Lai Châu: Thiệt hại nặng nề sau trận mưa

Trận mưa to tối ngày 14, rạng sáng 15/5, mặc dù không có thiệt hại về người song nhiều tài sản của nhà nước và nhân dân trên địa bàn thành phố Lai Châu bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều diện tích hoa màu, trang trại của bà con bị ngập úng, mất trắng sau một đêm.

Sáng 15/5, chúng tôi có mặt tại nhà chị Hoàng Thị Ngân – bản Cắng Đắng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu). Tuy nước đã rút đáng kể nhưng dòng nước vẫn chảy xiết, tràn ngập vườn, cây cối. Do lượng nước của trận mưa đổ xuống dồn dập, nước quá mạnh nên đã làm đoạn tường rào của gia đình chị Ngân đổ sập hoàn toàn. Khu vườn rộng 6.000m2 đất ngô của gia đình chị Ngân đổ, gãy. Xót xa nhất là hình ảnh chuồng trại chăn nuôi trống trơn. Tất cả cuốn trôi theo dòng nước chỉ trong một đêm.

Những gì còn sót lại sau cơn mưa của gia đình chị Hoàng Thị Ngân.

Những gì còn sót lại sau cơn mưa của gia đình chị Hoàng Thị Ngân.

Khi phóng viên hỏi thăm, chị Ngân như vỡ òa cảm xúc, khóc nấc: Chỉ qua một đêm mà vợ chồng tôi mất hết. Khoảng 2 giờ đêm ngày 15/5, con trai tôi tỉnh giấc xuống bếp tìm đồ ăn, mới tá hỏa phát hiện nhà ngập hết nước. Khi nghe tiếng kêu thất thanh của con, vợ chồng tôi choàng tỉnh dậy xuống kiểm tra. Lúc đó, nước đã dâng lên gần 1m. Vợ chồng tôi cuống cuồng chân đập, tay run không biết xử lý thế nào. Vì dòng nước lúc bấy giờ to và chảy xiết. Tôi trực tiếp xuống thì gần 100 con lợn (trong đó có 40 con có trọng lượng từ 1,5 – 2 tạ) và 1.000 con gà đã bị nước cuốn đi hết.

Được biết vợ chồng chị Ngân chuyển về đây sinh sống được hơn 4 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên vợ chồng chị chứng kiến cảnh này. Chuồng trại chăn nuôi được gia đình đầu tư mới hơn 4 tháng nay với tổng chi phí hơn 2 tỷ đồng. Hầu hết nguồn vốn đều vay mượn. Không chỉ lợn, gà, hơn 5.000m2 ao cá nuôi hơn 4 năm cũng bị ngập. Khung cảnh tan hoang, ai đến thăm, động viên, hỗ trợ gia đình chị cũng cảm thấy xót xa.

Trước sức nước đổ về như vũ bão, nhiều diện tích tường bao bị đổ và tràn nước vào đồng ruộng của người dân.

Trước sức nước đổ về như vũ bão, nhiều diện tích tường bao bị đổ và tràn nước vào đồng ruộng của người dân.

Cạnh nhà chị Ngân là khu sản xuất rượu và chuồng trại, cây cối của gia đình bà Hoàng Thị Thanh – một trong những địa chỉ sản xuất rượu 25 nổi tiếng của Lai Châu. Trận mưa lớn cũng đã gây thiệt hại không nhỏ cho gia đình với hàng trăm con gà vịt, hàng nghìn lít rượu cuốn theo dòng nước dữ. Chia sẻ với chúng tôi bà Thanh kể: 5m tường bao bị đổ, gà vịt thì không đếm xuể. Ảnh hướng nhiều nhất của gia đình là hầm chứa rượu. Đây là khu vực chứa rượu hạ thổ của chúng tôi. Do nước lớn tràn vào nhà, nền nhà bị kích lên nên 100 chum đựng rượu (mỗi chum chứa 150 – 250 lít rượu) đổ, vỡ ngả nghiêng. Mùi rượu bay khắp không gian nhà và vườn.

Kho rượu hạ thổ của gia đình bà Hoàng Thị Thanh chỉ trong một đêm hòa vào dòng nước lũ.

Kho rượu hạ thổ của gia đình bà Hoàng Thị Thanh chỉ trong một đêm hòa vào dòng nước lũ.

