Lại lỗi kỹ thuật
Logo Bộ Y tế biến thành 'rắn ngậm phong bì' trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn, nhất là mạng xã hội những ngày qua.
Cuối cùng thì lỗi vẫn được cho là “sai lệch là do cán bộ kỹ thuật của Trường đại học Y Hà Nội”. Hết tại người đánh máy, bây giờ lại tới “cán bộ kỹ thuật”, không biết tới đây nếu có sai sót thì “tại ải, tại ai” hay vẫn điệp khúc cũ.
Gần đây, mỗi khi có một văn bản nào đó ra đời bị dư luận “ném đá” chúng ta thường nghe cụm từ “sai sót do lỗi đánh máy”. Nếu đổ sai sót trong khâu soạn thảo văn bản cho “người đánh máy” thì coi như “huề cả làng” bởi chả mấy khi thấy ai phải chịu, mà nếu có chịu thì cũng do “người đánh máy”.
Cũng vậy, những sai sót kiểu như logo “rắn ngậm phong bì” rồi cuối cùng nếu có chịu trách nhiệm thì vẫn chỉ là “cán bộ kỹ thuật”.
Nếu ai đó nói rằng trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay yếu so với trước kia chắc chắn sẽ bị ném đá không thương tiếc, bởi nếu chỉ nhìn vào bằng cấp của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay đã thấy quá “khủng”: bằng cấp, chứng chỉ đầy mình không chỉ trong mà cả nước ngoài cấp. Chỉ có điều lạ là, không hiểu tại sao với những bằng cấp, chứng chỉ đồ sộ như vậy mà việc soạn thảo, ban hành văn bản, tổ chức một sự kiện vẫn diễn ra những sai sót khó mà chấp nhận kiểu như trên.
Thời gian qua, có những văn bản chỉ mới ở dạng dự thảo, chưa kịp mang ra “trình diễn” đã bị dư luận lên tiếng phản ứng rầm rầm vì tính phi thực tiễn. Có những sự kiện, những buổi lễ dư luận liền phát hiện và mổ xẻ không ít sai sót mà vụ việc nêu trên chỉ là một.
Sở dĩ sai sót logo “rắn ngậm phong bì” nhận được sự quan tâm của xã hội bởi nó gắn với ngành y, ngành gắn với sức khỏe, tính mạng con người. Nếu để ý thời gian gần đây sẽ thấy có những văn bản ban hành xong lại mất rất nhiều buổi họp, mất nhiều thời gian để… đi giải thích “rằng, thì, mà, là”.
Cũng vậy, tắc trách để xảy ra những sai sót kiểu như trên để rồi làm mất thời giờ của ngành công an phải đi điều tra, làm rõ, trong khi đất nước, xã hội còn vô vàn chuyện khẩn thiết hơn.
Còn nhớ, có lần một lãnh đạo của một huyện nói vui với người viết rằng thực ra để xem một văn bản ban hành người dân có hiểu hay không cũng không phải là quá khó. Theo anh, chỉ cần mỗi cơ quan tuyển một nhân viên có học lực lớp 3, nếu ở vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số thì nhân viên ấy thêm là người dân tộc thiểu số càng tốt. Mỗi khi cơ quan dự thảo văn bản xong, chỉ cần đưa cho người đó đọc lại, nếu người đó hiểu thì khi ban hành chắc chắn người dân đọc sẽ hiểu.
Chúng tôi hiểu đó chỉ là lời nói hài hước và hoàn toàn không có ý coi thường trình độ của người dân, của đồng bào dân tộc thiểu số hay của những người học lớp 3, nhưng “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” (Kiều).
Một văn bản chắc chắn và trước hết phải đảm bảo nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó không thể thiếu các tiêu chí: hợp hiến, hợp pháp, hợp đạo lý, văn hóa Việt Nam, đúng thẩm quyền, thể thức và không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết… Cũng vậy, một buổi lễ bao giờ cũng có kế hoạch trước, có phân công, phân nhiệm rõ ràng những ai chịu trách nhiệm công việc gì, vậy mà cuối cùng sai sót vẫn cứ xảy ra ngày càng nhiều.
Viết điều này không phải chỉ để nói về sai sót nêu trên, bởi sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ là điều khó tránh khỏi, song có những sai sót đến mức như câu chuyện này thì cũng thật là khó hiểu và “bó tay”. Sai sót này cũng là lời nhắc nhở, là bài học đắt giá cho tất cả những ai đang làm việc, hưởng lương từ những đồng tiền thuế của người dân.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lai-loi-ky-thuat-187172.html