Lai Châu: Nhiều khu vực thiếu nước sinh hoạt
Hiện nay, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang phải đối diện với vấn nạn thiếu nước, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất kinh tế.

Dòng suối chảy qua xã Phúc Khoa thường xuyên rơi vào cảnh cạn khô
Từ vài năm trở lại đây dòng suối chảy qua địa bàn xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu thường xuyên rơi vào cảnh cạn kiệt, gây ra nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt cũng như lao động sản xuất nông nghiệp.
Chị Hoàng Thị Hỏi, ở thôn Hô Ta, xã Phúc Khoa, cho biết: “Xưa kia khu vực sinh sống của chúng tôi luôn sẵn nguồn nước đô về theo con suối bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên Sơn, nhưng kể từ khi họ ngăn đập trên đầu nguồn, khiến dòng suối chảy qua xã thường xuyên cạn khô. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ gia đình đã phải khắc phục bằng cách đầu tư mua ống dẫn nước để lấy nước từ trên núi xuống, nhưng cũng thường xuyên gặp sự cố như thiếu nước, hoặc đứt gãy đường dẫn nước, vì khoảng cách dẫn nước là rất xa”.

Tình trạng thiếu nước gây nhiều khó khăn cho người dân sản xuất canh tác cây hoa màu
Ngày nay, nhiều hộ gia đình ở xã Phúc Khoa đã chuyển đổi canh tác từ cây lương thực sang cây hoa màu, nên nhu cầu sử dụng nước tưới hoa màu luôn luôn cần, vì hàng tuần người dân thường xuyên phải tưới nước giữ độ ẩm, đảm bảo cho hoa màu phát triển.
Ông Hoàng Văn May, Trưởng thôn Hô Ta, chia sẻ: “Với canh tác lúa nước, thì mình lấy nước tích trong ruộng nên đảm bảo đủ nước trong khoảng thời gian dài, nhưng với cây hoa màu thì nguồn nước tưới thường xuyên, đảm bảo vừa đủ giữ độ ẩm đúng kỹ thuật, nên việc phải tưới nước diễn ra rất thường xuyên. Nếu bị mất nguồn nước sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cho sự sinh trưởng của cây, và còn gây ra nguy cơ thất thu rất lớn, nên nguồn nước tưới vô cùng quan trọng đối với chúng tôi”.
Còn tại bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường, Lai Châu), với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Thời gian gần đây, tình trạng thiếu nước sản xuất thường xuyên diễn ra, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân.
Gia đình anh Lù A Páo (bản Rừng Ổi Khèo Thầu) có gần 2ha đất trồng các loại mai, đào tại bản Chù Lìn luôn trong tình trạng khô hạn vì thời tiết nắng nóng. Công trình thủy lợi Pa Chu Lìn xã Hồ Thầu (tại bản Chù Lìn) chỉ có nước ở khu vực đầu mương nước nhưng tới cuối mương (vị trí cuối bản) là không có nước phục vụ sản xuất. Diện tích đất trồng đào, mai của gia đình anh Páo luôn trong tình trạng khô héo, chỉ trông chờ vào nước mưa tự nhiên.
Trước những phản ánh tình trạng thiếu nước sản xuất của người dân, UBND xã Hồ Thầu đã cử cán bộ phối hợp với người dân đi kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân, sau đó phối hợp với đơn vị trực tiếp vận hành công trình thủy lợi Pa Chu Lìn, xã Hồ Thầu là Công ty TNHH MTV Quản lý Thủy nông Lai Châu để có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng này.

Kênh thủy lợi ở Chu Lìn không có nước
Song song với đó, cấp ủy, chính quyền xã Hồ Thầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong bản cũng như các hộ thuê đất trồng hoa hồng trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ tài sản Nhà nước, không vứt rác, đổ đất đá xuống mương nước; các hộ dân trong bản phải ký cam kết sử dụng Công trình thủy lợi hiệu quả, không được tự ý đục mương nước để lắp ống dẫn, tránh những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở.
Theo thông tin dự báo khí tượng thủy văn, năm nay, thời tiết nắng nóng kéo dài và diễn biến phức tạp, điều mong mỏi nhất của người dân nơi đây là có đủ nước sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng. Hi vọng rằng, cấp ủy chính quyền địa phương cùng với Công ty TNHH MTV Quản lý Thủy nông Lai Châu sẽ có những giải pháp hữu hiệu, quyết liệt hơn nữa để điều tiết nước hợp lý, đảm bảo nước tưới tiêu cho người dân.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lai-chau-nhieu-khu-vuc-thieu-nuoc-20250523123744281.htm