Được biết, San Thàng là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với 5 điểm sạt lở; gần 2ha ao cá vỡ, 15ha ao cá bị tràn; 15,8ha hoa màu ngô, 2ha ruộng bị ảnh hưởng; 255 con gia súc, 1.600 gia cầm bị chết… Đồng chí Hoàng Văn Sinh – Chủ tịch UBND xã cho biết: Sáng 15/5, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ, công chức xã xuống các bản thống kê và hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Xã đang tiếp tục rà soát và huy động các lực lượng hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại lớn để họ sớm ổn định.

Theo thống kê sợ bộ, trận mưa đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15/5 tuy không thiệt hại về người song nhiều tài sản công và của người dân trên địa bàn thành phố Lai Châu bị thiệt hại nghiêm trọng. Cụ thể, có 50 hộ trên địa bàn thành phố bị nước tràn vào nhà, sập tường rào, sạt lở mái taluy sau nhà. Nhiều tuyến đường ngập úng cục bộ kéo theo bùn đất; sụp đổ tường rào Sân vận động tỉnh, Bến xe khách tỉnh, Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao; 3 cột điện hạ thế bị ngã đổ. Ngoài ra, các tuyến đường giao thông nông thôn, kênh thoát nước, ống thu nước thải cũng bị sạt lở, cuốn trôi. Nhiều diện tích đồng ruộng, ao cá, gia súc, gia cầm với khoảng hàng nghìn con bị dập, chết, cuốn trôi. Theo thống kê ban đầu, ước tổng giá trị thiệt hại trên 14,8 tỷ đồng.

Hiện tại, thành phố Lai Châu đang huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ dân di chuyển tạm thời tài sản, chỗ ở đến nơi an toàn. Đồng thời lên phương án khắc phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng để báo cáo chính quyền nắm, có biện pháp chỉ đạo.

Dưới biển nước này là toàn bộ ruộng, vườn của người dân bỏ bao công sức gây dựng.

Dưới biển nước này là toàn bộ ruộng, vườn của người dân bỏ bao công sức gây dựng.

Trong trận mưa đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15/5, ngoài thành phố Lai Châu, địa bàn Tam Đường cũng bị ảnh hưởng, các địa bàn khác chưa ghi nhân thiệt hại. Theo đó, huyện Tam Đường có 1 nhà bị sập, 11 nhà bị ngập nước; nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, ngập hoàn toàn và hàng tấn cá bị thiệt hại. Tuyến kênh thủy lợi Lùng Trù Hồ Pên tại xã Tả Lèng và một số tuyến đường nội bản cũng bị đất đá vùi lấp, bê tông bị sạt lở. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn huyện di chuyển tài sản và bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị thiệt hại. Nhanh chóng khắc phục, gia cố lại các nhà bị hư hỏng, giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lai Châu, mưa lớn còn có thể tiếp diễn trong những ngày tới, đặc biệt tại các huyện vùng cao như Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các sườn đồi, ven suối và khu dân cư thấp trũng. Người dân được khuyến cáo theo dõi sát các bản tin cảnh báo, chủ động sơ tán khi có yêu cầu.

Tường rào tại khu Bến xe khách tỉnh bị đổ sập đã được các cơ quan khẩn trương khắc phục, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện.

Tường rào tại khu Bến xe khách tỉnh bị đổ sập đã được các cơ quan khẩn trương khắc phục, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện.

Trước diễn biến thiên tai ngày càng bất thường do biến đổi khí hậu, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, kịp thời cảnh báo, kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng thoát lũ, gia cố kè đập, cống rãnh tại các khu dân cư. Đồng thời, chính quyền cơ sở cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phương châm “4 tại chỗ”, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng dân quân, công an xã, đội xung kích phòng chống thiên tai cơ sở để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Biến đổi khí hậu đang là một thách thức toàn cầu nhưng tác động trực tiếp và khốc liệt nhất lại đến với những người dân vùng cao, vùng sâu, nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thiên tai không chỉ là yêu cầu dân sinh mà còn là trách nhiệm chính trị của cả hệ thống, từ cấp ủy, chính quyền địa phương đến từng cán bộ, đảng viên nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Thu Trang - Bạch Dương Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/xa-hoi/lai-chau-thiet-hai-nang-ne-sau-tran-mua-998715