Lại chở tỏi ra… đảo tỏi

Những tháng đầu năm 2021, hiện tượng chở tỏi ra đảo tỏi tái diễn. Tình trạng buôn bán tỏi nơi khác giả danh thương hiệu tỏi Lý Sơn ngay trên 'Vương quốc tỏi' gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân đất đảo, làm suy giảm thương hiệu và mất giá trị tỏi Lý Sơn.

Tỏi từ các địa phương khác được bày bán tràn lan trên đảo Lý Sơn.

Tỏi từ các địa phương khác được bày bán tràn lan trên đảo Lý Sơn.

Những tháng đầu năm 2021, hiện tượng chở tỏi ra đảo tỏi tái diễn. Tình trạng buôn bán tỏi nơi khác giả danh thương hiệu tỏi Lý Sơn ngay trên "Vương quốc tỏi" gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân đất đảo, làm suy giảm thương hiệu và mất giá trị tỏi Lý Sơn.

Vụ đông xuân 2020 - 2021, nông dân huyện đảo Lý Sơn sản xuất hơn 320 ha tỏi. Do xuống giống muộn nên đến giữa tháng 3, tỏi Lý Sơn mới bước vào kỳ thu hoạch đại trà, nhưng thời gian qua củ tỏi tươi trồng từ đất liền đã tràn ra đảo. Qua kiểm tra, theo dõi, Phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cùng các lực lượng chức năng của huyện phát hiện một số tiểu thương dùng xe thồ vận chuyển lén lút tỏi nơi khác về Lý Sơn với số lượng gần một tấn/ngày. Vì thế, trong khi nông dân đất đảo mới chỉ thu hoạch sớm tỏi già thì những ngày này đến chợ tạm An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn) bắt gặp cảnh nhiều người bày bán củ tỏi tươi tràn lan hai bên đường. Theo người dân Lý Sơn, hầu hết tỏi mà tiểu thương vận chuyển ra đảo chủ yếu được trồng từ các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Nhưng khi bày bán họ lại không công khai nguồn gốc, xuất xứ nhằm mục đích nhập nhèm thương hiệu tỏi Lý Sơn nổi tiếng để bán với giá cao.

Một lão nông cả đời gắn bó cây tỏi Lý Sơn cho biết, do hình dáng tỏi trồng ở các địa phương khác với tỏi Lý Sơn khá giống nhau nên rất khó so sánh bằng mắt thường, chỉ khi ăn vào mới phân biệt được "thật, giả". Ðã vậy, khi hai loại tỏi trộn với nhau thì chính người dân Lý Sơn cũng lắc đầu chịu thua không thể biết đâu là tỏi Lý Sơn, đâu là tỏi "dỏm". Còn người tiêu dùng là du khách từ các địa phương khác thì như lạc vào ma trận nên chỉ biết tin vào sự trung thực của người bán.

Nguồn tỏi đất liền được vận chuyển ra đảo quá nhiều và bán với giá rẻ khiến tỏi tươi Lý Sơn từ 60 nghìn đồng (sau Tết Nguyên đán Tân Sửu) bị rớt giá xuống hiện chỉ còn hơn 35 nghìn đồng/kg. "Ngay từ đầu vụ đã bị rớt giá thì đến khi thu hoạch đại trà, giá tỏi Lý Sơn có thể tiếp tục giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí sản xuất lại tăng cao khiến nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn đứng trước nguy cơ thua lỗ" - ông Nguyễn Ðại, một nông dân trồng tỏi trên đảo Lý Sơn lo lắng và bức xúc.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Ðặng Tấn Thành, với diện tích trồng tỏi hằng năm hơn 320 ha, sản lượng trung bình đạt 2.120 tấn/năm, tỏi Lý Sơn có đặc trưng riêng như vị cay nhẹ, thơm nồng, được người dân trong nước rất ưa chuộng nên giá cao hơn tỏi trồng ở các nơi khác. Ðặc biệt, sau khi thương hiệu tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu quốc gia vào năm 2009, giá tỏi Lý Sơn bắt đầu tăng. Có những thời điểm, giá bán ngay tại đảo là 70 nghìn đến 80 nghìn đồng/kg. Phần lớn tỏi Lý Sơn được tiêu thụ trong nước thông qua các thương lái, doanh nghiệp thu mua rồi tiếp tục phân phối đi các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng,… còn lại xuất đi nước ngoài thông qua dạng quà biếu, hàng xách tay với sản lượng không lớn và không thường xuyên.

