Lại chuyện... 'Kính thưa'!
Chuyện 'kính thưa' của ông bạn tôi, tưởng cứ theo tinh thần văn bản quy định mà làm, chuyện tưởng nhỏ ấy thế mà lại không nhỏ, tưởng đơn giản mà lại thành khó sửa chữa, khó tiếp thu, khó điều chỉnh!
- Này, tôi hỏi khí không phải, sao lúc phát biểu, ông “thưa gửi” gì mà nhiều thế? Ông có biết dưới này, bà con ngồi vã mồ hôi giữa trưa nắng như đổ lửa để lắng nghe, mà ông thì “phun châu, nhả ngọc” toàn tên hết vị đương kim lãnh đạo này đến nguyên đồng chí lãnh đạo kia, rồi lại còn đầy đủ học hàm, học vị, chức tước từ nhỏ tới to của từng vị nữa. Tôi nói không ngoa ngôn tí nào, chứ cả cái bài phát biểu của ông 10 phút chắc đến một nửa thời gian để dành cho “kính thưa...”!
- Khổ lắm ông bạn ơi, ông phải hiểu cho tôi, kiểu gì thì cũng phải thưa gửi, mà đã thưa gửi, thì phải...
- Thì phải thưa cho đủ chứ gì? Phải đủ ban, đủ bệ, đủ người, thiếu ai thì lại sợ người ta giận, người ta tự ái phải không?
- Ông hiểu thế, sao còn cứ trách tôi? Ông không nhớ lần trước, chỉ thiếu mỗi bác phó đoàn thể, mà giữa hội nghị, bác ấy “đằng đằng sát khí” đứng lên bỏ về đó à? Hay đợt họp phối hợp các sở ngành, chỉ vì quên chị nguyên lãnh đạo xã, mà tôi bị “nói ra, nói vào”, hễ cứ gặp là chị lại “mát mẻ”, rằng chú toàn quên chị thôi? Ấy thế nên, “cẩn tắc vô ấy náy”, tôi cứ phải chu đáo, “thừa hơn thiếu” kính thưa, kính gửi tuốt, chớ có chừa ai ra lại “mang vạ” vào thân! Sợ, sợ lắm ông ạ!
- Tóm lại, ông kính thưa “như điểm danh” vì sợ, vì ngại là chính chứ gì?
- Ừ thì thế! Của đáng tội, tôi cũng biết như thế là “dài dòng”, “dây cà dây muống”, là “gây khó gây khổ” cho cử tọa, nhưng mà chỉ có như vậy mới không “phạm lỗi” với “bề trên”, mới làm lãnh đạo vui vì được “điểm mặt”, đại biểu ban ngành, đoàn thể phấn khởi vì được “chỉ tên”, các “cụ” nguyên lãnh đạo vừa lòng vì được hậu sinh nhắc nhớ!
- Này ông bạn “sếp” ơi! Chắc hẳn ông vẫn không quên, đã có văn bản quy định từ Trung ương tới địa phương, khi giới thiệu đại biểu, chỉ cần giới thiệu người có chức vụ cao nhất, còn lại là kính thưa chung các vị đại biểu. Chứ không phải là cứ giới thiệu tràn lan, lê thê, dài dòng như ông đâu. Nói ông đừng giận, chứ cứ mỗi lần địa phương ta có dịp “lễ trọng” mà nghe ông phát biểu là tôi cũng như nhiều người có cảm giác rất.... ức chế, bởi cái việc “kính thưa cả ki-lô-mét” mở đầu của ông. Với cung cách ấy, ai mà còn tâm trí để nghe những nội dung chính trong bài phát biểu của ông nữa.
Chỗ thân tình, tôi xin góp ý thật lòng, sự có mặt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tại các buổi lễ, hội nghị, hội thảo... là đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng không phải vì thế mà cứ “bê hết” tên, chức danh, nguyên chức danh, học hàm học vị của tất cả các đồng chí ấy vào bất kể bài phát biểu, tham luận, hay giới thiệu nào. Tưởng là tốt, phản ánh đầy đủ, chân thật đến từng li từng tí, chẳng thiếu ai, nhưng hóa thành phản cảm, phản tác dụng, mà có khi vẫn thiếu. Nhất là việc liệt kê “tất tần tật” các chức danh đảm nhiệm ra để “xướng danh” thì thật là “tưởng hay lại hóa dở”! Ông còn đi phát biểu, tham luận, rồi tới đây còn chỉ đạo nhiều, nên ông phải sửa đi. Mà mình sửa đúng với tinh thần văn bản chỉ đạo từ Trung ương, ai trách ông mà ông sợ, ông ngại chứ!
- Xin tiếp thu ý kiến góp ý, nhưng mà... phải từng bước. Ôi thôi chết, đây, ông xem này, lãnh đạo vừa nhắn tôi, hồi nãy trong phần “kính thưa”, tôi để sót mất một bác bên chính quyền huyện bạn, thiếu chức danh của một chị bên đoàn thể xã. Thế này thì gay go rồi! Thôi, tôi phải chạy đi xin lỗi các bác ấy một câu, không thì....
Chuyện “kính thưa” của ông bạn tôi, tưởng cứ theo tinh thần văn bản quy định mà làm, chuyện tưởng nhỏ ấy thế mà lại không nhỏ, tưởng đơn giản mà lại thành khó sửa chữa, khó tiếp thu, khó điều chỉnh!
Vấn đề ở chỗ, đâu chỉ có mỗi ông bạn tôi ở cái huyện nhỏ phải khó xử bởi “kính thưa”?
Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/lai-chuyen-kinh-thua-151024