Lãi hơn tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng nhãn trên đất cằn
Tại tỉnh Gia Lai, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ những cây ngắn ngày sang cây ăn trái và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Giữa mùa khô, trong lúc cả vùng bạt ngàn mía đang khô quắt thì vườn nhãn của gia đình bà Nguyễn Thị Huyền, thôn Chư Wâu, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai trở nên nổi bật bởi màu xanh.
Đứng cạnh những cây nhãn đang trĩu quả, chuẩn bị thu hoạch, bà Nguyễn Thị Huyền phấn khởi cho biết, bà chuyển đổi 3 hecta từ trồng mía sang trồng nhãn được 8 năm. Hiện vườn nhãn bước vào năm kinh doanh thứ 5, với khoảng 500 cây nhãn lồng Hưng Yên và nhãn Thái cho năng suất bình quân từ 70-90 kg/cây.
Nhãn chất lượng cao nên thương lái cũng tìm đến tận vườn để thu mua, gia đình bà không phải chở đi bán. Với giá bán khá cao, bình quân từ 25.000-45.000đồng/kg, tùy thuộc vào mùa vụ, vườn nhãn đang mang lại khoản thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm cho gia đình bà Huyền.
“Quê của gia đình là quê đất nhãn lồng Hưng Yên, nên thấy vùng đất ở đây khó khăn quá, tôi mới đưa cây nhãn ở ngoài quê vào áp dụng, trồng thử, làm mô hình. Nhưng rất may là về đến đây thì cây chịu đựng được và bắt đầu mình nhân rộng”, bà Huyền nói.
Cũng quê gốc Hưng Yên, trong 10 năm, gia đình ông Bùi Đức Quý, thôn Hải Yên, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi dần 5 hecta từ cây mía sang cây nhãn và hiện vườn nhãn đã có hơn 800 cây lớn, nhỏ. Những cây lớn hiện cho thu đến 1 tạ/năm. Dày công tìm tòi, nghiên cứu với thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng đất khô cằn, sỏi đá như Chư A Thai, ông Quý đã làm chủ được công nghệ làm cho vườn nhãn ra hoa, đậu quả quanh năm, tháng nào cũng có nhãn bán ra thị trường. Nhờ đó, nguồn thu ổn định và rất cao, với bình quân khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng mía như trước đây.
“Trong này là cho ra quanh năm, tôi muốn cây nào cho ra quả cũng được. Đồng thời, trong 12 tháng là tôi đều có nhãn bán cả. Có nghĩa là nhãn bán tứ quý. Nhưng không phải là một cây cho ra nhiều lần, mà thu cây này thì cho ra quả cây khác”, ông Quý chia sẻ.
Từ những người đầu tiên quê ở Hưng Yên tiến hành chuyển đổi từ trồng mía và một số loại cây ngắn ngày sang trồng nhãn, đến nay, nghề trồng nhãn ở vùng đất cằn Chư A Thai đã phát triển với nhiều người học tập, làm theo. Nhiều mô hình đang cho hiệu quả kinh tế khá tốt. Như gia đình ông Lại Quang Huấn, thôn Chư Wâu, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 3 hecta mía sang trồng nhãn được 3-4 năm. Hiện vườn nhãn bắt đầu bước vào kinh doanh và đời sống của gia đình ông Huấn nhờ đó cũng đang dần khấm khá lên.
Theo ông Huấn, nghề trồng nhãn đòi hỏi kỹ thuật khá cao nên người trồng phải cần cù, chịu khó học hỏi, cẩn thận từ khâu chọn giống đến trồng, chăm sóc mới có thể làm chủ được vườn nhãn. Ở vùng đất thiếu nước, ông Huấn đã nghiên cứu để đầu tư theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với một hệ thống tưới nước tiết kiệm, vừa giúp cây nhãn phát triển ổn định vừa tiết kiệm được nhân công.
“Nói chung, đầu tư được hệ thống tưới này, mình vừa tiết kiệm được công, hai nữa là rất là nhàn. Mình chỉ có đi điều chỉnh các van để tưới khu nào là điều chỉnh van ở đấy. Mà cây cối phát triển rất tốt vì chủ động được nguồn nước”, ông Huấn cho hay.
Nghề trồng nhãn đang dần hình thành ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Những cây nhãn đang phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động và tích cực học hỏi kinh nghiệm để áp dụng thực tiễn, đang mang lại những hiệu quả thiết thực cho các hộ dân trồng nhãn trên vùng đất cằn. Đây là những mô hình hay, đáng để học tập, nhân rộng về cách làm trong bối cảnh ngành nông nghiệp ở địa phương còn nhiều khó khăn như hiện nay./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lai-hon-ty-dong-moi-nam-nho-trong-nhan-tren-dat-can-1028793.vov