Lại nóng chiết khấu xăng dầu
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, chiết khấu xăng dầu đang xuống mức âm, thậm chí còn không có hàng để lấy bán. Vấn đề này đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt thời gian qua nhưng dường như chưa có phương án giải quyết hiệu quả nào được đưa ra.
Doanh nghiệp khóc ròng
Ông Lê Ngọc Mạnh, chủ một công ty bán lẻ xăng dầu ở Quảng Trị than thở, xăng dầu thương nhân phân phối giao tại cửa hàng đều âm 250 đồng/ lít. “Thật sự buôn bán xăng dầu hiện nay cứ nghĩ là muốn khóc” - ông Mạnh nói.
Trong khi đó doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu Bùi Dũng cho biết, công ty đầu mối gửi thông báo chiết khấu xăng dầu ngày 8/4 như sau: Dầu tại kho Hải Linh, Hoàng Huy 350 đồng/lít; kho Đình Vũ 300 đồng/lít; Xăng Ron 95 tại kho Đình Vũ: 100 đồng/lít (với lượng bán ra hạn chế phải đăng ký trước). Công ty áp dụng chiết khấu xăng cho đại lý 150 đồng/lít. “Như vậy chỉ cần vận chuyển xăng, dầu từ kho về cửa hàng bán là đã doanh thu âm”- đại diện DN Bùi Dũng nói.
Vì chiết khấu xăng dầu luôn trong tình trạng thấp nên bà Mai Thị Mơ, một chủ DN bán lẻ xăng dầu ở Cần Thơ cho biết, ước tính nhà bán hơn 1.000 khối xăng dầu/tháng, cộng thêm tiền lương chi trả cho 8 người làm cũng hơn 100 triệu đồng/tháng. Lỗ liên tiếp nên DN chỉ mong có được chiết khấu tối thiểu để... thở được.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đỗ Nghị, đại diện Công ty TNHH xây dựng và thương mại Duy Hồng tại một tỉnh vùng núi phía Bắc, cũng cho biết chiết khấu đưa về bản làng 50 đồng/lít, DN bán lẻ xăng dầu vùng xa đang lỗ gần 1.000 đồng/lít. Ông Nghị nói: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị quy định trong kinh doanh xăng dầu thế nào để bảo đảm đủ chi phí cho DN hoạt động. Tuy nhiên, dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu sau nhiều góp ý thì bản mới nhất cũng chẳng có gì tiến triển hơn so với quy định cũ. Không quy định chi phí bán hàng định mức cho bán lẻ, nên mới xảy ra tình trạng chiết khấu phập phù, không ổn định như hiện nay. Nếu tình trạng chiết khấu 0 đồng hay vài chục đồng kéo dài sẽ rất khó khăn cho DN”.
Khi chiết khấu bán lẻ đưa về 0 đồng kéo dài, các DN đầu mối cho rằng, do chi phí đưa xăng dầu về nước không được tính đủ, khiến đầu mối lỗ, không thể có chi phí bán hàng về cho bán lẻ. Sau đó, chi phí đưa xăng dầu về nước được Bộ Tài chính cho điều chỉnh tăng, giá xăng dầu tạm ổn định một thời gian. Nay, giá dầu thế giới tăng mạnh liên tục trong 2 tuần qua, hiện tượng "bóp" chiết khấu quay trở lại.
Ông Giang Chấn Tây (Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, Trà Vinh) cho biết: Hiện nay, các DN bán lẻ xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn do thời gian qua quy định, trong Nghị định 95/2021 của Chinh phủ và các thông tư liên quan không có lợi cho DN bán lẻ, nhất là không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức được quy định tại Nghị định 95/2021 của Chính phủ và Thông tư 104/2021 của Bộ Tài chính. Các quy định không ghi rõ tỷ lệ phân chia các khoản này ở các khâu nên DN đầu mối đã gom hết khi lỗ và khi lời thì bù lỗ các khoản lỗ của kỳ trước chưa bù lỗ hết, thậm chí là bù lỗ cho các khoản lỗ do đầu tư kinh doanh ngoài ngành.
Ngoài ra, trong Nghị định cũng không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chi phí định mức, không quy định chiết khấu tối thiểu cho DN bán lẻ để duy trì chi phí tối thiểu hoạt động xuyên suốt. Vì vậy mà chiết khấu có thời điểm rất lâu duy trì ở mức 0 đồng hoặc âm, từ đó dẫn đến DN bán lẻ thua lỗ kéo dài.
Trước tình hình chiết khấu liên tục bất ổn định, nhiều DN bán lẻ xăng dầu kiến nghị, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần điều chỉnh lại chính sách theo hướng quy định rõ mức chiết khấu tối thiểu mà các đầu mối phải cắt trả cho đại lý bán lẻ, đưa nội dung này vào các dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Chiết khấu xăng dầu là một trong những nội dung quan trọng mà các đại lý xăng dầu trên cả nước đề nghị cơ quan quản lý quy định rõ trong việc sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Theo các đại lý bán lẻ, trong hơn 1 năm qua, chiết khấu cho đại lý xăng dầu nhiều thời điểm bằng 0, khiến các DN này thua lỗ nặng. Dù vậy, nếu đại lý đóng cửa không thông báo trước với Sở Công thương địa phương thì họ sẽ bị phạt nặng.
Để ổn định thị trường xăng dầu, cân đối cung - cầu giữa các DN bán lẻ và DN đầu mối, các cơ quan chức năng cần sớm rà soát và thông báo áp dụng mức chi phí phù hợp với thực tế phát sinh để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu. Có như vậy mới bảo đảm sự ổn định của thị trường xăng dầu, giúp DN yên tâm trong kinh doanh phục vụ nhu cầu người dân.
Hiện Bộ Công thương đang hoàn tất sửa đổi Nghị định 95. Tuy nhiên, nội dung cụ thể về chiết khấu xăng dầu do DN tự thỏa thuận hay được quy định cứng vẫn còn bỏ ngỏ.
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương cho rằng hãy để các DN nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích, để họ tự phân chia lợi ích, như vậy thị trường sẽ dần hài hòa. Bên cạnh đó, việc liên tiếp thanh tra, kiểm tra với DN kinh doanh xăng dầu hiện tại chỉ khiến thị trường khó khăn hơn. Nhà nước đừng để DN bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách.
Trong khi đó, theo TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), phần thiệt thường rơi vào khâu bán cuối cùng khi giá thế giới biến động tăng. Những ngày qua, giá thế giới tăng liên tục, nhưng các hợp đồng mua của đầu mối thường theo kỳ hạn trước mấy tháng. Thế nên, không thể nói giá kỳ này tăng cao quá "bóp" chiết khấu được. Như vậy, nghị định sửa đổi cần mở rộng cho DN bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn, giá bao gồm có chi phí được hưởng trong đó, còn chiết khấu lời lãi tự 2 bên quyết định.
Còn ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm: Cần phải tính toán để quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ. Bởi vì khi giá cả lên xuống, có nhiều lúc chi phí tăng cao khiến cửa hàng bán lẻ khó tiếp cận được nguồn mua.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, không chỉ đối với Việt Nam mà toàn thế giới. Sự biến động của xăng dầu không chỉ tác động đến người tiêu dùng mà cả sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát… Do đó, các cơ quan liên quan phải đứng ra để điều hành, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân, nền kinh tế. Bộ Công thương là cơ quan quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm việc cung ứng xăng dầu ổn định nên sẽ nắm được bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành thị trường xăng dầu phù hợp.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lai-nong-chiet-khau-xang-dau-5714605.html