Lại nóng chuyện kinh doanh xăng dầu: Một số đại lý kêu lỗ phải bán nhỏ giọt
Theo phản ánh, ngày 18/2 tại TP. Hồ Chí Minh có hiện tượng khan hiếm xăng. Một số cây xăng bán cho người tiêu dùng với số lượng hạn chế khoảng 30.000 đồng/xe máy. Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động điều hành giá xăng dầu, trong đó cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Nhiều cửa hàng xăng dầu mở cửa trở lại sau khi giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít Giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít trước áp lực nguồn cung khan hiếm và giá thế giới Bộ Công thương họp khẩn, nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước Tuyệt đối không để thiếu xăng dầu trong mọi hoàn cảnh
TP. Hồ Chí Minh: Cây xăng than lỗ nên bán hàng nhỏ giọt
Phản ánh của người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh trong ngày 18/2, nhiều cây xăng bán hàng nhỏ giọt, chỉ bán 30.000 đồng/lượt cho khách đi xe máy, thay vì được yêu cầu bán 50.000 đồng.
Không chỉ với xe máy, nhiều người đi xe hơi cũng chỉ được mua xăng theo kiểu “nhỏ giọt”. Cụ thể, tại cây xăng trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), người bán “định mức” 200.000 đồng (chưa tới 8 lít xăng) dù khách muốn đổ đầy bình (gần 1 triệu đồng).
Nguyên nhân được một số đại lý bán xăng tại TP. Hồ Chí Minh đưa ra là do chiết khấu ở mức 0 đồng, khi bán ra, đại lý phải gánh lỗ với các chi phí từ nhân viên, điện nước, mặt bằng... nên bán bao nhiêu lỗ bấy nhiêu. Giá xăng mua vào cao, không có lãi, thậm chí lỗ. Không bán thì bị phạt nên chấp nhận bán cầm chừng.
Ngày 18/2, trước diễn biến tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết đã nắm được sự việc và đang tìm hướng khắc phục. “Vụ Thị trường trong nước đã nắm được thông tin và Bộ Công thương đang tiếp tục làm chặt công tác thanh kiểm tra, quản lý thị trường. Trong 7-10 ngày nữa, tình hình sẽ tốt hơn do hàng được các đầu mối bổ sung nhiều hơn từ nguồn nhập khẩu” - đại diện Vụ Thị trường trong nước nói.
Trong khi đại lý xăng dầu bán hàng cầm chừng, thì doanh nghiệp đầu mối cũng gặp khó khăn trong cung ứng. Phản ánh với báo chí, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết, do nhập hàng từ Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất nên nguồn hàng đầu vào vẫn ổn. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ đáp ứng được nhu cầu cho hệ thống, các đại lý nhượng quyền của Saigon Petro.
"Những đơn vị khác thiếu hàng, doanh nghiệp không thể đáp ứng đủ được mà chỉ đảm bảo cho tiêu thụ bình thường của hệ thống của mình", đồng thời Saigon Petro đang áp dụng chính sách "bán theo tiến độ", theo lượng lấy hàng bình quân của 2 tháng qua, nhằm tránh tình trạng thương nhân lấy hàng để tích trữ, đầu cơ chờ giá lên” - lãnh đạo Saigon Petro nói.
Hà Nội: Nguồn cung đảm bảo, mua bao nhiêu cũng đáp ứng
Sáng 19/2, khảo sát hoạt động kinh doanh xăng dầu cho thấy, nhiều điểm bán hàng tại trung tâm Hà Nội vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng người tiêu dùng đổ đi mua hàng, trước tác động thông tin bán hàng nhỏ giọt tại TP. Hồ Chí Minh.
Cây xăng trên đường Trần Khát Chân, Hà Nội phục vụ người dân trong sáng 19/2/2022. Ảnh: Hải Anh
Nhân viên bán hàng tại cây xăng trên đường Võ Thị Sáu và Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng và cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cho biết, do tiết trời mưa rét nên người mua hàng không nhiều, người tiêu dùng có thể mua với số lượng bao nhiêu cửa hàng cũng đảm bảo cung ứng.
Trao đổi với phóng viên TBTCO sáng ngày 19/2, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hoạt động cung ứng xăng dầu tại Hà Nội đảm bảo có nguyên nhân Hà Nội tập trung những doanh nghiệp xăng dầu lớn, làm ăn chân chính, nên khó có sự biến động trên thị trường.
“Đơn vị cũng thường xuyên có cuộc họp với đại diện sở công thương và các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu có sự trao đổi nhằm đảm bảo nguồn cung. Trước đó, đơn vị cũng tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội, các cửa hàng kinh doanh cũng đã ký cam kết đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân” - ông Chu Xuân Kiên khẳng định.
Tuy nhiên, ông Xuân Kiên cũng cho rằng, các cây xăng tại một số tỉnh miền Nam và như TP. Hồ Chí Minh lấy hàng của những đầu mối nhỏ lẻ có thể xảy ra hiện tượng bán lỗ, nhưng với thị trường Hà Nội sẽ không xảy ra.
Đứng trước khó khăn của nguồn cung xăng dầu, đại diện Vụ Thị trường trong nước khuyến nghị người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu thời điểm này chỉ mua đủ lượng cần thiết, không tích trữ mặt hàng với tâm lý giá sẽ tăng. Việc tích trữ này cũng sẽ không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy.
Hiện, giá dầu thế giới đang biến động mạnh do căng thẳng chính trị. Trong khi đó, ở trong nước, sản lượng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bị cắt giảm công suất khiến nguồn cung cũng bị ảnh hưởng.
“Bộ Công thương vẫn đang theo dõi rất sát tình hình, đề xuất phương án phù hợp và hài hòa nhất, trong đó đề xuất Thủ tướng cho phép Bộ Công thương lựa chọn thời điểm điều hành giá phù hợp theo quy định của Nghị định 95, nhằm đảm bảo giá sát hơn, tạo nguồn và đỡ gây áp lực cho doanh nghiệp” - đại diện Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.
Chính phủ lại nhắc Bộ Công thương bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Ngày 18/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động điều hành giá xăng dầu, trong đó cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Văn bản cũng nhấn mạnh, cơ quan điều hành cần “chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm, không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật”. Ngoài ra, Bộ Công thương cần chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng dầu để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự đồng thuận trong xã hội.