếng mới đến lượt. “Dù phải đợi lâu song mọi người, dù là người lớn hay trẻ nhỏ, đều hợp tác, vì chúng tôi biết những tình nguyện viên và nhân viên y tế đã phải làm việc rất chăm chỉ và họ đã ở đó suốt thời gian qua mà không hề nghỉ ngơi ” – cô Li cho biết.

Cách tiếp cận với COVID-19 của Trung Quốc đã thay đổi. Khi đại dịch bắt đầu, Bắc Kinh đưa ra những hạn chế khắc nghiệt đối với hàng trăm triệu người. Ngày nay, việc phong tỏa chỉ áp dụng theo khu vực, thay vì thành phố hoặc tỉnh. Trung Quốc đã coi tiêm chủng trở thành trọng tâm trong chiến lược chống dịch của mình. Tuy nhiên, nhiều biện pháp phòng chống dịch cốt lõi vẫn được duy trì tại quốc gia rộng lớn và đông dân này: xét nghiệm trên diện rộng, giới hạn nghiêm ngặt về di chuyển và giám sát chặt chẽ đối với khách đến từ các quốc gia khác.

Giới chức Trung Quốc đang thúc đẩy người dân của mình đi chủng ngừa. Chính phủ nước này đang có 800 triệu liều vắc xin COVID-19, nhiều hơn so với mức 300 triệu liều mà Mỹ đang nắm giữ. Ông Yin Weidong - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Sinovac Biotech, một trong những nhà sản xuất vắc xin chính của Trung Quốc, cho hay các cơ quan quản lý Trung Quốc đã phê duyệt việc sử dụng vắc xin khẩn cấp ở trẻ em dưới 3 tuổi.

Tuy nhiên, sự lây lan của virus đã đặt ra những câu hỏi về hiệu quả của vắc xin COVID-19 của Trung Quốc, đặc biệt là đối với các biến thể.

Khu vực Seychelles vào tháng trước và bây giờ là Mông Cổ trong 3 tuần qua đều có số lượng lớn các ca nhiễm mới mặc dù các nơi này đều có tỷ lệ tiêm chủng cao. Cả hai đều đã sử dụng vắc xin Sinopharm từ Trung Quốc, dù Seychelles cũng phụ thuộc một phần vào vắc xin AstraZeneca.

Các biến thể delta hiện đang lưu hành ở Quảng Châu cũng cho thấy khả năng lây nhiễm sang một số người đã được tiêm vắc xin. Đó là vấn đề mà những người mới tiêm một mũi vắc xin - đối với loại vắc xin phải tiêm đủ hai liều - phải đối mặt khi tiếp xúc với biến thể Delta – bà Raina MacIntyre - người đứng đầu chương trình An toàn Sinh học tại Viện Kirby của Đại học New South Wales ở Sydney, Australia cho hay.

Sau khi được tiêm đủ hai liều, hiệu quả dường như tăng lên 60% với vắc xin AstraZeneca và 88% với Pfizer-BioNTech. “Với khả năng lẩn tránh vắc xin của biến thể Delta, mọi người cần phải được tiêm chủng đầy đủ” - bà MacIntyre cho biết.

Chính quyền tỉnh Quảng Đông và thành phố Quảng Châu ra lệnh cấm người dân không được rời khỏi khu vực này, trừ khi họ có lý do chính đáng và có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính với virus trong vòng 48 giờ.

Tuy nhiên, không giống như nhiều nơi trên thế giới, Quảng Châu ít nhất không phải lo lắng về việc thiếu hụt nguồn cung cấp y tế thiết yếu trong đại dịch. Bởi đây là là một trung tâm sản xuất và xuất khẩu thiết bị y tế. Ông Chen Jianhua, nhà kinh tế học của Cục Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Quảng Châu, cho biết năng lực sản xuất hàng ngày của thành phố ở mức 91 triệu khẩu trang và 7 triệu bộ xét nghiệm COVID-19.

Hà Anh

(Theo New York Times)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lai-bung-dich-covid-19-trung-quoc-nang-len-muc-phong-chong-nghiem-ngat-n194821.html