Lai Châu thiếu giáo viên trầm trọng cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học mới 2022-2023 đang đến gần, các nhà trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh và Tin học đang khiến các trường gặp nhiều khó khăn.
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ đến ngày khai giảng, những ngày các này thầy, cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lản Nhì Thàng, huyện biên giới Phong Thổ, Lai Châu đang tất bật chỉnh trang khuôn viên, vệ sinh trường lớp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho năm học mới. Khu nhà ở của hơn 200 học sinh bán trú cũng đang trong thời gian sửa chữa, hoàn thiện các phần việc cuối cùng để đón học sinh.
Thầy Lò Văn Vương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo kế hoạch, năm học này nhà trường có 19 lớp, gần 400 học sinh, với 7 điểm trường. Để đảm bảo chất lượng năm học, toàn bộ học sinh từ lớp 3 đã được chuyển về trường trung tâm học tập; trong đó có 3 lớp 3 với gần 80 học sinh thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. Thế nhưng, đến nay nhà trường chưa có giáo viên giảng dạy Tiếng Anh, Tin học và đang chờ bổ sung của ngành.
"Nhà trường đang thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ và môn tin học, phòng học để dành cho môn tin học cũng chưa được đầu tư, không có máy tính. Trên cơ sở điều kiện thực tế của nhà trường, trước mắt để thực hiện chương trình này chúng tôi sẽ kết nối với các trường trong toàn huyện để tổ chức dạy học trực tuyến. Phương án thứ hai là tham mưu cho các cấp để có thể phối hợp với giáo viên Tiếng Anh của trường THCS trên địa bàn để lên dạy cho Tiểu học. Về môn Tin học, trước mắt là nhà trường sẽ cử giáo viên có khả năng về công nghệ thông tin để đi bồi dưỡng, tập huấn thêm về phương pháp, nghiệp vụ, sau đó sẽ về để tổ chức dạy", thầy Vương nói.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Phong Thổ có 48 trường, hơn 860 lớp và gần 23.000 học sinh; riêng bậc giáo dục Tiểu học có 17 trường, hơn 10.000 học sinh và có 82 lớp 3. Để đảm bảo chất lượng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, địa phương cần ít nhất 17 giáo viên Tiếng Anh và 17 giáo viên Tin học, nhưng đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 theo nhu cầu tối thiểu.
Ông Khổng Văn Thiện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ cho biết: Trong tháng 5 và tháng 6, huyện đã thực hiện việc tuyển dụng đối với viên chức giáo viên và đã tuyển được 37 giáo viên. Tuy nhiên, căn cứ vào số lớp theo kế hoạch năm học, đến nay toàn ngành còn thiếu khoảng 120 giáo viên. Khó khăn nhất đối với học sinh lớp 3 ở bậc Tiểu học bắt buộc phải được học môn Tin học và Tiếng Anh, nhưng hiện nay đội ngũ giáo viên lại thiếu rất nhiều.
"Để khắc phục tình trạng này, trước mắt ngành sẽ tham mưu cho UBND huyện tiến hành hợp đồng giáo viên đối với tất cả các bộ môn thiếu, trong đó ưu tiên đối với giáo viên Tiếng Anh và Tin học. Tuy nhiên, qua khảo sát thì giáo viên các bộ môn này cũng rất hạn chế, nên ngành sẽ chỉ đạo dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp đối với môn Tiếng Anh và Tin học đối với cấp học Tiểu học và THCS", ông Thiện thông tin.
Theo kế hoạch, năm học 2022-2023 ngành Giáo dục và Đào tạo Lai Châu có 344 trường công lập (trên 5.550 lớp), 17 trường mầm non, cơ sở giáo dục mầm non tư thục và 23 nhóm lớp nhà trẻ. Đặc biệt, trong năm học này địa phương sẽ thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới dành cho hơn 24.000 học sinh, ở các nhóm lớp 1, 2 và 6 nên nhu cầu về giáo viên, nhất là giáo viên bộ môn Tiếng Anh và Tin học tăng cao.
Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Hiện địa phương đang thiếu hơn 1.300 giáo viên so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó thiếu gần 170 giáo viên Tiếng Anh và Tin học phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện dồn các điểm trường lẻ, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ... Theo đó năm học này toàn ngành đã giảm 2 trường, gần 190 lớp so với năm học trước.
"Để có cơ sở tiếp tục tham mưu làm công tác sắp xếp đội ngũ, đảm bảo theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục đủ điều kiện. Dạy như vậy sẽ theo hình thức liên cấp hoặc liên trường, khắc phục tạm thời việc thiếu giáo viên. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, các đơn vị, sau khi điều động, biệt phái giáo viên, đối với vị trí chưa tuyển dụng được sẽ thực hiện hợp đồng giáo viên theo quy định", ông Tuấn cho biết thêm.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học và những đặc thù của một tỉnh vùng cao biên giới, nhưng những năm qua chất lượng giáo dục tại Lai Châu đã từng bước vượt khó đi lên. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên trầm trọng trong năm học này đang đẩy các nhà trường đứng trước những khó khăn mới trong đảm bảo chất lượng năm học, đặc biệt là chất lượng học sinh các nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới./.