Lại 'nóng' chuyện cân bằng lợi ích trong Nghị định kinh doanh xăng dầu
Bài toán lợi ích cân bằng giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu là cần thiết để đảm bảo ổn định nguồn cung trong mọi tình huống. Mặc dù vậy vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều liên quan tới Nghị định kinh doanh xăng dầu.
Hôm nay (ngày 14/5), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Trước đó, những ngày qua, các nhóm doanh nghiệp (DN) ở khâu đầu mối, phân phối, bán lẻ liên tục bàn thảo về câu chuyện đóng góp ý kiến để đảm bảo lợi ích, vận hành hiệu quả thị trường này.
Petrolimex phản bác đánh giá Nghị định giống ‘bình mới rượu cũ’
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phản ánh rằng một số điểm trong dự thảo Nghị định còn gây khó khăn cho DN đầu mối, trong đó có quy định về dự trữ lưu thông, nâng số ngày dự trữ ở mức tối thiểu từ 20 ngày lên 30 ngày.
Petrolimex tính toán, nếu dự trữ 30 ngày, tăng 10 ngày so với hiện này cần bổ sung chi phí khoảng 100 đồng/lít (hao hụt 0,22% và chi phí vốn tương ứng khoảng 0,21%). Theo mức phân giao nguồn 2024, toàn thị trường sẽ mất thêm chi phí khoảng 900 tỷ đồng trong một năm.
Đồng thời, đại diện Petrolimex cho rằng chưa có quy định rõ Nhà nước công bố giá bán tối đa các mặt hàng xăng dầu nào? Các mặt hàng còn lại thuộc thẩm quyền của tổ chức nào? Nguyên tắc xác định giá bán tối đa của các mặt hàng này? Công thức giá bán tối đa nhiên liệu sinh học… Theo ông Năm, cần phải có cơ quan quản lý Nhà nước chủ trì để hướng dẫn nguyên tắc xác định giá bán xăng dầu và thực hiện công bố giá để làm cơ sở cho các DN thực hiện.
Ngoài ra, Petrolimex đề nghị làm rõ điều kiện để cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với các DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con (công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ công ty con); theo đó loại hình của công ty con trong tổ hợp này là gì?
“Tránh tình trạng nhiều khi cơ quan thanh tra bắt bẻ, thương nhân đầu mối là công ty mẹ, không chấp nhận công ty con”, đại diện Petrolimex nói.
Mặc dù vậy, Phó Tổng giám đốc Petrolimex đánh giá, dự thảo nghị định lần 2 nhưng có nhiều nội dung mới mà phía Petrolimex thống nhất cao như vấn đề sở hữu, kết nối dữ liệu, quy định rõ hệ thống thương nhân phân phối không được mua hàng của nhau… “Nhiều ý kiến nói Dự thảo Nghị định “bình mới rượu cũ” nhưng Petrolimex không đồng tình với điều này”, ông Năm nói.
Trong khi “ông lớn” Petrolimex đồng thuận với quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau. Về phía các thương nhân phân phối xăng dầu lại phản đối quy định này.
Theo ông Nguyễn Văn Tiu, Công ty CP Xăng dầu Tự Lực I, dự thảo thu hẹp quyền của thương nhân phân phối. Trước đây, ngoài mua hàng của thương nhân đầu mối còn được mua hàng của thương nhân phân phối để tránh tình trạng bị thương nhân đầu mối tạo sức ép. Tuy vậy, trong dự thảo lần này, thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của thương nhân đầu mối, không được mua hàng của thương nhân phân phối.
“Đề xuất không nên thu hẹp quyền của thương nhân phân phối như vậy. Có rất nhiều thương nhân phân phối làm ăn chuẩn chỉnh”, ông Tiu nói.
Phân phối, bán lẻ lo bị mất quyền lợi
Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) thẳng thắn, cho rằng đọc Dự thảo Nghị định cảm xúc đầu tiên là có nhiều điều khoản bó buộc, hạn chế quyền tự do của thương nhân phân phối xăng dầu, vi phạm Luật Cạnh tranh. “Tại sao thương nhân phân phối là DN kinh doanh xăng dầu, có quyền tự do cạnh tranh nhưng dự thảo lại cho phép chúng tôi chỉ được mua từ thương nhân đầu mối mà không được mua chéo của nhau”, ông Dũng bất bình.
Vị đại diện DN này so sánh, các thương nhân đầu mối được mua từ 2 nhà máy lọc dầu, nhập khẩu thì không có lý do gì bắt 300 thương nhân phân phối không được mua hàng của nhau. Theo đó, ông Dũng đề nghị cần nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu một cách công khai minh bạch như sàn cà phê… giúp thương nhân phân phối căn cứ vào giá chốt hàng.
