Lại nhớ bánh đa, cùi dừa
Thoạt nghe, thấy hai thứ chả liên quan gì đến nhau. Bánh đa cứng, cùi dừa còn cứng hơn. Thế mà cách đây hơn chục năm, hồi bà tôi còn sống, cứ mỗi mùa trung thu đến, thể nào bà cũng nhắc: Phải ra chợ mua bánh đa cùi dừa về bày cỗ.
Chợ quê ngày ấy, dù là chốn bán buôn, nhưng ở vùng trung du nghèo vẫn mang vẻ buồn tẻ. Bởi vậy, chợ như thể chờ Tết về để khoe sắc, nhộn nhịp hơn thường ngày. Trước Tết Trung thu cũng vậy. Những người bán đèn ông sao ở đâu tự dưng mang đến bao nhiêu là đèn, xếp la liệt trên tấm bạt, lại treo giăng giăng lên những chiếc dây vừa mới buộc ở hai đầu cọc, hút mắt lũ trẻ đến chỉ trỏ, bình phẩm, thèm thuồng.
Giấy bóng kính xanh đỏ sột soạt, lại thêm những tua hoa bằng giấy trang kim lấp lánh đủ màu, hấp dẫn vô cùng. Đứa nào cũng mong được mua cho một chiếc, để khoe mình có đèn đầu tiên ở trong xóm. Bên cạnh đó là hàng đống bưởi tròn tròn, bẹt bẹt, thứ bưởi lắm nước, nhiều tôm, bóc ra là tung tóe hết cả.
Còn có bưởi ta, thứ bưởi dôn dốt chua, ăn mãi không chán mà lại không bị xót ruột. Bưởi đào thì lại hồng đào trong cùi và múi, thường là ngọt và hơi "he". Những hàng bỏng ngô, bi ron ron cũng đắt khách hơn thường lệ. Sang trọng nhất là hàng bánh dẻo, bánh nướng. Dù bánh của nhà máy hay chỉ là thứ bánh thủ công cũng vẫn là thứ hàng cao cấp, mỗi nhà chỉ mua một vài cái lấy lệ. Rồi thì hồng đỏ hồng ngâm, thứ xanh thứ vàng, mỗi thứ một ít, cho mâm cỗ đủ đầy, vui mắt.
Lũ trẻ thì chỉ quẩn quanh bên những thứ quà ấy. Song, mua thứ gì là phụ thuộc người lớn, nên chúng phụng phịu ra trò. Giữa chợ, một bà hàng bánh đa đã quạt phì phạch từ bao giờ. Bên cạnh chậu than đôi lúc tỏa khói khét um là hàng xấp những chiếc bánh đa vừng cong vênh vàng rộm, lấm tấm nâu đen. Ai vội, có thể mua bánh quạt sẵn.
Ai không vội, có thể chọn lấy những cái bánh chưa nướng ưng ý, ngồi chờ bà hàng rỗi tay thì quạt cho. Bà hàng cứ thoăn thoắt, tay này lấy bánh, trở bánh, tay kia quạt điều tiết nhiệt, rồi mồm thì trả lời khách, chốc chốc dừng lại nhận tiền, trả lại tiền. Cứ thế, nhịp nhàng như múa. Quạt xong một chiếc, bánh nở đều, chín thơm, còn nóng giãy, bà lấy ngay chiếc quạt đỡ bánh, để một lúc rồi mới lấy chiếc dùi, xâu một lỗ, xỏ vào đó chiếc lạt giang dẻo quẹo để khách xách về. Trẻ con không được lớ xớ cầm vào, vì gẫy, vỡ bánh như chơi.
Cạnh bà hàng bánh đa là ông bán cùi dừa. Cứ như thể hai ông bà hẹn nhau cùng đến chợ một lượt. Không giống các hàng khác, chen nhau, có khi xô xát chỉ vì để lẹm hàng sang nhau nửa đốt ngón tay, ông cùi dừa và bà bánh đa rất "hòa thuận".
Sáng ra, dọn hàng xong, ông cùi dừa ngồi tách xơ, chặt bỏ sọ dừa, bổ một vài quả cho phơi lõi trắng phau ra chào hàng xong là ngồi đợi. Bao giờ cũng thế, người ta mua bánh đa xong mới sang hàng cùi dừa. Vì thế, có lúc thiếu chỗ bày bánh, ông còn dẹp bớt xơ dừa đi để bà bánh đa có chỗ. Hoặc lúc đông khách quá, ông còn sang quạt bánh, chọn bánh, trả lại tiền hộ.