Những năm gần đây, nhiều tư thương chở tỏi từ các địa phương khác ra đảo trà trộn với tỏi Lý Sơn để bán giá cao trục lợi khiến thương hiệu tỏi Lý Sơn bị ảnh hưởng lớn. Giá tỏi Lý Sơn bắt đầu hạ và dần mất niềm tin của người tiêu dùng. Giá bán giảm, trong khi chi phí sản xuất mỗi năm một tăng cao nên nông dân gặp khó khăn. "Thương hiệu và giá trị bị suy giảm là nguyên nhân khiến năm 2020, sản lượng tỏi Lý Sơn tiêu thụ chậm, lượng tỏi tồn đọng trong dân lớn, giá cả giảm sút trầm trọng. Có thời điểm, tỏi khô Lý Sơn chỉ còn từ 20 nghìn đến 25 nghìn đồng/kg nên mỗi sào tỏi nông dân lỗ hơn 10 triệu đồng" đồng chí Ðặng Tấn Thành thông tin.

Trong những năm qua, mặc dù các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng vận chuyển tỏi nơi khác ra đảo, song thời điểm này một số người dân và tiểu thương vẫn cố tình vận chuyển tỏi nơi khác về để giả danh tỏi Lý Sơn bán cho du khách.

Theo đồng chí Ðặng Tấn Thành, để củng cố và phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân cần phải có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, đơn vị và người dân trong huyện. Cụ thể, UBND huyện đảo Lý Sơn đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân trong huyện tích cực tham gia đấu tranh, giám sát và kịp thời tố giác hành vi vận chuyển tỏi nơi khác về đảo với mục đích giả danh tỏi Lý Sơn, kịp thời cung cấp thông tin với cơ quan chức năng của huyện qua đường dây nóng 02553.876342. Các tổ chức, cá nhân, thương lái có nhu cầu vận chuyển tỏi nơi khác về Lý Sơn với mục đích làm giống phải trực tiếp liên hệ với Phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện để đăng ký và bảo đảm kê khai, cam kết không bán tỏi nơi khác trên thị trường Lý Sơn. Các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, người thân trong gia đình vì mục tiêu bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn không vận chuyển tỏi nơi khác về để trà trộn, nhằm tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người dân Lý Sơn. Hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành, tỏi Lý Sơn tiếp tục theo dõi, kiểm tra nhằm phát hiện hội viên có hành vi vận chuyển, trộn tỏi Lý Sơn để bán trên thị trường, kịp thời báo chính quyền địa phương xử lý theo quy định. Tùy theo mức độ vi phạm, Hội có thể khởi kiện các tổ chức, cá nhân vi phạm theo Luật Sở hữu trí tuệ. Ðồn Biên phòng Lý Sơn phối hợp Ban quản lý cảng Lý Sơn tiếp tục vận động các chủ phương tiện vận tải hàng hóa và hành khách cam kết không vận chuyển tỏi nơi khác về Lý Sơn…

Tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào cuối tháng 6-2020. Ðây là căn cứ bảo vệ quyền lợi, giải quyết tranh chấp thương mại, xử lý các tình huống mạo danh tỏi Lý Sơn diễn ra trên thị trường. Ðể tiếp tục nâng cao giá trị, hình ảnh và chất lượng tỏi Lý Sơn trên thị trường, huyện Lý Sơn đang khẩn trương xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc, phát triển các công cụ nhận diện, quản lý. Ðồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp triển khai mô hình sản xuất, bảo quản, chế biến tỏi Lý Sơn bền vững theo chuỗi giá trị với diện tích 100 ha.

Bài và ảnh: HIỂN CỪ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/xahoi/lai-cho-toi-ra-dao-toi-637834/