Ông Nguyễn Công Minh, thương nhân phân phối xăng dầu tại Bắc Giang cũng cho rằng như vậy là hạn chế quyền của thương nhân phân phối, quyền được mua - bán giữa các thương nhân phân phối với nhau. “Trong những giai đoạn giá cả thất thường, nhờ được mua bán chéo nên các thương nhân phân phối có thể chia sẻ với nhau rất tốt cả về lượng, giá bán. Nếu hạn chế quyền này thị trường chưa chắc đã ổn”, vị này nói.
Trong khi đó, với các DN bán lẻ xăng dầu, vấn đề quan tâm nhất lúc này tiếp tục là câu chuyện phân chia lợi nhuận một cách hợp lý. Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát, chi phí cố định của DN bán lẻ hiện 700 – 800 đồng/lít nên dù được chiết khấu 1.100 đồng/lít cũng không giúp lợi nhuận tốt hơn. Nếu một cây xăng mỗi ngày bán được 1.000 lít, mới lãi được 400 nghìn đồng, thua thu nhập của một lao động phổ thông, trong khi cây xăng phải đầu tư tiền tỷ.
Vì vậy, các DN bán lẻ đề nghị cho phép thương nhân đầu mối định giá bán buôn mức 1; cho phép thương nhân phân phối định giá bán buôn mức 2 và giá bán lẻ; cho phép DN bán lẻ xăng dầu quyết định giá bán lẻ. Trường hợp, Nhà nước quy định giá bán lẻ đề nghị chi phí kinh doanh nội địa và lợi nhuận của 3 khâu là 3.000 – 5.000 đồng/lít và Nhà nước ban hành tỷ lệ phân chia 3 khâu cụ thể, rõ ràng, minh bạch bằng thông tư bổ sung thay thế thông tư 103, hoặc quy định cụ thể tại Nghị định mới.
Với rất nhiều ý kiến ở trên, Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu tiếp tục là chủ đề nóng mà cộng đồng DN kinh doanh xăng dầu đang rất quan tâm. Trong khi đó, cơ quan soạn thảo rất đau đầu với câu chuyện làm sao cân bằng lợi ích giữa các bên, đảm bảo thị trường vận hành ổn định.
Ông Phan Văn Chinh
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước
Nội dung dự thảo Nghị định kinh doanh sẽ tiếp tục được hoàn thiện, giải trình cụ thể và xin ý kiến DN. Tôi sẵn sàng xuống tận DN để lấy ý kiến góp ý, trong đó công thức giá – đây sẽ là yếu tố sống còn của cả hệ thống nên cần được nghiên cứu kỹ. Nguyên tắc xây dựng Nghị định là đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, DN sử dụng xăng dầu và DN kinh doanh xăng dầu.
Ông Bùi Ngọc Bảo
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam
Tôi mong rằng đây sẽ là Nghị định cuối cùng trước khi xăng dầu chuyển sang cơ chế thị trường. Một trong những vấn đề còn băn khoăn ở Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu là xác định giá, quyền của DN trong xác định giá, khoản chi phí, thuế, giá cả được phản ánh trong công thức giá đầy đủ hay chưa, quy định thời hạn ra sao… Đặc biệt là hệ thống bán lẻ, nơi số lượng cửa hàng kinh doanh hiện diện trên thị trường lớn nhất nhưng còn tồn tại rất nhiều bất cập như câu chuyện chiết khấu 0 đồng đã trở thành vấn đề xã hội. Vì vậy, cần quy định gì trong Nghị định mới để chấm dứt tình trạng này, minh bạch trong phân chia lợi nhuận một cách hợp lý.
Ông Phạm Văn Thoại
Chủ tịch HĐQT Saigon Petro
Hiện nay, lợi nhuận định mức và chi phí định mức trong giá cơ sở ( trước thuế) đối với xăng MG95 là 1.380 đồng/lít, dầu diesel là 1.330 đồng/lít, phụ phí mua hàng và cước vận chuyển xăng dầu bình quân thực tế của DN khoảng 5 USD/BBL, khi cộng các khoản thuế thì tương đương 820 đồng/lít đối với mặt hàng dầu diesel và 900 đồng/lít đối với mặt hàng xăng. Như vậy, tại những thời điểm ổn định chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của DN từ khâu tạo nguồn đến khi bán ra ở mức 2.400-2.500 đồng/lít. Vì vậy, Saigon Petro đề nghị trong nghị định mới, chi phí cho DN nên tính toán mức chi phí từ khâu tạo nguồn đến khi bán ra sao cho phù hợp với thực tế hiện nay.