Lai Châu: Mục tiêu đưa Sìn Hồ trở thành trung tâm du lịch của miền núi phía Bắc

Huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp gắn với du lịch… địa phương đang tìm các ý tưởng, giải pháp.

Sáng nay (1/6), đoàn công tác của UBND tỉnh Lai Châu và đại diện một số sở, ngành đã là việc với huyện Sìn Hồ.

Theo báo cáo của UBND huyện Sìn Hồ, đến nay một số các chỉ tiêu giao năm 2024 của huyện đều đạt cao như: Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 4.327,1 tấn so với kế hoạch 47.250 tấn cả năm, đạt 9,2% so với kế hoạch; tỷ lệ che phủ của rừng trên địa bàn huyện hiện nay là 42,0%, đạt 99,05% so với kế hoạch; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,9%, đạt 100% so với kế hoạch; duy trì 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% so với kế hoạch. Bình quân đạt 12,3 tiêu chí/xã, đạt 91,1% so với kế hoạch.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Lai Châu và các sở, ngành làm việc với huyện Sìn Hồ về phát triển kinh tế, hướng đến đưa Sìn Hồ thành trung tâm du lịch (Ảnh: CTTĐTLC)

Đoàn công tác của UBND tỉnh Lai Châu và các sở, ngành làm việc với huyện Sìn Hồ về phát triển kinh tế, hướng đến đưa Sìn Hồ thành trung tâm du lịch (Ảnh: CTTĐTLC)

Các đề án, nghị quyết hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh Lai Châu được huyện triển khai, thực hiện đảm bảo các chính sách được đi vào cuộc sống, tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Sìn Hồ, đại diện phòng, cơ quan chuyên môn của huyện kiến nghị một số nội dung nhằm tháo gỡ vướng mắc của cơ chế, chính sách; điều chỉnh thêm một số quy định thuộc thẩm quyền; đề nghị cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện tại cơ sở được thuận lợi hơn; trồng rừng phòng hộ bằng cây chè Shan...

Cùng với đó, các thành viên đoàn công tác cũng đã phát biểu ý kiến để trao đổi, làm rõ hơn những đề xuất, kiến nghị của huyện, trong đó tập trung vào các nội dung như: Nhất trí phương án trồng rừng phòng hộ bằng cây chè Shan của cơ quan chuyên môn của huyện Sìn Hồ; cho ý kiến về thực hiện các dự án bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023; công tác quản lý xây dựng, đất đai, khoáng sản; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch…

Đặc biệt, đại diện các đơn vị, địa phương khẳng định huyện Sìn Hồ có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch… Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị huyện Sìn Hồ, các phòng chuyên môn, các địa phương của huyện cần có những ý tưởng, đề xuất, kiến nghị những vấn đề cần tháo gỡ trước mắt và lâu dài để đưa Sìn Hồ phát triển gắn mục tiêu trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Huyện Sìn Hồ có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, nhất là du lịch gắn với nông, lâm nghiệp, bản sắc văn hóa (Ảnh: dulichlaichau)

Huyện Sìn Hồ có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, nhất là du lịch gắn với nông, lâm nghiệp, bản sắc văn hóa (Ảnh: dulichlaichau)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị huyện Sìn Hồ đẩy nhanh công tác quy hoạch, thực hiện tốt công tác quy hoạch đất và các nội dung có liên quan để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch của địa phương.

Muốn Sìn Hồ được nhiều người biết đến thì huyện phải định danh, định vị được mình trong cái chung của tỉnh, từ đó mới cụ thể được các nhiệm vụ để tổ chức thực hiện. Sìn Hồ có lợi thế là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhất là về phát triển nông nghiệp và du lịch…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phân tích.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải đề nghị đối với các xã vùng cao của huyện, cần tận dụng tối đa các lợi thế, chớp cơ hội để thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương, kết nối với các trục kinh tế của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Xác định được nội lực, nền tảng vốn có (bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái, phát triển dược liệu quý, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch…)

Đối với các xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ, cần xác định lợi thế về địa hình, khí hậu, đất đai để coi nơi đây thành hậu phương cung cấp các sản phẩm cho vùng cao trong quá trình phát triển du lịch, dịch vụ. Huyện cần lựa chọn những cây trồng phù hợp, nhất là những vùng trồng cây gỗ lớn, thu hút doanh nghiệp để mở rộng diện tích rừng, xây dựng các nhà máy chế biến…

Lĩnh vực nông nghiệp, đề nghị huyện xác định sản phẩm và ngành hàng nông sản chủ lực, có lợi thế khác biệt của mình. Xây dựng vùng chè thành sản phẩm đặc trưng như chè cổ, chè tím trồng tập trung… thành sản phẩm du lịch. Cần có định hướng, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Thực hiện rà soát các tiêu chí nông thôn mới và quyết tâm thực hiện, xây dựng điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường kiểm tra, hỗ trợ đối với các chính sách đang được triển khai trên địa bàn…

Minh Thư

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lai-chau-muc-tieu-dua-sin-ho-tro-thanh-trung-tam-du-lich-cua-mien-nui-phia-bac-323643.html