Ông biết, sau khi mua bánh đa, chả ai bỏ qua hàng của ông được nên niềm nở với "khách chung". Người mua nhiều bánh đa thì ông bán cho một quả, thậm chí hai quả dừa. Người mua ít bánh đa, ông lại tư vấn, chỉ cần nửa quả, góc quả thôi. Dừa cũng xâu bằng lạt giang hoặc sợi rơm. Nhìn thấy bà tôi, ông nhận ra khách quen, tươi cười hỏi: "Cháu chọn cho bà quả bánh tẻ nhé". Bà tôi ra vẻ gắt nhẹ: "Quả rõ dày cùi, rõ già vào chứ". Ông trêu: "Răng lợi đâu nữa mà cứ thích ăn dừa già thế"? Bà tôi cũng vui vẻ đùa lại: "Vẫn chưa rụng chiếc nào. Yên tâm đi. Bánh đa mà ăn với cùi dừa non thì còn vị gì nữa". Thế là tôi được vác về một quả dừa nặng, dù trong lòng chả thích thú tí nào.
Không thích thật, vì khi phá cỗ, trẻ con đứa nào cũng chỉ háo hức bánh nướng bánh dẻo, quả bưởi quả na, ăn hết những thứ đó rồi mới đến quả hồng, quả ổi. Chỉ người lớn mới cứ chọn bánh đa cùi dừa mà ăn.
Trải chiếu giữa sân, nhìn lũ trẻ tưng bừng rước đèn, đứa phồng mang trợn má ăn bánh dẻo, đứa nhăn mặt lè lưỡi vì bưởi chua, đứa tay ăn tay giữ phần, người lớn thong thả bẻ từng miếng bánh đa, nhai một lúc rồi cắn một miếng cùi dừa, thong thả chuyện trò.
Vì cứng, nhai lâu, nên khi bọn trẻ đã "phá" xong cỗ rồi, bao nhiêu thứ ngon đã chui vào bụng, thậm chí đã ngót hẳn đi vì chúng chạy nhảy khắp nơi thì quay về, người lớn vẫn ngồi đó, nhấm nháp bánh đa, cùi dừa. Thậm chí, đến tối hôm sau, khi trải chiếu ra sân ngắm trăng 16, vẫn còn lại một vài mảnh bánh nâu vàng và cùi dừa đã hơi ngả màu.
Có lần tôi tò mò thử ăn. Quả là rất khó ăn. Bánh đa thì giòn tan rồi, nhưng cùi dừa rất cứng, nhai trệu trạo. Nhưng đến khi cả hai thứ hòa quyện với nhau trong miệng thì lại có một hương vị đặc biệt. Bột gạo đầm đậm, được nước dừa ngọt béo thấm vào, tan ra, vừa thơm vừa bùi, ăn mãi chỉ thấy mỏi miệng chứ không chán. Ấy là lúc tôi cũng bắt đầu lớn, nhập vào chiếu bánh đa cùi dừa của người lớn, nhường phần mâm cỗ ít ỏi cho bọn trẻ.
Hóa ra, bánh đa cùi dừa ngon thật, nhưng còn rẻ nữa, nên tiền ít mà mua được nhiều. Trẻ con cứ thưởng thức trung thu của trẻ con, người lớn cũng có cỗ riêng của mình, để được trẻ lại chốc lát trong những mùa trăng tháng Tám.
Bây giờ, chợ quê đã nhộn nhịp quanh năm, hàng quán cũng nhiều, sắm trung thu không cứ gì phải ở chợ. Tôi vẫn ra, định mua cặp bánh đa với góc cùi dừa về thắp hương bà, mà tìm mãi chẳng thấy. Chỉ thấy hàng dừa bán để về kho thịt, nấu chè, tịnh chẳng thấy mẹt bánh với chậu than phì phạch. Vật chất đủ đầy hơn, cái thời của bà tôi, của bà bánh đa và ông cùi dừa dường như đã lùi xa lắm. Như về tận cổ tích.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lai-nho-banh-da-cui-dua-10262672.html