Lãi chạm đỉnh 10 năm, dư nợ margin Chứng khoán BSC ở mức 4.100 tỷ đồng
Trừ đi các chi phí, lãi sau thuế năm 2023 của Chứng khoán BSC đạt 408 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2022 và cũng mức đỉnh trong vòng hơn 10 năm qua.
Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC - HoSE: BSI) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với nhiều cửa sáng.
Theo đó, doanh thu hoạt động của công ty đạt 269 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, nhờ lãi cho vay và phải thu tăng 68% so với cùng kỳ lên 121 tỷ đồng. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng 5%, đóng góp 21,3 tỷ đồng vào doanh thu hoạt động.
Ngược chiều, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và doanh thu môi giới giảm lần lượt 32% và 5% xuống 51 tỷ đồng và 68,1 tỷ đồng.
Thêm vào đó, chi phí của quý của BSC này ghi nhận giảm đồng loạt, chi phí hoạt động giảm 41% xuống còn 99,6 tỷ đồng. Riêng lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL ghi nhận 27 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng mạnh 83% lên 43 tỷ đồng. Nguyên nhân do BSC phát hành thành công 5.000 trái phiếu BSIH2324001 có giá trị hơn 500 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm kể từ ngày phát hành là 29/9/2023.
Khấu trừ đi các chi phí, BSC ghi nhận lãi sau thuế đạt 64 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế năm 2023, doanh thu BSC tăng 16% so với cùng kỳ lên 1.259 tỷ đồng. Lãi trước thuế đạt 509 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm ngoái và bằng 90% kế hoạch cả năm là 565 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, lãi sau thuế năm 2023 của công ty đạt 408 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2022 và cũng mức đỉnh trong vòng hơn 10 năm qua.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của BSC ở mức 8.326 tỷ đồng, tăng 49% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay margin ở thời điểm này là 4.147 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với đầu năm. Các khoản cho vay giao dịch ký quỹ này có thời hạn gốc tối đa là 3 tháng và hưởng lãi suất năm từ 9,5 - 13%.
Danh mục tài sản FVTPL có thêm gần 330 tỷ so với đầu năm, lên mức 1.780 tỷ đồng. Biến động đến từ đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu niêm yết, bù lại cho việc giảm đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu khác.
Theo đó, danh mục cổ phiếu niêm yết giảm từ 172 tỷ đồng về 17 tỷ đồng, gồm hai cổ phiếu NAF và PNJ. So với giá gốc, tổng khoản đầu tư này đang tạm lãi hơn 2 tỷ đồng. Tương tự, khoản đầu tư các cổ phiếu chưa niêm yết, trong đó có cổ phiếu của CTCP Đầu tư Phan Vũ đã lãi hơn 24 tỷ đồng so với giá gốc.
Đặc biệt, chứng chỉ tiền gửi trong danh mục FVTPL gấp gần 5 lần đầu năm, ở mức 908 tỷ đồng.
Giá trị trái phiếu chưa niêm yết ở thời điểm cuối năm giảm khoảng 50% so với đầu năm, còn gần 373 tỷ đồng. Hiện BSC không còn nắm trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết và giảm đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng.