Lai Châu thiếu nguồn tuyển giáo viên

Thiếu giáo viên, nhất là giáo viên các môn chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhưng ngành Giáo dục - Đào tạo Lai Châu lại đang gặp khó khăn về nguồn tuyển. Mặc dù đã linh hoạt thực hiện các giải pháp để khắc phục trong năm học này, nhưng đây là thách thức đối với các nhà trường trong việc duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy và học.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay công tác chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025 ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã cơ bản hoàn tất. 28 giáo viên trực tiếp đứng lớp cũng đã có mặt ở trường để chuẩn bị đón hơn 700 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tựu trường.

Thầy giáo Mai Văn Tường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dào San cho biết, những khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng học tập đã được tập thể nhà trường chủ động khắc phục. Mối lo duy nhất hiện nay của nhà trường là thiếu 1 giáo viên chuyên ngành Mỹ thuật và đang chờ đợi cấp trên bổ sung. Do đây là môn chuyên ngành đòi hỏi phải có giáo viên chuyên, nên nếu thiếu nhà trường buộc phải điều chỉnh lịch giảng dạy cho phù hợp.

“Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã chủ động làm tờ trình trình Phòng Giáo dục - Đào tạo và UBND huyện xin điều động hoặc tăng cường giáo viên Mỹ thuật ngay từ đầu năm học. Trường hợp chưa kịp bố trí giáo viên thì nhà trường bố trí dạy tăng tiết học ở các môn khác lên thay thế cho môn Mỹ thuật và sau đó khi có giáo viên Mỹ thuật sẽ bố trí dạy đổi trả lại”, thầy Mai Văn Tường cho hay.

Các đơn vị trường ở Lai Châu đã chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập sẵn sàng cho năm học mới

Các đơn vị trường ở Lai Châu đã chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập sẵn sàng cho năm học mới

Cũng như nhiều trường học khác ở Lai Châu, năm học này Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tả Lèng, huyện Tam Đường cũng gặp khó khi thiếu 2 giáo viên chuyên ngành Tin học. Giải pháp nhà trường đưa ra là vẫn tiếp tục sử dụng giáo viên văn hóa đã được tập huấn Tin học từ năm học trước để giảng dạy. Điều này đồng nghĩa với việc, nhiệm vụ dạy văn hóa cho gần 600 học sinh tại trường trung tâm và 3 điểm trường bản sẽ do 31 giáo viên còn lại đảm nhận.

Thầy giáo Nguyễn Đình Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để đáp ứng được chương trình giảng dạy đối với học sinh, nhà trường đã lựa chọn cử 2 giáo viên văn hóa tham gia bồi dưỡng dạy tin học và đã tiến hành giảng dạy từ năm học 2023 - 2024. Qua 1 năm thực hiện cử giáo viên đi bồi dưỡng chứng chỉ tin học, các giáo viên rất cố gắng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Chúng tôi khẳng định là so với giáo viên chuyên sâu về tin học thì chất lượng không bằng, nhưng chất lượng đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Công tác vệ sinh trường lớp cũng đã được hoàn tất

Công tác vệ sinh trường lớp cũng đã được hoàn tất

Năm học 2024 - 2025, Lai Châu có 335 đơn vị trường, hơn 5.200 lớp và trên 150.000 học sinh. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới, đến nay gần 11.400 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có gần 8.600 giáo viên trực tiếp đứng lớp đã có mặt ở đơn vị để làm công tác chuẩn bị cho năm học mới. Thế nhưng, thách thức đối với ngành Giáo dục - Đào tạo địa phương trong năm học này là đang thiếu 972 giáo viên so với chỉ tiêu biên chế giao.

Địa phương đang tổ chức tuyển dụng hơn 500 giáo viên, nhưng gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển

Địa phương đang tổ chức tuyển dụng hơn 500 giáo viên, nhưng gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển

Bà Nghiêm Thị Kim Huê, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Lai Châu cho biết, giáo viên thiếu tập trung ở tất cả các cấp học, trong đó cấp thiết là hơn 330 giáo viên ở các môn học chuyên ngành như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Để khắc phục, Sở Giáo dục - Đào tạo Lai Châu đã thực hiện linh hoạt đồng bộ các giải pháp, vừa sắp xếp lại quy mô trường lớp, vừa tuyển dụng, hợp đồng đào tạo giáo viên, tuy nhiên khó khăn vẫn là nguồn tuyển.

“Khó khăn của Lai Châu trong công tác tuyển dụng cũng tương đồng như nhiều tỉnh khác đó là thiếu nguồn tuyển. Hiện nay hầu hết trên phạm vi cả nước các tỉnh cũng đều thiếu giáo viên và đều có nhu cầu tuyển dụng nên nguồn tuyển cũng không được dồi dào. Đối với Lai Châu thì điều kiện vị trí địa lý cũng như các điều kiện về kinh tế, xã hội nói chung so với các tỉnh khác cũng còn khó khăn, cho nên việc thu hút nguồn tuyển lên Lai Châu cũng còn gặp khó khăn hơn so với một số tỉnh khác”, Bà Nghiêm Thị Kim Huê cho biết.

Năm học này tỉnh Lai Châu thiếu gần 1.000 giáo viên

Năm học này tỉnh Lai Châu thiếu gần 1.000 giáo viên

Cũng theo bà Huê, năm học 2023 – 2024, chỉ tiêu tuyển dụng của địa phương là 422 biên chế, nhưng chỉ tuyển được 192 giáo viên và năm học này chỉ tiêu tuyển dụng tiếp tục là 535 biên chế. Để lấp khoảng trống thiếu giáo viên, Sở cũng đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên theo phân cấp, nhưng đến nay hồ sơ nộp rất ít. Thực trạng này là thách thức đối với các nhà trường trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 mà toàn ngành đang thực hiện.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lai-chau-thieu-nguon-tuyen-giao-vien-post1117539.vov